Tin trong tỉnh

Bí ẩn căn hầm với kiến trúc độc đáo giữa rừng già Nghệ An

Căn hầm được ghép bởi loại đá bàn và đất nung. Do nằm giữa rừng già nên sự ra đời và công dụng của nó cho đến nay vẫn là một ẩn số chưa có lời giải với người dân địa phương.

Hành trình tiếp cận căn hầm bí ẩn giữa rừng già Nghệ An

Thông tin về căn hầm bí ẩn giữa rừng khiến chúng tôi háo hức khám phá. Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng, cựu chiến binh Trần Xuân Thế (SN 1963, trú làng Mai Thịnh, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) cũng sắp xếp được công việc riêng để dẫn chúng tôi đi.

"Từ trung tâm xã vào đến rừng phải chạy xe hơn 10 cây số rồi đi bộ thêm một giờ đồng hồ nữa", ông Thế vừa giải thích rồi chỉ tay về con đường đất đỏ phía trước. Con đường ngoằn ngòeo, gồ ghề "sống trâu" khiến chúng tôi không khỏi ái ngại về một chặng đường gian nan sắp tới. Sau hơn một giờ đồng hồ nắm chặt tay ga, thái dương đau nhức vì phải gồng người để "lượn" theo đường mòn được tạo nên từ những rãnh đất đỏ bị cày lên, cuối cùng chúng tôi dừng lại trước một cánh rừng thuộc xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa. Từ đây, chúng tôi bắt đầu hành trình vượt rừng.

Ông Thế bảo đi chừng một tiếng đồng hồ nhưng đó là tốc độ di chuyển của những người quen đi rừng, không phải là đối với những người từ phố lên như chúng tôi. Không biết đi trong bao lâu, đầu gối chúng tôi đã mỏi nhừ, mắt hoa lên, cổ đắng nghét thì ông Thế vẫn vừa xăm xăm bước, vừa dùng dao rựa phát cây mở đường, luôn miệng động viên "sắp tới rồi". Khi đầu gối tôi sắp nhũn ra thì ông Thế hô "đến nơi rồi". Chúng tôi dừng lại, đầu ngẩng phắt lên, nhưng chỉ thấy phía trước là cây cối um tùm và khối đá im lìm được phủ kín bởi lá rừng, không biết từ bao giờ, đã dày từng lớp.

Dường như đã quá quen thuộc với nơi này, ông Thế bước tới, dùng tay, chân gạt hết lớp lá khô đi, để lộ ra một phiến đá hình chữ nhật - đó chính là cửa hầm. Ông Thế kéo tấm đá sang một bên, từ trong hang, hàng chục con dơi như những mũi tên lao vút ra, khiến chúng tôi giật mình, vội vàng nhảy sang một bên để né. "Trong này chỉ có dơi trú ngụ thôi, yên tâm đi", ông Thế dường như nhận thấy sự hoảng sợ trên khuôn mặt của những vị khách. Nói đoạn, ông Thế đeo chiếc đèn pin lên đầu, hai chân nhẹ nhàng cho xuống trước rồi quay người lại để dễ dàng vào bên trong. Chúng tôi lần lượt theo sau và thực sự choáng ngợp với những gì hiện ra trước mắt.

Hầm được thiết kế theo kiểu mái vòm như một chiếc bát úp, có tổng diện tích khoảng 5 m2, đáy hầm nằm sâu so với cửa hầm khoảng 40 cm. Toàn bộ mặt trong của hầm và mái vòm được ghép bằng đá cuội to, tròn, dẹt, liên kết với nhau bằng một hỗn hợp màu đỏ. Những viên đá nổi rõ dưới ánh đèn, trông như một đóa sen. Trên nền đất bằng phẳng có 3 cái bếp nhỏ, được thiết kế theo kiểu bếp Hoàng Cầm và một ống thông khí ra ngoài.

Theo quan sát của chúng tôi, phía trên hầm đã xuất hiện một lỗ thủng có đường kính khoảng 30 cm. Từ trong hầm nhìn qua lỗ thủng, ánh sáng le lói bên ngoài xuyên qua lớp mạng nhện và cành cây chằng chịt chỉ còn là những tia sáng lờ mờ…

Phát hiện tình cờ và bí ẩn chờ lời giải

Cựu binh Trần Xuân Thế nhớ lại, tháng 3/1983, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 206, Quân khu 4. Đơn vị đóng tại ngã 3 Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn cũ, nay là thị xã Thái Hòa (Nghệ An). Trở về địa phương, ông tham gia phát triển kinh tế gia đình, sau đó làm công an viên của thôn. Năm 1997, trong một lần đi rừng hái măng, tìm thuốc nam, ông Thế cùng 3 người khác ở địa phương bất ngờ phát hiện ra căn hầm bí ẩn này.

"Năm 1997, tình cờ một lần đi rừng tôi phát hiện ra căn hầm này. Cũng sợ nhỡ đây là hầm chứa vũ khí, đạn dược gì thì nguy nhưng vẫn liều vào xem. Căn hầm tối đen, nhiều bát sắt B52, loại bộ đội ta hay dùng và một số đồ dùng sinh hoạt. Sau này, nhiều người biết đến căn hầm, vào xem và lấy hết các vật dụng đó đi, thành ra nó trống trơn như bây giờ", ông Thế nói.

Theo ông Thế, đây có khả năng là nơi trú ẩn và là xưởng sản xuất cơ khí, phục vụ việc mở đường chiến lược 15, vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Cụ Cao Văn Thư (80 tuổi) - cao niên ở đây cho biết, vào thời điểm 1973, một xưởng đại tu của ngành giao thông chuyển về đây. Khi đánh hơi được sự có mặt của xưởng đại tu này, nhằm chặt đứt huyết mạch giao thông cho chiến trường miền Nam, từng tốp máy bay của giặc Mỹ đã oanh tạc khu vực này. Xưởng đại tu chuyển xuống những căn hầm đào trong rừng. Mỗi căn hầm có thể chứa được 20 người cùng một số máy móc. Khi Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại, xưởng quân khí cũng chuyển đi, người ta cũng dần lãng quên những căn hầm này.

Trong chiến tranh, việc đào hầm để trú ẩn, sản xuất không phải là lạ nhưng kiến trúc và cách sử dụng vật liệu tại căn hầm này theo ông Thế, ông Thư hay một số cựu chiến binh khác thì "độc đáo, cầu kỳ và thông minh". Đặc biệt, với kiểu thiết kế mái vòm, ghép bằng đá cuội nhưng trải qua thời gian, căn hầm vẫn gần như nguyên vẹn, ít bị tác động bởi thời tiết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết, theo các cụ cao niên, trong khu vực có thể có nhiều căn hầm trú ẩn nhưng thời điểm hiện tại mới chỉ có ông Thế phát hiện được căn hầm này. Ngoài việc khuyến cáo người dân không xâm hại, gây hư hỏng căn hầm, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ cho cán bộ chuyên trách kiểm tra, đồng thời báo cáo cụ thể sự việc lên huyện.

"Nếu quả thực là hầm trú ẩn và sản xuất của xưởng đại tu trước kia thì căn hầm không chỉ có giá trị lịch sử mà phần nào đó còn có giá trị về kiến trúc. Nếu thế, đây sẽ là tiềm năng để địa phương phát triển hướng du lịch lịch sử, khám phá", ông Đoàn Văn Huấn mong muốn.

"Chúng tôi chưa nhận được một báo cáo cụ thể nào từ UBND xã Nghĩa Mai. Để xác minh cụ thể căn hầm này cần có các chuyên gia, nhà khảo cổ học. Có thể đây là một trong những căn hầm có giá trị lịch sử nhưng cái quan trọng là phải được cơ quan chức năng làm rõ", một cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghĩa Đàn cho biết.

Tác giả: Nguyễn Tú - Thiết kế: Nguyễn Vượng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP