Pháp luật

Bị đề nghị án tử, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế rơi nước mắt, xin được giảm án

Bị cáo Phạm Trung Kiên bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi về sai phạm của mình đồng thời gửi lời xin lỗi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Sáng ngày 18/7, ngày làm việc thứ 6 của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, các luật sư tiến hành tiếp tục bào chữa cho hành vi của phạm tội của các bị cáo.

Sau phần bào chữa của 2 luật sư, bị cáo Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp nêu thêm một số vấn đề để tự bào chữa cho bản thân. Kiên bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình về hành vi nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng.

Video: Bị cáo Phạm Trung Kiên xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân trước tòa

Theo đó, Phạm Trung Kiên xác nhận hành vi phạm tội của bị cáo được nêu trong nội dung cáo trạng là đúng đồng thời bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi về những hành vi đó. Kiên cũng gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân về những sai phạm của mình

Làm rõ thêm về hành vi phạm tội, Phạm Trung Kiên cho biết trong thời gian tổ chức các chuyến bay giải cứu, lãnh đạo các Bộ trong Tổ Công tác 5 Bộ có một trong chung trên nền tảng Viber.

Mỗi lần Bộ Ngoại giao gửi văn bản xin ý kiến các Bộ khác về việc cấp phép chuyến bay, Thứ trưởng Tô Anh Dũng hoặc Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) đều trực tiếp nhắn tin thông báo trên nhóm, đề nghị các Bộ quan tâm, sớm có văn bản trả lời. Đến thời hạn trả lời, Thứ trưởng Tô Anh Dũng hoặc Đỗ Hoàng Tùng lại nhắn tin để giục các Bộ nếu chưa có văn bản trả lời.

“Như vậy, gần như bị cáo không thể làm tác động để làm chậm tiến độ giải quyết việc cấp phép chuyến bay, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”, Kiên giải thích.

Về việc nhận tiền của các doanh nghiệp, Kiên vẫn khẳng định rằng mình không có hành vi yêu cầu doanh cầu doanh nghiệp phải đưa tiền với mức chi cụ thể.

Kiên lấy ví dụ các trường hợp như với các bị cáo Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh), Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt), Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Quốc tế Sao Hà Nội) đều là những trường hợp đưa tiền cho Kiên sau khi Bộ Y tế đã có văn bản chấp thuận và các doanh nghiệp đều đã thực hiện được chuyến bay. Kiên cho rằng những lần đưa tiền đó đều là các doanh nghiệp chủ động, với ý nghĩa “cảm ơn”.

Video: Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nói không "làm khó" doanh nghiệp

Kiên cũng cho biết trong thời gian dịch bệnh xảy ra, vì nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế nên Kiên có rất nhiều công việc, thường xuyên đi công tác nên bị kéo theo guồng quay của công việc, không sớm nhận thức được hành vi sai lầm của mình.

Bị cáo này cũng cho biết sẽ động viên gia đình khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Rơi nước mắt trong những phút cuối của phần tự bào chữa, Kiên mong HĐXX cho mình hưởng mức án tù để có cơ hội trở về.

Video: Bị cáo Trần Trung Kiên rơi nước mắt trước toà

Trước đó, trong phần bào chữa cho Phạm Trung Kiên, sau khi phân tích các yếu tố về chủ thể, khách thể phạm tội, luật sư Hà Mạnh Duy đề nghị HĐXX truy tố Phạm Trung Kiên về tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” theo Điều 366 Bộ Luật Hình sự thay vì tội “Nhận hối lộ” như cáo trạng và luận tội của Viện Kiểm sát.

Còn luật sư Trần Hoài Văn đề nghị HĐXX truy tố Kiên về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” thay vì tội danh “Nhận hối lộ”.

Cả hai luật sư cũng đề nghị HĐXX cho bị cáo Phạm Trung Kiên được hưởng mức án có thời hạn để sớm trở về với gia đình và xã hội.

Tác giả: Mạnh Quốc - Hữu Thắng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP