Tin trong tỉnh

Ấm áp tình quân dân trong bão lũ ở miền Tây xứ Nghệ

Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra ở miền tây Nghệ An trong những ngày qua gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề. Cùng với lực lượng Công an ở cơ sở, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ đang tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân các xã khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Thiếu tá Nguyễn Đình Khánh, Trưởng ban thanh niên Công an tỉnh cho biết: Công an tỉnh đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ bà con nhân dân các xã Con Cuông (huyện Con Cuông cũ), xã Anh Sơn, xã Nhân Hòa, xã Thành Bình Thọ (huyện Anh Sơn cũ). Ngay sau khi quốc lộ 7 được thông tuyến, mặc dù còn nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, địa hình khó khăn, nhưng với tinh vì nhân dân phục vụ, các lực lượng được tăng cường của Công an Nghệ An đã nỗ lực di chuyển, tiếp cận các địa phương như xã Mường Xén, xã Chiêu Lưu, xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn cũ), xã Tam Thái, xã Tam Quang, xã Lượng Minh, xã Tương Dương (huyện Tương Dương cũ)…, giúp bà con Nhân dân khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Đại tá Đinh Việt Dũng, Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ và động viên bà con Nhân dân về những thiệt hại do mưa lũ gây ra

Ngay từ sáng sớm 26/7, tiếp cận với xã Chiêu Lưu, đây là địa bàn miền núi với địa hình dốc, hiểm trở, lượng bùn đất đổ về sau mưa lũ khối lượng lớn, các tổ công tác đã trực tiếp xuống bản, phân chia lực lượng, khẩn trương nạo vét bùn đất, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh và vệ sinh môi trường xung quanh khu vực dân cư, trường học, trạm y tế... Các tuyến đường liên bản bị đất đá, bùn vùi lấp cũng được cán bộ, chiến sĩ nỗ lực thông tuyến…

Công an tỉnh Nghệ An cùng lực lượng Công an xã và các lực lượng khác nạo vét bùn đất, thông tuyến đường liên bản tại xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn cũ)

Lũ về nhanh nên mẹ con chị Vy Thị Thắm (SN 1980), trú tại bản Cù, xã Chiêu Lưu, tỉnh Nghệ An không kịp di chuyển tài sản chạy lũ. Trong quá trình sơ tán, chị Thắm bị trượt chân ngã nên không thể đi lại được. Ngôi nhà cả đời chị chắt chiu, dành dụm dựng lên che nắng, che mưa của 2 mẹ con phút chốc đã bị nước lũ nhấn chìm. Toàn bộ đồ đạc trong nhà, sách vở của người con học lớp 12… đều chìm trong nước lũ.

Tổ công tác Công an tỉnh gồm hơn 30 cán bộ, chiến sĩ cùng với lực lượng Công an xã Chiêu Lưu đã kịp thời tiếp cận ngôi nhà dọn dẹp bùn đất.

“Nước lũ về nhanh, chỉ trong tích tắc, rứa là mất hết cả. May mắn, sau lũ được các chú Công an đến giúp đỡ gia đình dọn dẹp. Không có các chú thì mẹ con tôi không biết mần răng (làm sao – PV)…!”, chị Thắm vừa nói, vừa vội đưa tay lấy gấu áo lau đi nước mắt.

Lực lượng Công an hỗ trợ người dân nạo vét bùn đất trong nhà dân, khơi thông dòng chảy tại xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn cũ)

Cách đó không xa, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An cũng đang hỗ trợ, giúp đỡ gia đình ông Lương Văn Dương (SN 1952) dọn dẹp bùn đất. Ông Dương kể, con cháu đi làm ăn xa nên ông ở nhà một mình. Khi có thông tin lũ quét ảnh hưởng đến xã mình, ông được lực lượng Công an xã Chiêu Lưu sơ tán đến nơi an toàn.

Ông không giấu được sự xúc động: “Sau 3 ngày đi tránh lũ, tôi trở về nhà, nhìn khung cảnh ngổn ngang, bùn ngập lên đến đầu gối, mọi thứ trong nhà đều ngập trong nước và bùn. Chưa biết xoay sở thế nào, may mắn được các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An cùng lực lượng Công an xã hỗ trợ nên trong vài tiếng đồng hồ, lượng bùn đất khổng lồ trong nhà và ngoài sân cơ bản đã được xúc đi. Những đồ đạc còn tái sử dụng được các chú Công an tráng rửa… Thật không biết nói gì, cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ Công an”.

Lực lượng Công an hỗ trợ người dân nạo vét bùn đất trong nhà tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương cũ).

Tính đến ngày 26/7, nhiều xã miền núi phía Tây Nghệ An vẫn đang bị chia cắt, cô lập do lũ. Giao thông tê liệt khiến việc tiếp cận các vùng ngập lụt, lũ quét gặp nhiều khó khăn. Tại xã Mỹ Lý - địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất khi có đến gần 160 gia đình bị mất nhà cửa, hơn 200 nhà khác bị ngập sâu.

Hiện, các bản Xốp Dương, Cha Nga, Nhọt Lợt, Piêng Pèn và Phà Chiếng đang bị cô lập. Bà Lô Thị Hoa trú tại bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý thẫn thờ nhìn về khoảng đất trống nơi từng là ngôi nhà của gia đình. Giọng nghẹn lại, bà nói: “Nhà cửa, đồ đạc, quần áo… trôi hết cả rồi. Không còn một cái gì, thậm chí là quần áo để mặc qua ngày…”.

Giáp ranh với xã Mỹ Lý, thấu hiểu những vất vả, khó khăn, mất mát của đồng đội và nhân dân xã bạn đang đối mặt, không quản ngại gian nan, lực lượng Công an xã Huồi Tụ đã cùng người dân dọn dẹp các điểm sạt lở để mở đường thông tuyến sang Mỹ Lý. Đồng thời, phát động quyên góp, ủng hộ ngày lương, vận động người dân cùng chung tay hướng về xã Mỹ Lý

Mặc dù trụ sở Công an xã Mỹ Lý cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng cán bộ, chiến sĩ đang dồn toàn bộ sức lực để hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Tạm gác lại khó khăn của đơn vị, các anh tiếp tục bám địa bàn, phối hợp di dời các hộ dân đến nơi an toàn, khơi thông các tuyến đường bị sạt lở và đảm bảo an ninh trật tự trong giai đoạn khẩn cấp

Trung tá Hồ Ngọc Nghị, Trưởng Công an xã Mỹ Lý chia sẻ: “Trong những ngày qua, Công an xã Mỹ Lý phân công cán bộ, chiến sĩ theo các tổ công tác cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng khác giúp bà con khắc phục hậu quả do mưa lũ; nhận hàng cứu trợ, nhất là lương thực, thực phẩm như lương khô, mì tôm và nước uống…; đồng thời sử dụng các phương tiện hiện có để hỗ trợ tận tay cho bà con”.

Giáp với xã Mỹ Lý, xã biên giới Nhôn Mai (huyện Tương Dương cũ) cũng đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề sau trận lũ quét và sạt lở lịch sử. Toàn xã có 276 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó 69 căn bị cuốn trôi hoàn toàn, 20 căn hư hỏng nặng, và 142 căn cần phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, 46 căn nhà khác nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Nhiều công trình thiết yếu như nhà cộng đồng, trường mầm non, trường tiểu học bị phá hủy. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới và viễn thông… chịu thiệt hại nghiêm trọng. Ước tính riêng thiệt hại hạ tầng lên tới hơn 225 tỷ đồng.

Phút nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An sau nhiều ngày có mặt trực tiếp giúp dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.

Anh Lỳ Văn Hòa, một người dân tại bản Cò Hạ, xã Nhôn Mai đến bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại giây phút kinh hoàng, lũ bất ngờ đổ về cuồn cuộn khiến dân bản tháo chạy, không kịp mang theo tài sản: “Lúc đó mưa rất to. Đang loay hoay thì tôi nghe tiếng hàng xóm vang thất thanh “sập nhà rồi, chạy mau!”. Tôi chỉ kịp nói vợ và nắm tay con chạy ra ngoài. Vừa chạy ra ngoài được một quãng thì phía sau lưng tiếng nước chảy ào ào, cuốn hết nhà của tôi, nhà của hàng xóm. Trắng tay rồi…

Theo Thiếu tá Nguyễn Đình Khánh, các tổ công tác thuộc Công an tỉnh Nghệ An tăng cường và Công an cơ sở cùng các lực lượng khác đang đang chạy đua với thời gian để giúp dân khi bùn đất chưa đông cứng. Bởi, khi bùn đất đông cứng lại, việc giải phóng lượng bùn đất sẽ càng khó khăn gấp bội… “Ngay khi có lệnh, chúng tôi sắp xếp tư trang lên đường hành quân. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nên mỗi cán bộ, chiến sĩ đều xác định rõ trách nhiệm, duy trì nghiêm kỷ luật, bảo đảm an toàn khi hành quân, mang theo quân tư trang, nhu yếu phẩm, dụng cụ cần thiết, hết lòng, hết sức thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân”, Thiếu tá Khánh chia sẻ.

Ngay khi trận lũ lịch sử xảy ra, Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi, động viên bà con Nhân dân các vùng bị thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt: đồng chí Đại tá Đinh Việt Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đến các xã dọc tuyến Quốc lộ 7; Đại tá Nguyễn Duy Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh đến xã Con Cuông (huyện Con Cuông cũ) và một số địa bàn trên tuyến Quốc lộ 7; Đại tá Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh tham gia Đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy đến Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn cũ)…

Trong bão lũ, những nghĩa cử cao đẹp được trao đi, cùng nhau vượt qua gian khó. Đó là trách nhiệm, mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an trên quê hương Bác Hồ kính yêu. Hiện nay các tổ công tác của Công an tỉnh đã tiếp cận được đến hầu hết các xã bị chia cắt như Lượng Minh, Tam Thái, Tam Quang, xã Tương Dương (huyện Tương Dương cũ), Hữu Kiệm, Mường Xén, Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn cũ)… Tuy nhiên vẫn còn nhiều bản bị cô lập, rất khó khăn để di chuyển và thực hiện công tác cứu hộ. Công an Nghệ An sẽ tiếp tục bám địa bàn, phối hợp với chính quyền và các lực lượng khác hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất và vệ sinh môi trường, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con...

Theo số liệu từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, ngoài thiệt hại về người (4 người chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương), mưa lũ còn gây tổn thất về tài sản của người dân và các công trình, trụ sở làm việc của Nhà nước. Thống kê chưa đầy đủ, có 1.170 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 15 điểm trường bị ngập, thiệt hại, gần 9.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng… bị thiệt hại. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, công trình nước sinh hoạt… cũng bị hư hỏng nặng nề.

Tác giả: Phạm Thủy

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP