Tôi đang mang thai ở tháng thứ 3. Hiện tại, tôi đã hết nghén và bắt đầu ăn được. Chính vì thế, mẹ chồng tôi tầm bổ không biết baonhiêu là món. Món nào bà cũng bảo rất tốt cho mẹ bầu và thai nhi, nhất định phải ăn cho hết vì giờ tôi ăn là ăn cho hai người chứ không phải mình tôi. Không những vậy, có những thức ăn tôi chán ngấy đi rồi nhưng vì mẹ chồng dặn “con ăn là ăn cho em bé, dù không thích cũng phải ăn”. Tôi đành ngậm ngùi, cố gắng tống chỗ đồ ăn đó vào dạ dày trong cái tâm trạng không chút gì thích thú.
Không cam tâm với chế độ ăn uống của mẹ chồng dành cho mình, tôi tìm kiếm thông tin về chế độ ăn cho bà bầu thì đọc được “quan điểm phụ nữ mang thai cần ăn gấp đôi mới đủ dinh dưỡng cho bà bầu là sai lầm”. Giờ tôi hoang mang quá, không biết có nên thay đổi chế độ ăn uống hay tiếp tục ăn theo chế độ mà mẹ chồng đưa ra. (Nguyễn Thị Hường, 25 tuổi, Hải Dương)
|
Bác sĩ Phạm Thu Hằng tư vấn:
Chào Hường, quan điểm phụ nữ mang thai cần ăn gấp đôi, ăn nhiều mới đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé là hoàn toàn sai lầm. Các nhà dinh dưỡng học của viện Y học Mỹ tuyên bố rằng, nếu một người phụ nữ có cân nặng hợp lý và cơ thể khỏe mạnh thì không cần phải tiêu thụ thêm calo trong ba tháng đầu mang thai. Đến tam cá nguyệt thứ hai, bạn nên bổ sung thêm 340 calo mỗi ngày và khoảng 450 calo trong 3 tháng cuối thai kỳ. Lượng calo tăng thêm này nên được bổ sung từ sữa, các loại hạt, hoặc thịt nạc. Chính vì thế, bạn nên tập trung vào việc ăn uống lành mạnh thay vì cố gắng ăn nhiều hơn, ăn những món như sú giò hầm, gà hầm...
Không những vậy, tăng cân quá nhiều có thể tăng nguy cơ mắc bệnh như tiền sản giật, tiểu đường trong thai kỳ, thậm chí gây ra các vấn đề về sức khỏe khác sau khi sinh. Phụ nữ có cân nặng vừa phải trước khi mang thai thì nên tăng khoảng 11-16 kg, phụ nữ bị thiếu cân thì nên tăng khoảng 13-18 kg, phụ nữ thừa cân thì chỉ nên tăng khoảng 7-11 kg.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Người đưa tin