Xứ sở quýt trong thung lũng đá
Nằm cách thành phố Lạng Sơn khoảng 70km và cách Hà Nội khoảng 160km, thị trấn Bắc Sơn như miền cổ tích nằm trọn trong lòng một thung lũng lớn, bao quanh là những ngọn núi trùng điệp, cánh đồng lúa mênh mông. Đây còn là cái nôi của người tiền sử với một nền văn hóa cổ xưa gọi là “Văn hóa Bắc Sơn”; là địa danh gắn với cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, nơi ra đời đội Cứu quốc quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Vẻ đẹp hữu tình của Bắc Sơn |
Cuối năm, vừa dừng chân Bắc Sơn đã thấy lòng xao xuyến bởi sự thanh bình, của sắc quýt chín vàng. Men theo con đường quanh co vào thị trấn Bắc Sơn, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của người nông dân mùa thu hoạch quýt. Chị Phí Lan Thu - cán bộ Trung tâm Xúc tiến du lịch Lạng Sơn - chia sẻ trên hành trình rằng, từ lâu, Bắc Sơn ngoài những ruộng lúa trù phú, còn có một đặc sản nổi tiếng xứ Lạng là quýt với hương vị thanh mát, vỏ có mùi thơm đặc trưng. “Toàn huyện hiện có gần 600 ha quýt, hàng năm nông dân Bắc Sơn thu nhập từ trồng quýt và các loại cây ăn quả khác khoảng trên 50 tỷ đồng, cây quýt dần trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo trên địa bàn” - chị Thu giới thiệu và chia sẻ thêm: “Không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo, nhiều vườn quýt ở Bắc Sơn còn là điểm du lịch sinh thái thu hút du khách”. Đặc biệt, nếu đến Bắc Sơn, bất cứ ai cũng nên một lần trải nghiệm những vườn quýt được trồng trong các thung lũng đá cao 500-600m so với mực nước biển.
Đến thăm vườn quýt Hang Hú tại thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng của gia đình cựu chiến binh Hoàng Cao Vinh lúc trời đông hửng nắng. Để vào được vườn quýt Hang Hú phải leo lên vách núi đá với độ cao chừng 5 - 7m. Trải qua đoạn đường được ví như những nấc thang lên thiên đường, trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng quýt.
Vườn quýt trĩu quả vào mùa thu hoạch thu hút du khách |
Mái tóc bạc màu, nụ cười chất phác, ông Vinh chia sẻ: “Thời gian đầu trồng quýt rất khó khăn, do nguồn nước khan hiếm. Tuy nhiên, nhờ chịu khó gia đình đã đầu tư, cải thiện điện nước và gây giống từ hạt để cho ra loại quýt chất lượng, mẫu mã đẹp”.
Từ 200 cây, đến nay vườn quýt Hang Hú đã phát triển trên 600 cây, hàng năm đều thu hoạch rất lớn, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng cho gia đình ông Vinh. Với sự độc đáo của vườn quýt, được vận động của huyện Bắc Sơn, ông Hoàng Công Vinh đã phát triển thung lũng quýt thành điểm du lịch sinh thái hút khách nhất tại Bắc Sơn hiện nay. Ông Vinh bộc bạch: “Cả gia đình tôi hiện tập trung, đầu tư cho vườn quýt, không chỉ làm kinh tế mà cố gắng phát triển để nơi đây luôn là điểm tham quan hấp dẫn du khách đến với Bắc Sơn”.
Người Tày làm homestay
Trời chiều chạng vạng, từ xã Chiến Thắng chúng tôi xuôi về xã Quỳnh Sơn và được bố trí nghỉ ở homestay nhà ông Dương Công Vấn tại Làng du lịch văn hóa cộng đồng Quỳnh Sơn. Ấn tượng ban đầu về ông chủ homestay Dương Công Vấn chính là sự niềm nở, hóm hỉnh đậm phong cách của người làm du lịch.
Những ngôi nhà sàn độc đáo của người Tày ở Bắc Sơn |
Nhấp ngụm trà sau bữa cơm tối, ông Dương Công Vấn tâm sự, gia đình ông thuần nông, nhưng 2-3 năm trở lại đây đã chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Ban đầu khá bỡ ngỡ với mô hình kinh tế mới, nhưng nhờ có duyên, homestay của gia đình ông tiếp đón khá nhiều đoàn khách, thu nhập đã khá hơn so với kinh tế ruộng đồng.
Tại Quỳnh Sơn, ngoài homestay gia đình ông Vấn, còn có gần 10 homestay khác, trong đó có homestay nhà ông Dương Công Trích không chỉ đón nhiều khách Việt mà còn thường xuyên đón khách nước ngoài tới lưu trú… Theo chị Phí Lan Thu, năm 2010, làng Quỳnh Sơn được đưa vào khai thác du lịch cộng đồng, bởi đây là làng người Tày điển hình mang họ Dương ở Bắc Sơn với hơn 400 hộ gia đình và khoảng 1.800 người sinh sống lâu đời; Quỳnh Sơn còn sở hữu một hệ thống nhà sàn truyền thống lợp ngói âm dương cổ kính, cùng hướng nam, núi ôm quanh nhà, nhà ôm quanh ruộng lúa đẹp như một bức tranh; phong tục, tập quán sinh hoạt vẫn nguyên vẹn.
Sau khi được thí điểm ở Quỳnh Sơn, mô hình du lịch cộng đồng sớm phát huy hiệu quả, tạo nên “làn sóng” du lịch tại làng. Bà con người Tày hào hứng, vừa làm ruộng, vừa tranh thủ lúc nông nhàn chỉnh trang nhà cửa, chăm chút các dịch vụ để phục vụ du khách. Nhờ đó, mỗi năm Quỳnh Sơn đón hơn 7.000 lượt khách trong nước và nước ngoài đến trải nghiệm. Từ Quỳnh Sơn, nhiều xã, vùng ở Bắc Sơn đã học tập, tạo dựng nối tiếp các điểm đến du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế, góp phần bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc.
Với sự khởi sắc đó, du lịch cộng đồng ở Bắc Sơn được đánh giá có nhiều triển vọng, sẽ là nhân tố tạo sức bật mới cho du lịch Bắc Sơn. Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn Hoàng Thị Luân vui vẻ cho biết, thời gian qua du lịch Bắc Sơn phát triển đầy bứt phá, năm 2018, lượng khách du lịch đến tham quan du lịch ước đạt trên 105.000 lượt khách, tăng 1,15 lần so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu ước đạt trên 15 tỷ đồng. “Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng và là hướng phát triển trọng tâm của địa phương, huyện Bắc Sơn hiện đã lựa chọn phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh đặc biệt là du lịch cộng đồng và sẽ nhân rộng mô hình này để phát huy, giữ vững thế mạnh địa phương” - bà Luân nhấn mạnh.
Chia tay Bắc Sơn trong mùa quýt vàng, cảm giác như không muốn rời xa vùng đất tươi đẹp. Mong rằng, cùng với quyết tâm của chính quyền, sự chung sức của người dân, Bắc Sơn sẽ là điểm nhấn du lịch riêng có của Lạng Sơn và mãi là miền cổ tích hấp dẫn của chiến khu Việt Bắc…
Tác giả: Hoa Quỳnh
Nguồn tin: Báo Công thương