Bạn cần biết

Ăn nhiều cà rốt có thật sự giúp bổ mắt?

Việc ăn quá nhiều cà rốt có thể khiến gan chịu áp lực lớn và hiệu quả bổ mắt không được như mong muốn.

Từ lâu, nhiều phụ huynh tin rằng chế độ ăn cà rốt giúp trẻ nhỏ tăng cường sức khỏe và cải thiện thị lực.

Chia sẻ với Zing về quan niệm này, bác sĩ chuyên khoa II Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống nhất (TP.HCM), cho rằng tác dụng bổ mắt của cà rốt là có song phụ huynh không nên kỳ vọng hay lầm tưởng quá nhiều vào thực phẩm này.

Chuyên gia này phân tích cà rốt có màu cam, chứa nhiều beta carotene, tiền chất của vitamin A. Do đó, bác sĩ thường khuyên cho trẻ em ăn thực phẩm có màu đỏ, vàng như cà rốt để mắt sáng như mắt thỏ.

Beta caroten có nhiều trong các loại thực vật có màu đỏ, cam, vàng, chất mà cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, một chất có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Trẻ nhỏ thiếu vitamin A có thể bị chậm phát triển, dễ bị nhiễm trùng, mờ giác mạc và thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn.

Ngoài ra, cà rốt cũng chứa nhiều lutein, chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương mắt do các gốc tự do gây ra. Mặc dù vậy, cơ thể chỉ có thể sử dụng vitamin A sau khi gan chuyển hóa beta carotene.

"Do đó, nếu ngày nào cũng ăn cà rốt thì gan không kịp chuyển hóa beta carotene thành vitamin A retinol. Nếu lượng beta carotene này không chuyển hóa kịp hoặc gan không sử dụng hết, chất này sẽ lắng đọng gây tình trạng vàng da", bác sĩ Loan khuyến cáo.

Cà rốt giàu vitamin A dạng beta carotene nhưng không phải thực phẩm chuyên dành để tăng cường sức khỏe mắt. Ảnh: Pexels.

Các bộ phận biểu hiện vàng da do tích tụ beta carotene thường là lòng bàn tay, bàn chân, kết mạc mi mắt. Bác sĩ Loan khuyến cáo với thực phẩm giàu beta carotene có màu đỏ, vàng thì chỉ nên ăn vừa phải, khoảng 1-2 lần/tuần.

"Ăn quá nhiều thực phẩm chứa vitamin A dạng beta carotene sẽ vô tình gây áp lực cho gan", bác sĩ Loan khuyến cáo.

Chuyên gia này cho biết khi thấy trẻ có biểu hiện vàng da ở lòng bàn tay, bàn chân đã loại trừ các bệnh lý gây vàng da, phụ huynh nên nghĩ nhiều đến chế độ ăn nhiều beta carotene chứ không hẳn là bệnh gan.

Để da trở về trạng thái bình thường, chế độ ăn cần phải ngưng các thực phẩm đỏ, cam, vàng như cà rốt, bí đỏ trong ít nhất 3 tháng để gan đủ thời gian đào thải.

Theo Medical News Today, một củ cà rốt vừa chứa 1,7 g chất xơ hoặc từ 5-7,6% của một người nhu cầu hằng ngày tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của họ. Trong khi đó, một ly nước ép cà rốt cung cấp 3,58 g chất xơ.

Chất xơ hỗ trợ hoạt động tối ưu của toàn bộ hệ thống tiêu hóa. Những người ăn nhiều chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng hơn những người tiêu thụ ít chất xơ.

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, cà rốt cũng chứa chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin. Sự kết hợp của hai chất này có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, một dạng mất thị lực. Tuy nhiên, hầu hết không thể cải thiện thị lực khi ăn cà rốt.

Bác sĩ Dương Thị Kim Loan cũng khuyến cáo trong số nguồn thực phẩm giàu vitamin A nhất, cà rốt không nằm trong top đầu. Nồng độ vitamin A được tạo sẵn cao nhất trong gan, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa, sau đó là khoai lang, cải bó xôi. Do đó, chúng ta cần có chế độ ăn đa dạng, tránh lạm dụng một loại thực phẩm.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: zingnews

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP