Kinh tế

Bamboo Airways lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, ông Trịnh Văn Quyết vẫn lên kế hoạch mua 60 động cơ trị giá 2 tỉ USD?

Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết đang lên kế hoạch đặt mua động cơ thế hệ mới của Tập đoàn General Electric (Mỹ), khẳng định tiếp tục mở rộng hoạt động, dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào quý IV/2020

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways, vừa cho biết hãng đang lên kế hoạch đặt mua 60 động cơ GE và các dịch vụ liên quan trong năm 2020, với tổng trị giá 2 tỉ USD, phục vụ đội bay Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng đang đặt hàng.

Theo ông Quyết, Bamboo Airways dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong quý 4/2020, sau khi từng phải hoãn lại tiến độ do dịch Covid-19 trong quý 2 năm nay.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" tại quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Bamboo Airways cũng sẽ thuê thêm máy bay trong năm nay để phục vụ kế hoạch mở rộng, thay vì mua thêm. Hiện hãng đang vận hành 45-50 chuyến bay nội địa/ngày, dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 chuyến/ngày vào đầu tháng 6 tới ngang 80% tần suất giai đoạn trước dịch bệnh.

Chủ tịch Bamboo Airways cũng công bố ảnh hưởng từ dịch bệnh buộc hãng phải giảm tần suất bay, dẫn tới khoản lỗ hơn 1,5 ngàn tỉ đồng trong quý I/2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được chặn đứng tại Việt Nam, hãng đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi số đường bay nội địa, lên con số 60 đường bay cho đến hết năm 2020, và tăng số đường bay quốc tế từ 6 đường bay lên 25. Trong đó, dự kiến đường bay Mỹ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Người đứng đầu Bamboo Airways đánh giá thị trường hàng không Việt Nam đang hồi phục nhanh bậc nhất khu vực, hầu hết hành khách sẽ cảm thấy an tâm khi di chuyển bằng máy bay trở lại, khi số lượng ca mắc Covid-19 đã được chặn đứng trong cộng đồng. Ông dự đoán du lịch nội địa sẽ tăng trưởng vì chưa có khách quốc tế vào thị trường: "Đây là kế hoạch khả thi, vì chúng tôi ghi nhận nhu cầu đi lại nội địa đang hồi phục".

Trước dịch Covid-19, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường vận tải hàng không phát triển nhanh nhất thế giới (theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế - IATA), với vận tải hành khách quốc tế đạt 6,9% và vận chuyển hàng hóa quốc tế chiếm 6,6%. Các hãng hàng không nội địa phục vụ 55 triệu lượt khách trong năm 2019, tăng 11% so với cùng kỳ. Xét tầm nhìn đến năm 2035, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không thế giới và Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng. IATA dự báo nhu cầu thị trường hàng không quốc tế sẽ giảm 80% trong thời gian tới, đe dọa mất 25 triệu việc làm, kêu gọi Chính phủ các nước có các biện pháp khẩn cấp để trợ giúp các hãng hàng không tồn tại, bảo vệ việc làm cho người lao động.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, tổng thị trường vận chuyển Việt Nam năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng vận chuyển đã dự báo vào cuối năm 2019.

Đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển dự báo đạt 78 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách. Theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng năm 2019.

Hiện nay, đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 chiếc nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.

Tác giả: D.Ngọc

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP