Tin trong tỉnh

'Báo động đỏ' nguy cơ cháy nổ ở Nghệ An

Trong những ngày đầu tháng 7, bên cạnh những vụ cháy rừng liên tiếp, trên tỉnh cũng xảy ra nhiều vụ cháy nhà cửa, chợ, cửa hàng kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy

Mới đây nhất, đêm 8/7, một ảnh viện áo cưới trên đường Trần Phú bất ngờ bốc cháy dữ dội. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy phải rất vất vả mới khống chế được ngọn lửa, ngăn không cháy lan sang nhà khác.

Chiều 5/7, tiểu thương chợ Hưng Dũng cũng một phen náo loạn khi ki-ốt bán hàng tạp hóa bị cháy. Phải mất 4 giờ đồng hồ, với sự vào cuộc của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và sự hỗ trợ của người dân, đám cháy mới được dập tắt. Vụ cháy này không gây thiệt hại về người nhưng bà con tiểu thương mất trắng hàng tỷ đồng.

Nhiều vụ cháy tại các chợ, khách sạn, nhà dân diễn ra trong thời gian qua. Ảnh tư liệu

Trước đó, sáng 4/7, xảy ra vụ cháy tại khu vực lò sấy gỗ của Xí nghiệp Chế biến lâm sản Sông Hiếu thuộc phường Hòa Hiếu (thị xã Thái Hòa). Ngọn lửa xuất phát từ một lò sấy gỗ, lan sang các khu vực khác, bùng cháy dữ dội. Đội Cảnh sát PCCC số 3 (Công an thị xã Thái Hòa), Ban Chỉ huy Quân sự thị xã và đơn vị kho K12 đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và 3 xe chữa cháy chuyên nghiệp xuống hiện trường phối hợp với người dân để chữa cháy. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, ngọn lửa đã được dập tắt...

Theo thống kê của lực lượng phòng cháy, chữa cháy Nghệ An, từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn TP. Vinh xảy ra 30 vụ, làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng 6,71 tỷ đồng. Trên địa bàn toàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm xảy 211 vụ cháy, nổ. Trong đó, khu vực dân sự xảy ra 31 vụ, làm 1 người chết, gây thiệt hại 6,71 tỷ đồng; xảy ra 71 vụ cháy rừng, cháy thảm thực vật làm 1 người chết, thiêu rụi hàng trăm hec-ta rừng; 109 vụ cháy hệ thống điện, bãi rác, nhà dân...

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo phân tích của Công an Nghệ An, ngoài nguyên nhân cháy rừng chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài, gió phơn Tây Nam thổi mạnh và thảm thực bì khô dễ bắt cháy thì nguyên nhân cháy chủ yếu là do chập điện (72%); vi phạm quy định khi sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa (19%), nguyên nhân khác (9%).

Nguy cơ cháy nổ trên địa bàn thành phố Vinh vẫn hết sức phức tạp, nhất là ở các khu dân cư đông đúc, các chợ, trung tâm thương mại. Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ do UBND phường, xã quản lý còn chưa thống nhất; một số chợ không có ban quản lý dẫn đến công tác PCCC chưa được quan tâm. Một số chợ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn PCCC như chợ Quang Trung, chợ Cửa Bắc, Quán Lau...

Đặc biệt, tình trạng tập kết hàng hóa trong ki-ốt các chợ lộn xộn, lấn chiếm đường cứu hỏa; tập kết hàng hóa dễ cháy nổ diễn ra phổ biến ở các khu chợ trên địa bàn thành phố, nhất là chợ Vinh.

Các ki-ốt san sát, lều bạt lụp xụp tiềm ẩn nguy cơ cháy tại chợ Vinh. Ảnh: Lâm Tùng

Đặc biệt đối với các tòa chung cư, ban quản lý và chủ đầu tư chưa nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; chưa quan tâm đúng mức đến công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống PCCC đã được trang bị.

Đội PCCC tại một số cơ sở thiếu kỹ năng vận hành, sử dụng các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy được trang bị; Ý thức chấp hành quy định về PCCC của một bộ phận người dân sinh sống tại các chung cư còn chưa cao, cụ thể như: Các cơ sở này đều đã được thẩm duyệt, nghiệm thu trước khi đưa vào vận hành, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, một số người dân đã sử dụng gạch, đá, đồ đạc để chèn, mở thông các cửa buồng thang thoát hiểm, làm mất tác dụng ngăn khói, lối thoát hiểm một số chung cư bị chiếm dụng...

Vẫn còn tình trạng bố trí các hàng ăn (sử dụng bếp gas, bếp than để đun nấu) ở gần khu vực kinh doanh, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC… Việc tổ chức thực tập các phương án chữa cháy tại chỗ còn mang tính hình thức, đối phó.

Lối đi tại cầu thang bộ thoát hiểm một số chung cư bị các hộ gia đình chiếm dụng để các dụng cụ gia đình đã hẹp nay còn hẹp hơn. Ảnh: Lâm Tùng

Một số cơ sở chuyển đổi công năng, tính chất sử dụng từ nhà ở sang kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, karaoke thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP nhưng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện các điều kiện về đảm bảo an toàn PCCC như: không thể cải tạo, bổ sung lối thoát nạn, chưa được cơ quan chức năng cấp phép chuyển đổi công năng nên không đủ thủ tục để trình hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC...

Để tránh xảy ra các sự cố cháy nổ trong mùa nắng nóng trên địa bàn TP. Vinh, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đưa ra khuyến cáo: Người dân cần thường xuyên kiểm tra nguồn điện và tu sửa, tất cả các vật liệu dễ cháy phải để cách xa nguồn điện ít nhất 0,5m.

Những khu dân cư có nhiều lều lán, đun nấu bằng bếp than, bếp củi không được để trong nhà và phải cách xa các vật liệu dễ cháy khác. Người dân nên sử dụng điện ở mức thấp nhất tránh chập điện do quá tải.

Đường Nguyễn Xiển, gần chợ Vinh kinh doanh đồ gỗ nguy cơ cháy cao. Ảnh: Văn Trường

Các hộ gia đình, công ty, xí nghiệp tuyệt đối không tích trữ chất nguy hiểm gây cháy nổ (như xăng, dầu, bình gas mini). Đối với các hộ buôn bán mặt hàng dễ cháy (quần áo, đệm, chăn) phải bố trí sản phẩm cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện và cần có lối thoát hiểm cần thiết. Hệ thống điện cần phải được lắp đặt và sử dụng đúng kỹ thuật.

Để giảm thiểu cháy nổ, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, về PCCC&CNCH trong nhân dân. Bên cạnh tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về CC&CNCH cho các tổ, đội dân phòng, lực lượng PCCC tại chỗ trên địa bàn, các hộ gia đình, người dân cần tự trang bị các phương tiện CC&CNCH tại chỗ để có thể chủ động thoát nạn an toàn khi có sự cố, cháy, nổ xảy ra…

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy dân sự, 71 vụ cháy rừng, 109 vụ cháy hệ thống điện, bãi rác, nhà dân. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ chủ yếu do chập điện (chiếm 72%).

Tác giả: Văn Trường - Lâm Tùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP