Thế giới

Bạo loạn tồi tệ ở Nam Phi, 72 người chết

Ngày 13/7, đám đông đụng độ với cảnh sát, cướp phá hoặc đốt cháy các cửa hàng cửa hiệu ở nhiều thành phố trên khắp Nam Phi, khiến vài chục người được nói là đã thiệt mạng. Cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong nhiều xảy ra sau vụ tống giam cựu tổng thống Jacob Zuma.

Bạo loạn vừa xảy ra ở nhiều tỉnh và thành phố của Nam Phi. (Ảnh: CNBC)

Những cuộc biểu tình xảy ra sau vụ bắt ông Zuma hồi tuần trước thổi bùng sự phẫn nộ của một bộ phận người Nam Phi trước tình trạng khắc khổ và bất bình đẳng tồn tại dai dẳng suốt 27 năm sau khi kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.

Tình trạng đói nghèo càng trở nên trầm trọng vì nhiều biện pháp hạn chế kinh tế và xã hội để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Các quan chức an ninh cho biết chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn bạo lực và cướp bóc lan từ quê nhà của ông Zuma ở tỉnh KwaZulu-Natal (KZN) đến TP Johannesburg, tỉnh Gauteng và TP Durban.

Cuối ngày 13/7, cảnh sát quốc gia Nam Phi cho biết 72 người đã thiệt mạng và 1.234 người bị bắt trong đợt biểu tình mấy ngày qua. Binh bính được điều xuống phố để dẹp yên tình hình.

Ông Zuma, 79 tuổi, bị giam từ tháng trước vì bất tuân lệnh của toà án hiến pháp về việc phải cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra tham nhũng trong suốt 9 năm ông cầm quyền cho đến năm 2018.

Ông Zuma cũng đối mặt với một phiên toà khác vì những cáo buộc tham nhũng, gian lận và rửa tiền. Ông bác bỏ tất cả những tội danh này.

Quỹ Zuma nói rằng sẽ không có hoà bình ở Nam Phi cho đến khi cựu tổng thống được trả tự do. “Hoà bình và ổn định ở Nam Phi liên quan trực tiếp đến việc trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Zuma”, quỹ Zuma viết trên Twitter.

“Đáng lẽ có thể tránh được bạo lực này. Nó bắt đầu với quyết định của toà án hiến pháp về việc bắt giam tổng thống Zuma…Điều này khiến người dân giận dữ”, Mzwanele Manyi, phát ngôn viên của quỹ, nói với Reuters.

Quá trình tố tụng đối với ông Zuma được coi như phép thử đối với khả năng thực thi pháp quyền của Nam Phi trong thời kỳ hậu apartheid.

Ông Zuma và những người ủng hộ ông cho rằng họ là nạn nhân của cuộc truy quét mang động cơ chính trị của người kế nhiệm Ramaphosa.

Nguyên nhân sâu xa hơn của tình hình hiện nay là những vấn đề trầm trọng hơn và những lời hứa chưa được thực hiện sau khi chế độ cai trị của người da trắng kết thúc năm 1994 và cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Nam Phi để đưa ông Nelson Mandela lên lãnh đạo.

Nền kinh tế Nam Phi đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 32,6% trong 3 tháng đầu năm nay khiến người dân càng thêm thất vọng với chính quyền.

Tác giả: Bình Giang

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP