Vợ chồng anh Sơn - chị Loan đến văn phòng Báo Lao Động kêu cứu. Ảnh: Quang Đại |
Như Lao Động đã thông tin, vào tháng 1.2014, vợ chồng anh Trần Tử Sơn - chị Nguyễn Thị Thanh Loan ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã ký hợp đồng tín dụng vay 1,2 tỉ đồng tại một ngân hàng ở địa phương, thời hạn 1 năm để “mua bán nông sản”.
Sau khi chị Loan ký vào một số hồ sơ theo hướng dẫn của cán bộ ngân hàng, theo vợ chồng trình bày chỉ nhận được 200 triệu từ anh trai đưa về, còn số tiền 1 tỉ đồng không biết ngân hàng chuyển cho ai.
Bị khởi kiện, năm 2019 ra tòa, vợ chồng mới biết món tiền 1,2 tỉ đồng đã được chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (trú phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa). Bà Huyền khai sau khi rút tiền từ tài khoản đã đưa toàn bộ cho chị Loan.
Vợ chồng anh chị Sơn-Loan khẳng định không quen biết bà Huyền, không ký hợp đồng mua bán với bà Huyền và không nhận được đồng nào từ bà Huyền. Chị Loan trình bày lúc đó mới sinh con nhỏ nên không buôn bán gì.
Tuy nhiên, TAND huyện Nghĩa Đàn tuyên buộc vợ chồng Sơn - Loan phải trả gốc và lãi cho ngân hàng với số tiền gần 2,2 tỉ đồng, với lý do đã ký kết hợp đồng tín dụng, ủy nhiệm chi và xác nhận công nợ.
Theo hồ sơ vụ án, do mục đích khoản vay “mua nông sản”, nên ngân hàng không trực tiếp cho người vay rút tiền mặt, mà tiền được chuyển qua bên bán hàng theo hợp đồng giữa hai bên. Theo quy định, hợp đồng này do người vay cung cấp cho ngân hàng.
Lời khai của bà Nguyễn Thị Huyền về việc ký kết hợp đồng “mua bán nông sản” với bà Loan. Ảnh: QĐ |
Theo đó, vào ngày 17.1.2014, bà Loan và bà Huyền đã ký kết “Hợp đồng kinh tế” số 40/2014/HĐKT-SH “V/v mua bán hàng nông sản”; Giấy biên nhận tiền mặt ngày 17.1.2014; Giấy biên nhận hàng nông sản ngày 17.1.2014; Biên bản đối chiếu công nợ ngày 17.1.2014.
Tuy nhiên, hiện trong tập hồ sơ vụ án mà TAND tỉnh Nghệ An cung cấp cho anh Trần Tử Sơn sao chụp, không có các tài liệu nói trên.
Theo trình bày của chị Loan tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30.12.2019 và của bà Huyền ngày 11.7.2020, thì giữa hai người không hề quen biết, nhưng lại có hợp đồng kinh tế ký kết giữa hai bên.
Trong hồ sơ khởi kiện gửi Tòa án, phía Ngân hàng cũng không cung cấp các tài liệu nói trên.
Theo quy định hiện hành, các hồ sơ để giải ngân từ khoản vay phải do bên vay cung cấp. Tuy nhiên, người vay là chị Loan khẳng định không có buôn bán nông sản, không quen biết bà Huyền, nên không thể lập được hợp đồng mua bán cung cấp cho cán bộ ngân hàng.
Cán bộ ngân hàng cũng không thực hiện chức trách kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, dẫn đến việc xuất hiện hợp đồng “ma” để rút tiền mặt.
Cho rằng sự việc có khuất tất, anh Trần Tử Sơn cho biết đã có đơn đề nghị hoãn phiên tòa, đồng thời yêu cầu phía ngân hàng cung cấp các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc “mua bán nông sản” nói trên, cũng như văn bản, quy trình liên quan quá trình kiểm tra, xét duyệt, giám sát việc sử dụng vốn vay của ngân hàng.
Tác giả: QUANG ĐẠI
Nguồn tin: Báo Lao động