Thế hệ mới nhận nhiệm vụ
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) vừa công bố tài liệu họp cổ đông với thông tin đáng chú ý: ông Lê Viết Hiếu (1992), con trai chủ tịch Lê Viết Hải - nhà sáng lập tập đoàn xây dựng Hòa Bình - dự kiến sẽ được bầu bổ sung vào HĐQT HBC thay ông Trương Quang Nhật. Ông Nhật đã có đơn từ nhiệm và được HĐQT thông qua trong cuộc họp cuối tháng 5.
Như vậy, nhiều khả năng thiếu gia 9x nhà chủ tịch Lê Viết Hải chuẩn bị làm sếp lớn HBC nhiệm kỳ 2019-2024, nhân sự trẻ tuổi nhất trong ban lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam với doanh thu chục ngàn tỷ đồng.
Ông Hiếu đang là Phó Tổng giám đốc Đối ngoại Khu vực miền Bắc của HBC. Tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh, chuyên môn tài chính doanh nghiệp tại một trường đại học tại California, Mỹ, ông Hiếu từng có 2 năm làm chuyên viên tín dụng của Shinhan Việt Nam.
Từ tháng 12/2016 đến 5/2019, ông Hiếu đảm nhận vị trí Phó Giám đốc, Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài của Xây dựng Hòa Bình. Hiện ông Hiếu sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu HBC, tương đương tỷ lệ 0,46%.
Thiếu gia, ái nữ thế hệ 2 bắt đầu cuộc chinh phục mới |
Con gái bà Cao Thị Ngọc Dung (chủ tịch PNJ) cũng vừa ứng cử vào Hội đồng quản trị CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Bà Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, là con gái lớn của bà Dung và ông Trần Phương Bình.
Trần Ngọc Phương Thảo tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quản lý kinh tế tại Đại học Oxford (Anh), sau đó nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của London Business School và bằng tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ).
Bà Thảo từng có hai năm làm giảng viên tại Đại học Kinh tế TP.HCM, sau đó đảm nhiệm chức quản lý tại Ngân hàng Đông Á và ANZ Banking Group (Úc). Hiện, bà Thảo nắm giữ 5,74 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 2,55% cổ phần đang lưu hành.
PNJ là doanh nghiệp lớn, thuộc top đầu trong lĩnh vực bán lẻ trang sức vàng bạc đá quý, với doanh thu dự kiến đạt gần 15 ngàn tỷ đồng trong 2020 và lợi nhuận lên tới trên 830 tỷ đồng.
Đầu năm 2020, con trai ông Trần Đình Long chính thức lộ diện ở Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với loạt thương vụ mua cổ phiếu của HPG. Ông Trần Vũ Minh đã mua vào hàng chục triệu cổ phiếu, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Tính tới hết 21/4/2020, con trai tỷ phú Long nắm giữ 40 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 1,45%), trị giá hơn 1 ngàn tỷ đồng.
Cuộc đua về tương lai
Trước đó, khá nhiều thiếu gia, ái nữ con đại gia cũng tham gia vào doanh nghiệp gia đình. Lê Thị Dịu Minh cũng là cái tên thuộc thế hệ 2 trên sàn chứng khoán. Cho dù khá kín tiếng, nhưng con gái của “vua tôm” Minh Phú Lê Văn Quang thuộc top các ái nữ giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Lê Thị Dịu Minh, con gái Thủy sản Minh Phú. |
Lê Thị Dịu Minh (1986) hiện là phó TGĐ kiêm Giám đốc Bộ phận chiến lược Nghiên cứu và Phát triển của Thủy sản Minh Phú (MPC), nắm giữ gần 6,5 triệu cổ phiếu MPC, tương đương 3,3% cổ phần.
Dịu Minh được bổ nhiệm vào HĐQT của Minh Phú khá sớm, từ khoảng 20 tuổi, làm trợ lý TGĐ từ 2007 rồi trở lại thành viên HĐQT từ đầu 2015 tới cuối tháng 6/2019. Mặc dù khá trẻ tuổi, nhưng ái nữ nhà ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình đã tham gia tích cực vào công ty gia đình. Dịu Minh còn nắm giữ cổ phần MPC gián tiếp thông qua công ty Long Phụng.
Trên thị trường, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều doanh nhân thuộc thế hệ thứ 2 tham gia tích cực vào doanh nghiệp của cha mẹ, như trường hợp bà Trần Uyên Phương (con gái của ông Trần Quí Thanh - Tân Hiệp Phát), ông Đỗ Quang Vinh (con trai của ông Đỗ Quang Hiển), Chủ tịch ACB Trần Huy Hùng (con trai của ông Trần Mộng Hùng),...
Đầu 2020, ái nữ Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương thay ông Trần Quý Thanh đầu tư gần 300 tỷ đồng mua 6,05 triệu cổ phần Yeah1 (YEG) trong bối cảnh cổ phiếu này giảm giá mạnh.
Quyết định của bà Phương đầu tư vào Yeah1 được cho là sẽ giúp Tân Hiệp Phát tiếp cận tập người dùng đông đảo của YEG, đặc biệt là giới trẻ để triển khai các chương trình marketing năm 2020.
Gia đình ông Đỗ Quang Hiển. |
Con trai ông Đỗ Quang Hiển thì đầu tư nhiều trăm tỷ vào cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội những tháng đầu năm 2020 cũng bất ngờ kéo giá cổ phiếu này lên sau nhiều năm chìm nghỉm dưới mệnh giá.
Ngoài ra, ông Đỗ Vinh Quang (25 tuổi) còn trở thành một hiện tượng khi ra mắt với tư cách chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội. Sự xuất hiện ở những vị trí quan trọng chứng tỏ con trai thứ hai của bầu Hiển đã sẵn sàng cho sự chuyển giao quyền lực, với vai trò là người đồng thừa kế một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, T&T.
Một nhân vật trẻ tuổi mới xuất hiện nhưng rất nổi là ông Hồ Anh Minh, con trai đại gia gốc Đông Âu Hồ Hùng Anh, giàu nhất giới ngân hàng Việt. Ông Hồ Anh Minh vừa chi 1.300 tỷ đồng mua gần 45 triệu cổ phiếu Techcombank (TCB) để nâng tổng sở hữu lên gần 138 triệu cổ phiếu TCB và trở thành thiếu gia giàu nhất trên sàn chứng khoán, với túi tiền khoảng 3,6 ngàn tỷ đồng.
Việc chuyển giao của doanh nhân thế hệ thứ 1 (sau đổi mới) sang thế hệ thứ 2 được thực hiện nhiều năm gần đây, với những cái tên như Trần Uyên Phương, Đặng Hồng Anh, Trần Hùng Huy, Bùi Cao Nhật Quân,... Phần lớn các trường hợp đều thành công.
Năm 2020 đang chứng kiến một đợt chuyển giao mới và khoảng 5-7 năm nữa, thị trường sẽ chứng kiến một đợt chuyển giao ở những tập đoàn lớn hàng đầu cả nước.
Nhiều trường hợp chuyển giao được cho là khá thành công như ông Trần Hùng Huy nhà ông Trần Mộng Hùng, ông Đặng Hồng Anh con trai ông Đặng Văn Thành, Đặng Huỳnh Ức My, Lê Dịu Minh,... Các thiếu gia, ái nữ nhà đại gia bắt đầu bước vào thương trường, mỗi sự chuyển giao thành công hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều cho nền kinh tế.
Tác giả: V.Hà
Nguồn tin: Báo Vietnamnet