Giáo dục

Bảo mật đề thi không rõ theo chuẩn quốc tế nào

Các bước xây dựng ngân hàng câu hỏi như Cục Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mô tả không có gì đáng nói, vì các bước như thế đã trở thành thông lệ từ lâu với các tổ chức đánh giá giáo dục trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc...

Điều đáng quan tâm là mỗi bước được thực hiện "thế nào"? Đặc biệt trong khâu thi thử, khâu bắt buộc trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi được thực hiện thế nào?

"Thế nào" mang tính chất quyết định ở mọi bước của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Nếu viện dẫn thông lệ quốc tế, thì người ta chỉ cho thi thử một số lượng nhỏ câu hỏi này (khoảng vài %). Chúng được cài vào đề thi thật để kiểm chứng các tiêu chí về chất lượng ... trong mỗi lần thi thật. Và những câu hỏi thử nghiệm này không được tính điểm trong đề thi thật. Điều đó có nghĩa là những câu hỏi thử nghiệm này không làm ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh làm bài thi thật.

Như vậy, các câu hỏi thi thử không nhằm đánh giá thí sinh là đối tượng của bài thi thật, và sẽ được sử dụng cho các kỳ thi sau. Các câu hỏi thi thử này như vậy ngẫu nhiên có độ trễ về thời gian, đảm bảo tính khách quan đối với kết quả kì thi thật.

Khác hẳn với quốc tế, Bộ GD-ĐT đã cho thi thử "toàn bộ các câu hỏi" và thi đặc biệt ngay trước kỳ thi thật với chính thí sinh thi thật. Việc đó chắc chắn sẽ tác động đến kết quả làm bài của thí sinh, tựa như thí sinh 'biết trước đề thi'. Như thế, trong năm qua, đề thi thử của Bộ cũng là đề thi thật, tham gia đánh giá chính thức thí sinh.

Hơn thế nữa, theo mô tả của ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT trong cuộc họp báo sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017, người biên soạn đề thi trong vòng cuối cùng sử dụng các câu hỏi trong một số "đề thi đã được chuẩn hóa" để cấu thành các mã đề khác nhau. Điều này cũng được chính những người tham gia vòng trong cho biết như vậy.

Nếu đúng như vậy, Cục Quản lý chất lượng đã dựa vào một số đề thi, chứ không ngẫu nhiên cấu thành đề thi với câu hỏi từ ngân hàng"bằng một cái click chuột", hoàn toàn khác với thông lệ quốc tế.

Thí sinh thi THPT quốc gia

Với quy trình làm đề như 2017, việc cho hàng chục nghìn học sinh lớp 12 được làm thử đề thi sẽ được sử dụng để đánh giá chính thức là không công bằng với những học sinh khác không được thi thử. Những học sinh không được tiếp xúc và làm các câu hỏi thi thử này sẽ bị thiệt thòi so với các bạn được làm bài trước.

"Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần làm rõ thế nào là câu hỏi được "chuẩn hóa" và "lý thuyết khảo thí hiện đại" được Cục Quản lý chất lượng giáo dục sử dụng là gì?

Liệu quốc tế có cho thi thử toàn bộ câu hỏi này trước kỳ thi thật và với chính thí sinh của kì thi thật như Bộ GD-ĐT đã làm không? Liệu quốc tế có sử dụng toàn bộ câu hỏi/đề thi thử nghiệm để đánh giá chính thức thí sinh không?

Ở đây có thêm mâu thuẫn, đó là một khi câu hỏi đã được "chuẩn hóa" thì không cần phải chỉnh sửa khi cấu thành đề thi. Ngược lại, câu hỏi vẫn phải chỉnh sửa khi cấu thành đề thi thì không thể là câu hỏi "chuẩn hóa". Như vậy, bản chất các câu hỏi đó không khác gì những câu hỏi trong thư viện câu hỏi thô của những năm trước. Trong những trường hợp hiếm hoi câu hỏi phải chỉnh sửa, khi chỉnh sửa, người chỉnh sửa phải nêu ra lý do thuyết phục để loại trừ khả năng can thiệp cá nhân, đảm bảo tính khách quan ...

Tác giả: Quang Minh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP