Tin trong tỉnh

Bất cập tại các mỏ khai thác khoáng sản ở Nghệ An (Bài 2) Kết quả tốt trên giấy tờ, thực tế vẫn ô nhiễm

Dù công tác kiểm tra, giám sát luôn được thực hiện, các doanh nghiệp (DN) đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc định kỳ theo quy định nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập về công tác môi trường trong quá trình hoạt động của các mỏ khai thác khoáng sản, các xưởng chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).

Hiện trường bãi thải của Cty Thiếc Hà An trên núi Lan Toong.

Trông chờ vào ý thức doanh nghiệp?

Tại bãi xử lý chất thải của Cty Thiếc Hà An ở núi Lan Toong (xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp) có thể dễ dàng quan sát được bãi xử lý chất thải tự nhiên nằm lộ thiên trên núi. Phó Giám đốc Cty Bùi Quang Tùng cho biết, mỗi năm đơn vị thực hiện 4 lần quan trắc môi trường và đưa ra các báo cáo kết quả quan trắc hàng năm với kết quả đều đạt 100% như quy chuẩn.

Ông Tùng chia sẻ, việc mưa lớn, nước chảy bề mặt khiến đất bề mặt trôi là điều không tránh khỏi mà không khắc phục được. Đây cũng là tình trạng chung của các DN khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn.

“Nếu đầu tư hệ thống xử lý đạt chuẩn và đúng như báo cáo đánh giá tác động môi trường thì vẫn làm được nhưng cần kinh phí rất lớn. Nếu làm ở mức độ “giới hạn an toàn cho phép” thì đơn vị làm được. Một bãi thải của công ty hơn 2ha thì chỉ có thể đào một cái lỗ nhỏ rồi đổ thải xuống và dùng máy dập lại, xong lại đào cái lỗ bên cạnh tiếp tục đổ thải xuống. Không ai đi làm cái bãi thải như cái ao hơn 2ha, khi chứa nhiều nước lại bị vỡ thì có nhiều chuyện hơn…”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng chia sẻ, mỗi DN có tâm một ít thì không xảy ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường và thừa nhận chiếu theo các điều kiện thì các chỉ số cũng khó đạt nhưng đều ở mức độ chấp nhận được, không đến mức là ảnh hưởng như vỡ đập.

Ông Tùng cũng cho biết, năm nay (2018) DN không có dưới 20 đoàn kiểm tra từ bộ đến tổng cục, đến sở, ban ngành. Mỗi đoàn kiểm tra đều yêu cầu doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Hay như tại xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp) là một trong những địa phương có 3 khu chế biến đá tập trung được quy hoạch xây dựng và hoạt động tại đây. Những ngày đầu tháng 11/2018, khi có mặt tại khu vực đồng Sòng là nơi có các DN khai thác, chế biến đá đang hoạt động dễ dàng nhận thấy được việc trực tiếp xả nước thải trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân xung quanh. Một dòng suối lớn đã bị bột đá lắng xuống lấp dòng chảy.

Thậm chí, một trạm điện nằm ngay dưới đường nước thoát cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Một số người dân cho biết đã nhiều lần yêu cầu những công ty này thực hiện nghiêm công tác môi trường nhưng “đâu lại vào đó”.

Ông Vi Thanh Tường – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) chia sẻ, vẫn có tình trạng xả trộm chất thải ra bên ngoài môi trường, huyện và xã cũng tiến hành xử lý nhiều trường hợp như thế xảy ra.

Chất thải rắn, vẫn có tình trạng doanh nghiệp đưa ra ngoài môi trường đổ trộm. Một nguyên nhân có thể nhận thấy là bãi tập kết chất thải vẫn chưa có kinh phí để hoàn thiện nên tình trạng đổ trộm. Tình trạng quan trắc có kết quả đạt nhưng thực tế lại hoàn toàn khác xảy ra tại các doanh nghiệp.

Kiến nghị cơ quan chuyên môn đánh giá khách quan

Ông Trần Xuân Lục, Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết, từ năm 2015 đến nay cụm công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động, khi phát hiện các DN có dấu hiệu vi phạm về môi trường đã phối hợp với các ngành lập biên bản, thậm chí phối hợp với ngành điện lực cắt điện khi phát hiện các vi phạm.

Chủ tịch xã Đồng Hợp thừa nhận vẫn còn một số DN để xảy ra tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường như người dân phản ánh nhưng “Thực tế mà nói thì để nước thải ngấm xuống giếng là không có”.

Về vấn đề quan trắc, theo ông Lục, cán bộ xã không thể nắm hết được, chỉ phối hợp với các đơn lấy mẫu phân tích. Ông này kiến nghị với các cấp khi lấy mẫu quan trắc, có kết quả thì cần công khai thông báo cho chính quyền địa phương, người dân được biết để theo dõi.

Còn ông Vi Thanh Tường – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, cần thiết nhất là phải bố trí được kinh phí để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và chất thải rắn tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong các đơn vị chế biến khoáng sản. Việc quan trắc của các DN thì huyện và xã chưa nắm được để theo dõi, kiểm tra.

Theo ông Tường, thực tế đang diễn ra là trong hồ sơ giấy tờ của báo cáo đánh giá tác động môi trường hay kết quả quan trắc của các DN luôn đạt kết quả tốt, nhưng thực tế lại vẫn gây ô nhiễm môi trường. Ông Tường đề nghị các cơ quan chuyên môn cần đánh giá thật khách quan, thật đúng để có kết quả quan trắc chính xác nhất. Đồng thời báo cáo với chính quyền địa phương để theo dõi giám sát.

Được biết, hiện nay đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh do Sở TN&MT Nghệ An làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra và có báo cáo sơ bộ về UBND tỉnh. Phía Sở TN&MT Nghệ An đang trình UBND tỉnh Nghệ An để có kết quả xử lý cuối cùng đối với các đơn vị vi phạm trên địa bàn huyện Qùy Hợp.

Tác giả: Ngô Toàn

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP