Tin trong tỉnh

Bán thai nhi - nỗi đau chưa có hồi kết - Kỳ cuối: Cần chặt đứt nạn buôn bào thai

Hai phụ nữ mang thai người Khơ Mú ở Đỉnh Sơn 2 (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) được phát hiện ở Quảng Ninh tháng 9-2019. Họ đang chuẩn bị vượt biên qua Trung Quốc bán con nhưng được ngăn chặn kịp thời.

Công an xã Hữu Lập vận động phụ nữ từng bán bào thai không tiếp tục bán con qua biên giới - Ảnh: QUỐC NAM

"Cơn bão" vượt biên bán bào thai tưởng đã lắng xuống sau những nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Nhưng nó vẫn như một ngọn lửa âm ỉ, chực chờ có cơ hội bùng lên.

"Đào thoát" như phim

Lữ Thị Van, Moong Thị Phương là phụ nữ Khơ Mú mới đi bán con. Sau khi bị chặn ở biên giới Quảng Ninh, Phương trở về bản sinh con. Van cũng về quê, nhưng ít hôm lại cùng chồng rời khỏi nhà. Công an chỉ được báo vợ chồng đi làm công nhân ở một tỉnh phía Bắc.

Anh Nguyễn Văn Trường, trưởng Công an xã Hữu Kiệm, vẫn chưa quên cuộc "đào thoát" như phim của hai thai phụ này. Sau khi "bể" ra một số vụ bán bào thai, công an xã quản lý rất chặt nhóm phụ nữ mang bầu ở các bản. Trước đó khoảng một tuần, anh Trường vào bản Đỉnh Sơn 2 để "thăm" các thai phụ. Đến nhà Van và Phương, anh còn thấy cả hai ở nhà. Nhưng hai ngày sau, anh vào lại thì không thấy họ đâu. Người nhà nói cả hai đã lên rẫy. Nhưng rẫy người Khơ Mú không gần nhà, mỗi chuyến đi rẫy đến mấy ngày mới về.

"Vài ngày sau, công an xã lại đến, Van và Phương vẫn đi rẫy chưa về. Linh cảm chuyện bất minh, công an xã đã dùng nhiều cách lần tìm tung tích của hai thai phụ nhưng không có kết quả. Đến một ngày giữa tháng 9-2019 thì anh Trường nhận được điện thoại từ Công an tỉnh Quảng Ninh về việc phát hiện hai phụ nữ Khơ Mú ở Kỳ Sơn đang mang thai và sắp qua biên giới.

Đó chính là Van và Phương. "Không ai nghĩ hai phụ nữ Khơ Mú quanh năm chỉ biết nương rẫy lại có thể tự móc nối "đào thoát" để bán thai như thế", anh Trường kể.

Việc phát hiện và ngăn chặn hai thai phụ này ở Quảng Ninh cũng là may mắn bất ngờ. Khi đó, thông tin về nạn bán bào thai đã được cảnh báo rộng rãi, nhất là ở những tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc như Quảng Ninh. Nên khi Van và Phương vừa xuống bến xe ở Quảng Ninh, công an địa phương đã phát hiện dấu hiệu bất thường. Họ mời vào khai thác thì hai người này mới nhận đi Trung Quốc để bán bào thai. Khi ở nhà, họ đã móc nối được với đầu mối ở bên kia biên giới.

"Công an đã bám rất sát, nhưng thực tế chỉ cần gọi điện thoại là móc nối được với đầu mối ở Trung Quốc. Thêm cuộc gọi cho xe khách đón trên quốc lộ 7 nữa là ra tới Quảng Ninh, và người môi giới sẽ đưa thai phụ vượt biên chỉ trong ngày", anh Trường lắc đầu kể.

Công an xã kiêm cán bộ... dân số

Những ngày này, xã Hữu Lập (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) rất vắng vẻ. Gần trưa, anh Xồng Bá Vừ, công an xã Hữu Lập, cưỡi chiếc xe máy cà tàng vượt mấy quả núi mới vào tới bản Chà Lắn. Tới đầu bản, anh Vừ dừng xe rồi rút ra tờ giấy chi chít chữ. Từ dòng trên cùng đến cuối trang giấy là những gạch đầu dòng san sát. Liền sau đó là những tên người. Và cuối mỗi dòng là những con số ghi 3 tháng, 4 tháng, 6 tháng...

Anh Vừ dò cái tên trên cùng rồi rẽ bộ xuống ngôi nhà sát mép con suối. Tên người anh tìm là Học Thị Xánh, 17 tuổi, cô gái Khơ Mú đã lấy chồng năm trước. Lúc Vừ đến, Xánh đang giặt áo quần dưới suối. Dù thấy rõ cô gái, anh Vừ vẫn lách qua mấy bụi cây để xuống tận nơi.

Xánh đang mang thai, anh Vừ hỏi thăm rồi đánh dấu sau tên cô trên tờ giấy. Sau vài câu dặn dò, Vừ lại ghé thăm nhà thai phụ khác. Là người bản địa nên Vừ được phân công phụ trách bản Chà Lắn, nhưng anh nói từ ngày "cơn bão" bán bào thai quét qua vùng này anh còn thêm việc cán bộ... dân số.

"Tờ giấy này là danh sách các thai phụ trong bản. Nhiệm vụ mình vài ngày một lần lại gặp từng người trong danh sách này để xác định tình trạng thai nhi và xác nhận thai phụ vẫn đang ở bản", anh Vừ kể.

Anh Nguyễn Văn Trường cũng luôn kè kè bên mình tờ danh sách này. Từ ngày phát hiện hơn 20 thai phụ ở ba bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai, anh Trường cũng phải vào bản kiểm tra từng thai phụ. "Ai mới có bầu, ai bầu mấy tháng mình phải biết. Phải theo dõi sát cho đến lúc đứa trẻ được sinh ra mới đưa tên người đó ra khỏi danh sách giám sát", anh Trường cười như mếu.

Theo trung tá Lô Văn Thao - phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, sau khi lên danh sách thai phụ, công an xã có trách nhiệm chia từng người, từng bản để quản lý.

"Công an được giao phụ trách quản lý thai phụ nào thì phải đến gặp người đó ít nhất 2 lần mỗi tuần. Quá trình đến gặp phải vào tận nhà và nhìn thấy bà bầu vẫn còn ở đó rồi mới ra về làm báo cáo. Ngoài ra, chỉ cần nghe ngóng chút thông tin nào đó cũng phải xuất hiện ngay để ngăn chặn họ qua Trung Quốc bán con. Việc quản lý này chỉ kết thúc khi thai phụ sinh con tại địa phương", trung tá Thao cho hay.

Ý thức của nhiều phụ nữ ở đây cũng đã có tiến bộ. Từ đầu 2020 đến nay, tình hình còn đỡ hơn "nhờ" dịch bệnh xảy ra, biên giới được phong tỏa chặt. "Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong suốt một năm qua mới có kết quả này", trung tá Thao nhận định.

Tuy nhiên, mọi người vẫn đang hết sức cảnh giác, bởi chưa ai dám khẳng định nạn bán bào thai qua biên giới đã đến hồi kết thật sự và những vòi bạch tuột buôn người từ Trung Quốc đã bị chặt đứt hoàn toàn.

"Biến hình" của bán bào thai

Theo Công an xã Hữu Kiệm, do địa giới cách trở chưa có bằng chứng nhưng tài liệu trinh sát của công an địa bàn ở Hữu Kiệm cho thấy gần đây tình trạng bán bào thai có dấu hiệu biến tướng để tránh sự ngăn chặn của cơ quan chức năng. Công an xã nắm được năm vừa qua có một số cặp vợ chồng người Khơ Mú dắt nhau đi từ đầu năm. Khai báo là qua Trung Quốc làm công nhân nhưng thực tế là họ qua mang thai bên đó, sinh con bán rồi trở về.

Gần đây, một hình thức mới cũng phát sinh là một số phụ nữ Khơ Mú được đưa qua Trung Quốc theo "hợp đồng" làm vợ. Khi sinh con xong, họ sẽ được "giải phóng" cho về cùng một số tiền. "Những hành vi này đều xảy ra bên Trung Quốc. Cơ quan chức năng huyện, xã biết nhưng không có cách chi ngăn chặn", anh Trường nói.

Bán bào thai cần được xem là buôn người

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - cho biết đây là thủ đoạn mới của buôn người, vừa rộ lên khoảng đầu năm 2018 và chủ yếu ở đồng bào người Khơ Mú tại huyện Kỳ Sơn.

Công an Nghệ An đã trao đổi với Viện kiểm sát tỉnh và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), thậm chí gửi văn bản xin ý kiến nhiều bộ ngành trung ương nhưng vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể.

Bản Chà Lắn, nơi có nhiều phụ nữ qua biên giới bán bào thai - Ảnh: QUỐC NAM

Theo ông Cầu, trong Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai.

"Trong khi đó, để cấu thành tội phạm thì phải có bị hại. Trong các vụ án này không có bị hại nên không thể xử lý được. Bị hại ở đây chính là những đứa trẻ, là những bào thai. Nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng bào thai chưa phải là con người, vì biết đâu cái thai bị hỏng trước khi được sinh ra hoặc vừa sinh ra đã chết", ông Cầu nói.

Để xử lý được hành vi này, theo ông Cầu, hiện nay có 2 cách. Cách thứ nhất là cần phải ký lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

"Hiệp định này được ký từ năm 1998, bây giờ cần phải thay đổi, sửa lại để làm sao tạo điều kiện cho công an nước ta qua bên đó hoặc Công an Trung Quốc di lý sang Việt Nam để chúng ta xử lý".

Cách thứ hai: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có một thông tư liên tịch để hướng dẫn xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải sớm đưa hành vi này vào Luật hình sự.

Tác giả: NGHI XUÂN - QUỐC NAM - THÁI LỘC

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP