Đối tượng Vi Thị Dung tại cơ quan chức năng. Ảnh CACC |
Án mạng đau lòng
Đã bốn ngày trôi qua, người dân ở khu Thượng (TP. Bắc Ninh) còn bàng hoàng, bàn tán về cái chết của bé trai 3 tuổi bị mẹ đẻ sát hại. Theo đó, vào khoảng 15h, ngày 30/3, do mâu thuẫn tình cảm với người yêu mới nên đối tượng Vi Thị Dung (20 tuổi, ở xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đã đưa con đến phòng trọ của bạn trai tại khu Thượng, phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh với mục đích tự sát.
Tại đây, đợi khi con trai ngủ, Dung dùng dây sạc điện thoại siết cổ để tự tử nhưng cháu bé tỉnh dậy và khóc. Sợ mọi người xung quanh phát hiện, Dung dùng tay bóp cổ và bịt mũi bé đến chết rồi nghĩ cách tự sát. Lúc này, Dung đã uống 40 viên thuốc ngủ, cắt dây điện để bị giật nhưng không thành. Cuối cùng, Dung uống sắn dây pha mật ong cùng thuốc ngủ rồi nằm ôm con và thiếp đi. Đến khoảng 19h, bạn trai Dung đi làm về phát hiện 2 mẹ con Dung bất tỉnh nên đưa đi cấp cứu nhưng đứa trẻ đã tử vong.
Ngày 31/3, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Vi Thị Dung về hành vi Giết người.
Ngày 2/4, trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Nguyễn Thanh Đôn – Chủ tịch UBND phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Vi Thị Dung từ Nghệ An ra thuê trọ tại TP. Bắc Ninh và đã đăng ký tạm trú tạm vắng tại địa phương. Hiện, chị Dung đang làm công nhân cho khu công nghiệp trên địa bàn”.
Ông Đôn cũng cho biết, qua công tác kiểm tra thì phát hiện cháu nhỏ chỉ có thông tin của mẹ đẻ là chị Dung chứ không có bất cứ thông tin gì về người bố. Hiện cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đang hoàn tất hồ sơ khởi tố đối với Vi Thị Dung về hành vi Giết người.
Bi kịch của người mẹ trẻ
Nói về sự việc của Vi Thị Dung, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh - Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh không khỏi đau lòng. Bởi lẽ, Dung làm mẹ khi chưa 18 tuổi, ở cái tuổi mà các bạn cùng trang lứa vẫn còn đang cắp sách tới trường.
Về diễn biến tâm lý chung, TS. Minh cho rằng, người gây án có nhiều khả năng là chịu tổn thương ở trong quá khứ: “Hành vi đó đã bị tổn thương, cũng như não bộ của những người này đã có những sang chấn nhất định”.
Có thể nhìn nhận ở góc độ hiện tại họ rất là ổn, nhưng ở một góc độ khác họ vẫn bị tổn thương. Nên khi đối mặt với những chuyện tương tự đã xảy ra trong quá khứ, họ sẽ bộc phát hành vi không được kiểm soát. “Hoặc có thể, mặc dù họ nhận thức được hậu quả nhưng cảm xúc lên quá mức họ không kiểm soát, làm chủ được bản thân nên đã thực hiện hành vi phi đạo đức”, TS. Nguyễn Thị Minh phân tích.
Để hạn chế những trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh chúng ta cần sự đồng lòng của 3 lực lượng thiết yếu.
Thứ nhất, các bậc làm cha làm mẹ cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức, chuẩn bị tâm sinh lý vững vàng trước khi có con, hoặc trước khi tiến tới hôn nhân.
Thứ 2 là việc giáo dục, đào tạo, dạy trẻ em, chúng ta cần hiểu được tâm sinh lý của các bé ngay từ nhỏ. Đặc biệt, thời đại 4.0, trẻ em dưới 3 tuổi dùng điện thoại rất nhiều, điều này ảnh hưởng không tốt đến não bộ cùng như sự phát triển của trẻ.
Thứ 3 là từ nhà trường, truyền thông, cần lên án mạnh mẽ cũng như tuyên truyền đúng về việc bảo vệ trẻ em, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho trẻ một cách tốt nhất.
Tác giả: NGUYỄN LÂM – LÊ LIÊN
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật