Tin trong tỉnh

Ám ảnh tiếng gọi báo 'lũ về' hoảng hốt giữa đêm ở miền Tây xứ Nghệ

Chỉ vài phút sau tiếng 'Lũ về rồi!', lũ ập đến. Trời sáng, cả bản làng biến mất trong bùn đất. Những tiếng hét, tiếng chạy, tiếng đập xoong... vẫn còn ám ảnh cả trong giấc mơ của người dân sống bên dòng Nậm Mộ.

Tiếng gọi báo "lũ về" giữa đêm

Đêm 22/7, mưa rừng trút xuống xối xả khắp các bản vùng cao của miền Tây Nghệ An. Dù đã quen với những mùa lũ dữ, người dân vẫn cảm nhận rõ điều chẳng lành khi nước suối bỗng đục ngầu, dâng cao bất thường chỉ trong tích tắc.

Tại bản Cha Nga, thuộc xã Mỹ Lý, anh Lương Văn Hiền, người có kinh nghiệm theo dõi dòng suối mỗi mùa mưa nhận thấy nước sự bất thường đáng sợ. Không đèn pin, không còi báo động, anh lao đi trong màn mưa dày đặc, vừa gào lớn giữa đêm tối: "Lũ về rồi! Bà con chạy đi! Nước đang lên!".

Cả bản làng như tỉnh giấc đồng loạt, chính linh cảm sinh tồn mách bảo họ phải chạy ngay. Người già choàng dậy, phụ nữ ôm con lao khỏi cửa, thanh niên cõng người thân men theo con đường nhỏ lên đồi cao. Có người trượt ngã giữa sân lầy lội, lại vội vã đứng dậy, chẳng kịp mang theo thứ gì. Cố giữ sinh mạng an toàn là điều quan trọng nhất lúc này!

Dòng lũ ập đến bất ngờ, người dân bản chỉ kịp hô hoán nhau chạy thoát thân

Giữa đống đổ nát nơi từng là mái ấm, bà Vi Thị Dư, người dân bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý nghẹn ngào nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng khi lũ tràn về trong đêm.

"Nhanh lắm… Lũ đến bất ngờ như một con thú dữ. Không ai kịp trở tay. Chúng tôi chỉ biết hét lên gọi nhau chạy, ai bế con thì bế, ai dắt mẹ già thì dắt. Cả bản hoảng loạn. Chẳng ai mang theo được gì ngoài mạng sống", bà Dư nhớ lại.

Bà Dư dừng lời, đôi mắt đượm buồn nhìn về phía dòng nước đã rút, nơi trước đây từng là mái nhà thân thuộc. Tài sản, nhà cửa, tất cả đều bị bỏ lại phía sau, mặc cho dòng lũ vô tình cuốn đi như chưa từng tồn tại.

Tại xã Mường Xén, trận lũ ống, lũ quét xảy ra vào tháng 10/2022 vẫn còn là nỗi ám ảnh trong ký ức của người dân và năm 2025, thiên tai lần này còn lớn hơn thế. Nước lũ từ thượng Lào đổ về cuồn cuộn; nước sông Nậm Mộ, sông Nậm Nơn dâng cao đột biến.

Lường trước sự việc, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, vận động và hỗ trợ di dời ngay từ chiều 22/7 đối với những trường hợp thực sự cấp bách.

Tình người thắp sáng giữa hoang tàn đổ nát

Ngay khi lũ rút, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng, công an, dân quân tự vệ, cùng đoàn viên thanh niên đã được điều động đến các vùng bị ảnh hưởng nặng nề. Họ không quản ngại khó khăn, lội bùn, gùi hàng cứu trợ, dựng lán tạm và khơi thông các tuyến đường bị chia cắt. Nhiều chuyến trực thăng quân đội cũng nhanh chóng tiếp tế lương thực, nước uống, thuốc men đến các bản làng vẫn còn cô lập.

Anh Nguyễn Viết Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén vẫn bàng hoàng khi đi qua những bản làng từng đông vui nay chỉ còn là bãi đất trắng xóa.

"Tôi từng trải qua nhiều mùa mưa ở đây, nhưng chưa bao giờ thấy nước lên nhanh như vậy. Nó mang theo gỗ lớn, đá tảng, đập vào cầu, vào nhà, phát ra tiếng nổ như bom", anh Hùng kể lại.

Miền Tây Nghệ An - mảnh đất lưng tựa núi, mặt hướng sông/suối

Trong khó khăn hoạn nạn, lòng người lại càng sáng lên. Những người còn cơm nhường cơm, còn áo nhường áo. Tấm áo mưa cũ được xé làm đôi để che cho những đứa trẻ, gói mì tôm được chia sẻ, nước sạch được san sẻ từng chút một. Không ai bảo ai, nhưng mọi người đều tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau.

Lũ đã đi qua, mọi thứ xung quanh trở nên hoang tàn và âm thanh lũ về, tiếng gọi nhau, tiếng hô hoán, tiếng chạy lũ, tiếng nước cuộn xiết, tiếng gỗ, tiếng đá... của đêm 22/7 vẫn còn ám ảnh, tiếng người la hét… Những âm thanh ấy sẽ còn ám ảnh mãi trong tâm trí người dân miền Tây xứ Nghệ mãi sau này khi nhắc đến trận lũ lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Wipha) vào tháng 7/2025.

Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén chia sẻ: "Miền Tây xứ Nghệ – nơi lưng tựa núi, mặt hướng sông/suối, từ bao đời đã quen gồng mình trước khắc nghiệt thiên nhiên. Nhưng chưa bao giờ nỗi gian truân lại chồng chất như lúc này. Chỉ mong trời yên, mưa thuận, để người dân sớm được an cư, để những tiếng cười lại vang lên giữa núi rừng".

Từ mọi nẻo đường quê hương, những yêu thương đang liên tục đổ về miền Tây xứ Nghệ. Đó là những nghĩa cử tuyệt vời thắp lên hy vọng giữa hoang tàn, và điều mà người dân nơi đây cần lắm nữa là, những mùa bình yên hãy dài thật dài, vững thật vững... để xoa dịu vết thương thiên tai và để cho người dân nơi đây có cơ hội dựng lại cuộc sống bằng đôi tay, bằng tình đồng bào và niềm tin.

Tác giả: Phan Huy

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP