Kinh tế

Bắt phải xin phép nhập khẩu thiết bị in ấn để làm gì?

Việc duy trì cấp giấy phép nhập khẩu đối với các hàng hóa trong lĩnh vực in như hiện tại là chưa hợp lý. Không rõ lý do tại sao phải thay đổi phương thức quản lý đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in trong khi trước đó việc nhập khẩu “tự do” không tạo ra nguy cơ nào?

Doanh nghiệp phải bỏ ra thêm rất nhiều chi phí tuân thủ, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước cũng không phát hiện ra nguy cơ nào đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in- Ảnh minh họa

Trong công văn gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) góp ý về việc cắt giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa xuất nhập khẩu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ:

Điều 27 Nghị định 60/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động in xác định các loại thiết bị in phải được cấp phép nhập khẩu mà không có quy định nào về tiêu chí cấp phép đối với các loại máy móc này.

Đây không chỉ là sự thiếu minh bạch (dựa vào điều kiện nào để cấp phép) mà còn cho thấy dường như bản thân cơ quan Nhà nước không làm rõ được mình muốn kiểm soát gì thông qua giấy phép này.

Bởi theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu là kiểm soát các máy móc thiết bị in để nhận biết các thông tin về các loại máy móc này, thì các thông tin này hoàn toàn có thể thu thập tại cơ quan hải quan mà không cần phải cấp phép.

Nếu là kiểm soát các máy móc thiết bị in đã qua sử dụng để đảm bảo yếu tố về môi trường, thì đã có cơ chế kiểm soát đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng

"Việc không quản lý không tạo ra nguy cơ đáng kể nào", VCCI đánh giá và dẫn chứng: Trước thời điểm Nghị định 60 có hiệu lực (1-11-2014) việc nhập khẩu thiết bị in là tự do (không chịu biện pháp quản lý nhập khẩu nào đặc thù).

Đây cũng là giai đoạn mà hoạt động nhập khẩu phát triển mạnh, đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và góp phần tăng trường ngành in - ngành công nghiệp hỗ trợ hiếm hoi ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Giai đoạn này cũng không chứng kiến nguy cơ nào lớn từ việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị in này.

Từ sau 1-11-2014, với cơ chế quản lý mới, doanh nghiệp phải bỏ ra thêm rất nhiều chi phí tuân thủ, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước cũng không phát hiện ra nguy cơ nào lớn hơn so với trước đây.

"Do đó, từ góc độ thực tiễn, không rõ lý do tại sao phải thay đổi phương thức quản lý đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in trong khi trước đó việc nhập khẩu “tự do” không tạo ra nguy cơ nào?" - VCCI đặt vấn đề.

Từ những phân tích, VCCI đề nghị bỏ giấy phép nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in do Cục Xuất bản, In và Phát hành cấp và chỉ áp dụng đối với thiết bị sử dụng điện năng.

Tác giả: ĐL

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP