Những ngày giữa tháng 7 cũng là lúc tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao mỗi ngày. Để hạn chế sự lây nhiễm, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội, lập chốt kiểm soát người ra vào tỉnh.
Vì dịch bệnh, việc đi lại khó khăn, nguồn cung hàng hóa rau xanh về các tỉnh, các chợ đầu mối cũng khan hiếm nên trong vài ngày trở lại đây giá rau củ, thực phẩm có chiều hướng tăng cao gấp vài lần so với ngày thường.
Quầy rau phục vụ bà con trong mùa dịch của anh Minh Râu với rất nhiều mặt hàng phong phú, giá cả bình ổn |
Lợi dụng tình hình dịch bệnh, trong khi một số tiểu thương bán mặt hàng rau củ tranh thủ tăng giá kiếm lời thì "người đàn ông xăm trổ" - chủ sạp rau ở TP Biên Hòa vẫn bán giữ giá, thậm chí là tặng thêm rau xanh cho người dân để cùng nhau vượt qua đợt đại dịch khó khăn này.
Ông chủ quầy rau xanh này là anh Phạm Hồng Minh, 38 tuổi, ngụ tại Biên Hoà (Đồng Nai). Anh thường được mọi người gọi là Minh Râu - khi thường xuyên bắt gặp ngồi bên quầy rau tại ngã tư Bồn Nước, khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai).
Quầy rau này được mọi người biết đến không chỉ bởi những tấm biển độc đáo được anh chế từ tấm xốp hay bìa carton mà còn bởi quầy rau miễn phí của anh Minh Râu dành cho người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo.
|
|
|
Trước đó anh Minh Râu cũng được biết đến là một ông chủ quầy rau vui tính, thường xuyên phát rau miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn |
Trong những ngày dịch bệnh phức tạp, quầy rau vẫn bán lề đường của anh đã được chuyển về trước cửa nhà. Dù những loại rau không được phong phú như trước nhưng anh Minh cũng cố gắng tìm kiếm nguồn hàng với giá cả bình ổn để phục vụ người dân.
Tại quầy hàng của mình, ngoài các loại rau củ quả anh còn phục vụ bà con thêm trứng gà, trứng vịt với giá rất bình ổn. Để tránh việc người dân mua quá nhiều về tích trữ hoặc đem về bán lại với giá đắt hơn, anh Minh đã làm một tấm biển chú thích "Mua về ăn thì 40.000 đồng/10 trứng. Mỗi người mua tối đa 50 trứng. Mua về bán thì 45.000 đồng/10 trứng. Mỗi người mua tối đa 500 trứng. Thông cảm".
|
|
|
Do dịch Covid-19 hàng hóa khan hiếm nhưng anh Minh vẫn bán giá rất bình ổn, không tranh thủ đầu cơ tăng giá để kiếm lời |
Thấy anh Minh Râu vẫn bán hàng giá bình ổn, không lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ tăng giá, một người bạn đã nhắn tin mắng. Nội dung đoạn tin nhắn đã được anh Minh chụp lại và chia sẻ lên mạng xã hội.
Theo nội dung đoạn tin nhắn, một người bạn nhắn đến: "Mấy tuần nay tụi tao hốt bạc Minh Râu ơi, ngày lời 5-10 triệu bình thường. Mày ... lắm!".
Tuy nhiên "ông chú" tỏ ra khá thoải mái, nhẹ nhàng đáp trả: "Kiếm tiền cả đời mà chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu...Ừ tao... Tao nghỉ đây... bán giá vừa thôi...".
Chính vì thế mà anh Minh bị một người bạn mắng vì không tranh thủ "hốt bạc" lúc này |
Ngay sau đó, anh Minh cũng đã "biên" một đoạn chia sẻ dài hỏi mua nông sản giá bình ổn, đồng thời không quên nhắc nhở những bạn hàng nên ăn lời vừa phải thôi nếu không khi hết dịch sẽ không ai mua giùm cho, ế đổ đi sẽ rất lãng phí.
Anh Minh Râu chia sẻ, "Anh em chợ Tân Biên ai còn giao hàng rau củ quả... không vậy. Những ai có nguồn hàng rau củ quả... từ Đà Lạt, Gia Kiệm, Suối Nho và những nơi khác... giá bình ổn thì nhắn tin cho mình nhé. Mua về bán giá tốt cho mọi người... Và hỗ trợ cho bên những chỗ bị cách ly đang thiếu thực phẩm...
Mấy bạn bỏ sỉ thì lợi nhuận 10% được rồi. Bây giờ hàng ít giá cả có mắc. Nếu bỏ giá mắc quá khi hết dịch nguồn hàng nhiều, rẻ, bị ế thì không ai lấy giùm cho đâu. Bán đắt quá thì những người có tiền thì không thành vấn đề. Còn những người có thu nhập thấp thì cả là một vấn đề... Tháng này bán lời ít thôi hoặc không cần lợi nhuận.. Sau này người ta có tiền rồi lời sau cũng được mà... Đừng bán đắt quá rồi đổ đi lãng phí...".
Ngay sau khi được đăng tải, bài chia sẻ của anh Minh Râu đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đặc biệt là quan điểm bán hàng rất "chất" của anh Minh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người. Ai cũng đồng ý rằng một khi buôn bán thì tiền lời rất quan trọng, nhưng biết san sẻ với những người dân trong lúc dịch bệnh thì mới là đáng quý.
Tác giả: Nam An
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị