Alibaba Group bị điều tra vì nghi ngờ hành vi độc quyền. Ảnh minh họa |
Theo The Paper, truyền thông Trung Quốc ngày 24/12 đồng loạt đưa tin, Cục Quản lý Nhà nước về Giám sát Thị trường Trung Quốc đã đệ đơn điều tra Công ty TNHH Alibaba Group vì nghi ngờ có hành vi độc quyền bằng phương pháp "2 chọn 1".
"2 chọn 1" là một thuật ngữ trong lĩnh vực thương mại điện tử, có nghĩa là một số nền tảng thương mại điện tử, để theo đuổi lợi ích thương mại và chống lại đối thủ cạnh tranh, yêu cầu các thương gia hợp tác chỉ được tham gia một nền tảng bán hàng trực tuyến, không được cùng lúc sử dụng nền tảng của đối thủ cạnh tranh.
Việc thực hiện "2 chọn 1" gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều chủ thể thị trường, làm tăng chi phí tiêu dùng và ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm.
Hiện phía Alibaba chưa đưa ra bình luận về sự việc này. Tuy nhiên, chứng khoản của Alibaba Group ở Mỹ và Hong Kong đều đã giảm hơn 3%.
Tờ Nhật báo Nhân dân Trung Quốc nhận định, động thái trên là "một biện pháp quan trọng" để Trung Quốc tăng cường giám sát chống độc quyền trong lĩnh vực thương mại điện tử, có lợi cho việc "chuẩn hóa trật tự và thúc đẩy sự phát triển lâu dài lành mạnh" của nền kinh tế trực tuyến.
Cạnh tranh bình đẳng là cốt lõi của nền kinh tế thị trường. Chỉ có môi trường cạnh tranh bình đẳng mới có thể đạt được sự phân bổ nguồn lực hiệu quả và sự tồn tại của những người phù hợp nhất.
Độc quyền cản trở cạnh tranh bình đẳng, làm sai lệch phân bổ nguồn lực, gây tổn hại đến lợi ích của các thực thể thị trường và người tiêu dùng, đồng thời kìm hãm sự tiến bộ công nghệ.
Theo Nhật báo Nhân dân, kể từ khi nền kinh tế trực tuyến ra đời, Trung Quốc luôn ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp nền tảng Internet đổi mới và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
"Tuy nhiên, sự khuyến khích và quy định cần được chú trọng như nhau. Nền kinh tế trực tuyến phải được đổi mới và phát triển theo quy định pháp luật. Nếu vượt quá những hạn chế của pháp luật, sự độc quyền thị trường vàvsự bành trướng mất trật tự sẽ khiến toàn bộ ngành công nghiệp không thể đạt được sự phát triển lành mạnh và bền vững", Nhật báo Nhân dân viết.
Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, chống độc quyền là một thông lệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ thị trường cạnh tranh công bằng và đổi mới, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đối mặt với "siêu nền tảng" trên mạng, các cơ quan thực thi pháp luật chống độc quyền trên thế giới đã áp dụng các biện pháp quản lý và hạn chế nghiêm ngặt. Tăng cường giám sát chống độc quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và duy trì cạnh tranh bình đẳng trong trật tự thị trường.
Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật chống độc quyền. Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục tăng cường điều tra chống độc quyền đối với các ông lớn công nghệ tập trung vào việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nhằm chèn ép đối thủ cạnh tranh, cản trở sự đổi mới và gây hại cho người tiêu dùng.
Ngày 15/12 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành "Luật Dịch vụ Kỹ thuật số" và "Luật Thị trường Kỹ thuật số", nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trên các nền tảng trực tuyến quy mô lớn.
Trong 4 năm qua, Google, Apple, Facebook, Amazon và nhiều gã khổng lồ công nghệ khác đã bị điều tra chống độc quyền trên khắp thế giới. Trong đó EU đã áp dụng hình phạt chống độc quyền đối với Google trong 3 năm liên tiếp từ 2017 - 2019, với tổng số tiền lên tới hơn 9 tỷ USD.
Tác giả: Hoa Vũ (Theo The Paper, Nhật báo Nhân dân)
Nguồn tin: Đời sống & Pháp luật