Giáo dục

Anh Sơn (Nghệ An): Phụ huynh chưa đồng thuận việc sáp nhập trường

Đề án sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) được thực hiện từ năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với các đơn vị có quy mô nhỏ. Gần đây, một số phụ huynh liên tục có ý kiến, đề nghị xem xét lại việc sáp nhập 2 trường trên.

Đề án sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) được thực hiện từ năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với các đơn vị có quy mô nhỏ. Gần đây, một số phụ huynh liên tục có ý kiến, đề nghị xem xét lại việc sáp nhập 2 trường trên.

Cơ sở 2 Trường THCS Khai Lạng đóng tại Trường THCS Lạng Sơn cũ.

Phụ huynh kiến nghị việc sáp nhập chưa hợp lý

Thời gian qua, người dân ở nhiều thôn trên địa bàn xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) liên tục viết thư, gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức xem xét việc sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn về THCS Khai Sơn. Anh Đặng Ngọc Sơn (thôn 4+5), xã Lạng Sơn có con năm nay chuẩn bị vào lớp 6, chia sẻ: Năm học trước, chỉ có học sinh lớp 9 của xã sang học bên Khai Sơn, nhưng năm học tới đây phụ huynh được thông báo sẽ thực hiện chuyển cả khối 6, 7, 8.

“Từ nhà tôi sang Khai Sơn đường xa, cách 5 - 6km, lại có 1 đoạn đường Hồ Chí Minh, lượng xe cộ đi lại lớn. Cháu mới từ lớp 5 lên lớp 6, sức khỏe còn yếu, nếu đạp xe đi học tại điểm trường mới thì tôi không yên tâm. Còn bố mẹ đưa đón hàng ngày cũng rất vất vả. Vì gia đình tôi chủ yếu làm rẫy cách nhà hơn 5km, lại ngược với tuyến đường đưa con đi học. Ngoài cháu lớn lên lớp 6, tôi còn cháu nhỏ đang tuổi tiểu học. Nếu cả ngày cứ lo đưa đón 2 đứa con, thì chúng tôi không có thời gian mà làm ăn kinh tế nữa”, anh Sơn nói.

Việc sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn được UBND huyện Anh Sơn thực hiện từ năm học 2018 – 2019, thành Trường THCS Khai Lạng (đóng tại xã Khai Sơn). Hiện dù đề án đã được phê duyệt, triển khai nhưng sau 3 năm học, chỉ có khối 9 chuyển về trường chính THCS Khai Lạng. Các khối 6, 7, 8 của xã Lạng Sơn vẫn học ở cơ sở 2.

Anh Đặng Ngọc Sơn (thôn 4+5) xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn chia sẻ nếu đưa đón con đi học xa sẽ vất vả, khó có thời gian làm ăn kinh tế.

Cuối tháng 10/2021, phụ huynh học sinh khối 6, xã Lạng Sơn được nhà trường mời họp, thông báo về việc chuyển con em sang điểm trường chính một tuần 2 buổi nhưng phần lớn không đồng tình. Tháng 4 năm nay, người dân lại tiếp tục nhận được thông tin từ năm học tới sẽ chuyển toàn bộ khối 6, 7, 8 nên tiếp tục phản đối. Một số cán bộ thôn, xóm và người dân xã Lạng Sơn gửi thư, đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng.

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 4 – 5, cho biết: “Chúng tôi đồng tình với chủ trương sáp nhập trường lớp. Nhưng việc sáp nhập Trường THCS Khai Lạng, trong đó đưa học sinh của xã Lạng Sơn về học tại xã Khai Sơn, chúng tôi thấy có nhiều điều chưa hợp lý”.

Theo ông Thanh, thứ nhất là cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh THCS của 2 xã. Thứ hai, việc đi lại của các cháu từ lớp 6 đến lớp 8 từ Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả. Xa nhất là thôn 8, 9 quãng đường dài hơn 8km. Bên cạnh đó, việc sáp nhập, một số phụ huynh chưa đồng tình bởi họ cho rằng quá trình triển khai chưa lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên tại các thôn xóm.

Nhiều người dân nơi đây cũng cho rằng, Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học. Trường THCS Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện có cơ sở vật chất phòng học hai tầng. Vì vậy, nếu sáp nhập trường sang xã khác, sẽ làm mai một đi truyền thống của địa phương và Lạng Khê sẽ bị mất trường THCS. “Người dân chúng tôi có nguyện vọng, thay vì sáp nhập hai trường THCS Lạng Sơn và Khai Sơn thì nên sáp nhập trường tiểu học và THCS trên cùng một địa bàn để thuận lợi hơn cho người dân. Ví dụ như xã Vĩnh Sơn đã sáp nhập trường liên cấp”, ông Phạm Văn Thanh nói.

Ông Phạm Văn Thanh cho rằng, quá trình sáp nhập Trường THCS Khai Lạng còn nhiều điểm chưa hợp lý.

Sáp nhập cần tính đến hiệu quả lâu dài

Theo lộ trình đề án sáp nhập, đến năm học 2019 – 2020, toàn bộ học sinh THCS tại xã Lạng Sơn sẽ chuyển về trường chính THCS Khai Lạng. Đồng thời bàn giao cơ sở vật chất Trường THCS Lạng Sơn (cũ) về cho trường tiểu học trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập đến nay chưa hoàn thành cũng gây nên một số bất cập, khó khăn cho nhà trường trong triển khai hoạt động chuyên môn.

Thầy Lê Đình Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng - cho biết: Việc sáp nhập nhưng vẫn duy trì 2 điểm trường gây bất cập trong việc bố trí giáo viên. Có những buổi học, một giáo viên phải đi lại 2 điểm trường rất vất vả. Những khó khăn này giáo viên nhà trường vẫn nỗ lực khắc phục. Băn khoăn lớn nhất là chất lượng dạy học. Cụ thể với khối đã sáp nhập, đến lớp 9 các em mới về chung 1 điểm trường, phân chia lại sĩ số, phải mất thời gian làm quen, ổn định. Trong khi đây lại là năm học quan trọng, cần tăng cường giảng dạy chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Ở các khối lớp còn lại, do đang học tại 2 cơ sở, dẫn đến khó bố trí lớp như đúng sĩ số quy định. Năm học vừa qua, điểm trường Lạng Sơn, khối 7 có 51 em, không thể chia làm 2 lớp vì không đảm bảo sĩ số theo điều lệ, và cũng không đủ giáo viên để giảng dạy. Nhưng để 1 lớp thì quá tải với cả giáo viên lẫn học sinh. Ở một số khối khác sĩ số lại chưa đến 35 em/lớp. Với những bất cập trên, hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng cần sớm có sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện việc sáp nhập cho nhà trường bởi “trước tiên là để đảm bảo quyền lợi học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.

Về ý kiến của người dân chuyển từ sáp nhập từ đồng cấp sang liên cấp, để địa phương nào cũng giữ được trường học của mình, thầy Lê Đình Hà cho rằng, chưa đánh giá được “nhập dọc” hay “nhập ngang” chất lượng hơn. Nhưng sáp nhập liên cấp về lâu dài sẽ có bất cập. Vì đặc thù cấp tiểu học và THCS khác nhau, việc sáp nhập mang tính cơ học, sẽ xảy ra tình trạng 1 ngôi trường 2 tiếng trống.

Việc trao đổi, sinh hoạt chuyên môn tách biệt, đội ngũ giáo viên trong cùng trường khó phát triển. Cơ sở vật chất không khai thác được hết, từ bàn ghế, thiết bị thực hành… Nên việc sáp nhập cần tính đến hiệu quả lâu dài. Hiện, đối với Trường THCS Khai Lạng, nếu chuyển về trường chính thì môi trường giáo dục tốt hơn và hiện đang được đầu tư để từng bước đồng bộ, hoàn thiện. Nhưng trước mắt, phụ huynh và người dân đi lại khó khăn một chút, chịu vất vả để đưa đón con đến trường.

Khi từ xã Lạng Sơn sang xã Khai Sơn đi học, học sinh phải đi qua cầu Tri Lễ đoạn trên đường Hồ Chí Minh, lưu lượng xe đi lại lớn.

Tiếp tục tiếp nhận ý kiến, tìm giải pháp tạo sự đồng thuận

Ông Đoàn Văn Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn - khẳng định: Đề án sáp nhập THCS Khai Sơn và THCS Lạng Sơn xuất phát từ thực tế quy mô trường lớp và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện. Mục tiêu tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết cho công tác quản lý và dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, góp phần giảm bớt đầu mối quản lý, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ viên chức phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi ngân sách.

Cụ thể, theo số liệu tổng hợp năm 2018, cả hai Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn, mỗi trường chỉ có 6 lớp. Có những khối chỉ có 1 lớp nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Sau 4 năm sáp nhập, THCS Khai Lạng, khảo sát quy mô học sinh của 2 xã không chuyển biến nhiều. Năm học tới, qua thống kê, điểm Lạng Sơn chỉ có 5 lớp với 154 học sinh. Còn ở trường chính THCS Khai Lạng (tính cả học sinh lớp 9 đã sáp nhập) nhưng cũng chỉ có 9 lớp với 287 em.

“Liên quan đến những vướng mắc và kiến nghị của nhân dân, hiện nay, Phòng sẽ tiếp tục ý kiến nhân dân nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Quan điểm của Phòng là việc sáp nhập chỉ thực hiện nếu có sự đồng thuận của nhân dân và dựa trên các điều kiện thực tế của địa phương”, ông Đoàn Văn Thanh nói.

Sau khi có kiến nghị của nhân dân, UBND huyện Anh Sơn, Nghệ An đã lập đoàn cán bộ để làm việc với chính quyền và người dân xã Lạng Sơn, lắng nghe các quan điểm và tìm phương án tối ưu cho vấn đề này. Ông Hoàng Quyền – Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn - cho hay: “Chúng tôi sẽ đối thoại với nhân dân, làm việc với xã, trường học, khảo sát và nghe các ý kiến đề xuất. Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ báo cáo thường trực, xin ý kiến của Ban chấp hành để đưa ra phương án sáp nhập hợp lý. Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương sáp nhập trường lớp và từ đó tạo ra sự đồng thuận”.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP