Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên khai mạc xét xử sơ thẩm vụ án “đánh bạc nghìn tỷ” liên quan đến cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (63 tuổi, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an) và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (60 tuổi, cựu Cục trưởng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50 – Bộ Công an).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí có mặt tại phòng xử án từ ngày 12/11 đến 17/11, trong khi HĐXX đang thẩm vấn các bị cáo thì 2 cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh liên tục rời phòng xử án để vào phòng y tế.
|
Bị cáo Phan Văn Vĩnh (ảnh trên) và Nguyễn Thanh Hóa vào phòng y tế. |
Tại tòa, HĐXX cho biết, có nhận được đề nghị của các luật sư bào chữa cho bị cáo Vĩnh và Hóa, do sức khỏe nên 2 bị cáo này không tốt nên có đề nghị được vào phòng y tế để được đội ngũ y tế hỗ trợ và được HĐXX chấp thuận.
Con bạc phải bán nhà, mất vợ vì chơi mê chơi bạc trực tuyến
Trong vụ án trên có 92 bị cáo, thì có tới 43 bị cáo bị VKSND tỉnh Phú Thọ truy tố về tội “Đánh bạc”.
Khi lên bục khai báo để HĐXX thẩm vấn, phần lớn 43 bị cáo trên đều khai ban đầu chơi game bài để giải trí, sau đó thấy thua tiếp tục lao vào chơi để gỡ và cuối cùng phải đi vay mượn tiền người thân, bán nhà, bán ô tô, rồi vợ bỏ đi, gia đình tan nát.
Cụ thể, tại phiên xét xử ngày 15/11, bị cáo Phạm Quang Thành cho biết, để có tiền chơi game bài đã phải cầm cố nhà cửa, bán xe ô tô (trị giá 2 tỷ) và cuối cùng thua khoảng 3 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Quang Thành. |
Cùng cảnh ngộ với Thành, bị cáo Phạm Quang Minh (44 tuổi, ở Thái Bình) khai “Quá trình chơi bạc bằng game bài, bị cáo thua khoảng 2 tỷ đồng. Bị cáo đã phải vay mượn người thân, bán nhà để trả”. HĐXX hỏi bị cáo Thành “Thế bán nhà thì vợ con bị cáo ở đâu?”, Thành cuối đầu đáp “Vợ bị cáo bỏ đi đâu không biết”.
Bị cáo Phạm Quang Minh. |
Đến đây, nữ Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương nói “Tôi muốn hỏi như vậy để gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người chơi bạc, tổ chức đánh bạc vì đã mất quá nhiều tiền cho trò chơi game bài đánh bạc này. Có bị cáo là người đánh bạc trong vụ án này còn bị vợ bỏ khi biết chơi bạc, gia đình tan nát”.
Tin tưởng kinh doanh game bài được bảo kê
Tại phiên xét xử ngày 17/11, HĐXX yêu cầu bị cáo Phan Sào Nam (39 tuổi, chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online) lên bục khai báo để thẩm vấn.
Bị cáo Nam khai, cuối năm 2014, đầu năm 2015, Hoàng Thành Trung (40 tuổi, ở Hoàng Mai – Hà Nội, đồng nghiệp của Nam lâu năm) gặp Nam bàn việc có phần mềm và đội ngũ kỹ thuật giỏi, có thể phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng game bài nhưng cần có đối tác phát hành. Nam đồng ý và nói còn phải tìm đối tác phát hành vì loại hình game này phải được Bộ Thông tin truyền thông cấp phép và duyệt nội dung, kịch bản. Trung đề nghị Nam nếu được thì tìm pháp nhân cho Trung xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến vì Trung còn đang làm trong Công ty VTC intercom.
Bị cáo Phan Sào Nam khai tại tòa. |
Tại tòa, Phan Sào Nam khai, vì biết thời điểm trên rất khó xin được giấy phép phát hành game đã tìm đến Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) để bàn việc phát hành game.
Nam khai “Bị cáo hiểu rằng công ty CNC là công ty bình phong của Bộ Công an. Anh Dương cũng làm rõ nghĩa hơn cho bị cáo là công ty bình phong có 2 chức năng: một là làm kinh tế nghiệp vụ, hai là làm trinh sát ngoại tuyến; đây là hai thuật ngữ mà anh Dương nói với bị cáo và bản thân bị cáo cũng chỉ biết đến 2 thuật ngữ này sau khi trao đổi với anh Dương thôi. Bị cáo hiểu rằng, mặc dù chưa có giấy phép của Bộ Thông tin truyền thông, nhưng Bộ Công an có thể có những cơ chế để các công ty bình phong với những hoạt động nghiệp vụ đặc biệt mà người ngoài không thể biết được. Chính bị cáo có có niềm tin như vậy, anh Dương cũng rất tự tin nên 2 bên đã đi đến ký hợp đồng chính thống với nhau”.
Bị cáo Phan Sào Nam (bên trái) và Nguyễn Văn Dương (đeo kính) vào phòng xử án. |
Ngoài ra, Nam khai thêm, trong quá trình phát hành, vận hành game cũng như tài liệu điều tra đã thể hiện rõ có công an và thanh tra của cơ quan chuyên môn kiểm tra. Nam cho rằng, việc kiểm tra này đều nói nên rằng các cơ quan chức năng có biết về việc phát hành, hợp tác này nhưng lại không có một kết luận điều tra hay xử lý gì.
“Chính vì thế, bị cáo rất tin tưởng anh Dương, anh Dương cũng nói rằng việc phát hành được sự ủng hộ của các lãnh đạo và cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép cho sản phẩm, còn trước hết là chạy thử nghiệm” – Nam khai.
Sự tự tin trong việc đảm nhận phát hành game bài của Dương đã được Nam nói với Hoàng Thành Trung (một trong 3 người sáng lập, vận hành game bài đánh bạc, hiện Trung đã bỏ trốn).
Theo tài liệu điều tra, sau khi vận hành game bài nói trên (từ ngày 19/4/2015 đến 29/8/2017), Phan Sào Nam Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 “đại lý cấp 1”, gần 6.000 “đại lý cấp 2” với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Phan Sào Nam được hưởng lợi cá nhân hơn 1.400 tỷ đồng (Nam khai đã nộp tiền mặt 1.088 tỷ đồng cho cơ quan điều tra, tổng tài sản đã bị thu hồi là hơn 1.300 tỷ đồng, tương đương 90,7%), Nguyễn Văn Dương hưởng hơn 1.600 tỷ đồng.
Đến ngày 17/11, HĐXX đã thẩm vấn được hơn 80 bị cáo. Ngày 19/11, HĐXX tiếp tục làm việc, dự kiến sẽ thẩm vấn tiếp bị cáo Phan Sào Nam, sau đó đến Nguyễn Văn Dương.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí