Tin trong tỉnh

Bí ẩn phiếu thu lạ khiến nông dân "tự nguyện" đóng hàng chục triệu đồng!

Trong các phiếu thu mà UBND xã Nam Thái lập, lý do nộp tiền đều ghi rõ “tiền đóng góp tự nguyện xây dựng quê hương”. Trong đó, mỗi phiếu người dân “tự nguyện” đóng hàng chục triệu đồng.

Mua đất đấu giá của xã “dài cổ” chờ sổ đỏ

Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An, tại đây đang có hàng chục hộ dân chưa thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì lỡ mua phải đất do UBND xã này bán trái thẩm quyền.

Những năm qua, dù đã đóng đủ tiền cho xã nhưng những người dân tại đây vẫn chưa thể làm được “sổ đỏ” đẩy người dân vào tình trạng khốn khổ. Mặc dù người dân nơi đây đã nhiều lần có ý kiến nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân.

Lô đất mà ông Sơn đã mua đấu giá từ UBND xã Nam Thái, hiện ông đã chia cho các con ở nhưng vẫn không thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1959, trú tại xóm 4, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn) nhớ lại: “Năm 2007, tôi nghe trên hệ thống loa truyền thanh của xã về thông tin UBND xã có thành lập hội đồng đấu giá để bán lô đất rộng 725m2 cạnh nhà trẻ xóm 7 cũ. Vì có nhu cầu mua đất để sau này cho con cái ra ở riêng nên ông đến UBND xã tham gia đấu giá.

Dọc theo tuyến đường này, UBND xã Nam Thái cũng thu tiền của nhiều hộ dân để "cấp đất", mỗi hộ dân phải đóng hàng chục triệu đồng.

Ông Sơn chia sẻ: “Đấu giá cũng căng thẳng lắm, có cả người địa phương khác đến, sau cùng tôi là người trúng đấu giá với số tiền là 55 triệu 600 ngàn đồng. Mức giá này cao hơn giá khởi điểm 12 triệu 600 ngàn đồng. Lúc đó, tôi phải vay mượn khắp nơi, vét hết mọi tài sản tích cóp mới đủ tiền. Những tưởng mua được lô đất gần nhà cho các con ở, nào ngờ đến giờ tôi mới biết xã bán như vậy là sai”.

Cũng theo ông Sơn, thời điểm trên hội đồng đấu giá với đầy đủ các lãnh đạo của UBND xã Nam Thái, bản thân ông cứ nghĩ với các vị “quan xã” ngồi vào cái hội đồng trên thì lô đất ông mua đã đúng pháp luật rồi nên tin tưởng. Sau đó, lô đất trên ông Sơn cũng chia cho các con làm nhà ở.

Phiếu thu do UBND xã Nam Thái lập, ghi rõ "tiền quy hoạch đất ở nhà trẻ xóm 7".Dù đã đóng tiền nhưng ông Sơn vẫn chưa thể làm được sổ đỏ.

Ngay sau khi trúng đấu giá lô đất ông Sơn chạy vạy vay mượn tiền để đến UBND xã Nam Thái nộp tiền, trong phiếu thu cũng ghi rõ “Nộp tiền tiền quy hoạch đất ở nhà trẻ xóm 7” với con dấu đỏ chót của UBND xã.

Cầm phiếu thu trên tay ông cũng rất tin tưởng địa phương và các vị lãnh đạo xã thời điểm đó, nào ngờ sau này đến khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp rất nhiều “trục trặc”, tìm hiểu ra ông mới biết địa phương đã bán trái thẩm quyền.

UBND xã Nam Thái nơi hội đồng đấu giá đất được lập, cũng là nơi thu tiền "cấp đất" của dân với một lý do "bất ngờ".

Cùng thời điểm năm 2007 một lô đất liền kề tại nhà trẻ xóm 5 cũ được UBND xã Nam Thái bán theo hình thức đấu giá tương tự. Người “may mắn” trúng đấu giá là ông Trần Văn Tú.

"Ôm" hàng chục triệu đồng lên xã đóng tiền “tự nguyện xây dựng quê hương”

Qúa trình tìm hiểu, phóng viên nhận thấy UBND xã Nam Thái còn đứng ra bán hàng loạt lô đất cho dân vào năm 2014. Thậm chí, những người dân khi mua đất, nộp hàng chục triệu đồng cho UBND xã nhưng trong các phiếu thu lý do nộp tiền lại được các vị cán bộ xã ghi rõ: “Tiền đóng góp tự nguyện xây dựng quê hương”.

Khu đất và nhà trẻ xóm 6 cũng được UBND xã Nam Thái thanh lý vào năm 2014 với giá 180 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2014, UBND xã Nam Thái tiếp tục bán 12 lô đất dọc theo trục đường từ xóm 4 đến UBND xã Nam Thái thu của dân hơn 600 triệu đồng nhưng không xin ý kiến UBND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Trong các phiếu thu, bi hài hơn khi UBND xã Nam Thái lại ghi rõ lý do nộp tiền là “tiền đóng góp tự nguyện xây dựng quê hương".

Bi hài ở chính cái lý do mà các vị “quan xã” nghĩ ra để biên vào những phiếu thu với con dấu đỏ chót “tiền đóng góp tự nguyện xây dựng quê hương”.

Những nông dân, quanh năm còng lưng ngoài đồng với ít sào ruộng khoán, chắt bóp chi tiêu hàng ngày, tằn tiện tiết kiệm lại “tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương” hàng chục triệu đồng.

Cầm phiếu thu, ôm hồ sơ nhiều năm qua nhưng hàng chục hộ dân nơi đây vẫn chưa thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thậm chí, năm 2014 UBND xã Nam Thái còn ngang nhiên thanh lý cả nhà trẻ xóm 6 và toàn bộ diện tích đất tại đây với số tiền 180 triệu đồng.

Trong phiếu thu cũng ghi rõ: “Lý do nộp tiền thanh lý tài sản nhà trẻ xóm 6 + đất”. Những tưởng mua được khu đất rộng rãi, đẹp nhưng người dân cũng khốn khổ khi không làm được giấy tờ.

Nhiều năm trôi qua ông Sơn cùng các hộ dân nơi đây ôm hồ sơ đi khắp nơi vẫn không thể hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính quyền xã Nam Thái thì “khất” dân hết lần này đến lượt khác.

Cũng theo đơn tố cáo của người dân, trước đó vào năm 2016, Đoàn thanh tra huyện Nam Đàn cũng đã từng làm việc tại xã Nam Thái liên quan đến công tác quản lý đất đai, tài chính từ năm 2013 - 2016.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì những sai phạm nổi cộm như trên vẫn “qua mắt” được Đoàn thanh tra, những cán bộ trong hội đồng đấu giá, ký các phiếu thu tiền của dân vẫn yên vị.

Lý do nộp tiền trong phiếu thu này ghi rõ "tiền đóng góp tự nguyện xây dựng quê hương". Số tiền một người dân ở đây nộp là hơn 40 triệu đồng.

Chiều tối 24/6, trao đổi với PV Dân trí, ông Văn Bá Hòa - Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết, vụ việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

"Giờ huyện (huyện Nam Đàn) đang thành lập đoàn để làm việc", ông Văn Bá Hòa cho biết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tác giả: Nguyễn Duy - Tình Nguyện

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP