Một tháng trước, anh Lương Văn Hồng (35 tuổi) xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã đưa được tro cốt người vợ gặp tai nạn trên chuyến xe khách tại Trung Quốc về tới quê.
Vội vã lấy mấy vỏ bao tải chèn vào kẽ hở vách nhà để ngăn những cơn gió mùa len lỏi, anh Hồng nhớ lại ngày đang phát nương thì có người ở xã tới báo tin: chị Moong Thị Lâm, vợ anh, đã tử vong trong vụ tại nạn ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 20/9 - thai nhi trong bụng chị Lâm cũng không qua khỏi.
Ngôi nhà của gia đình anh Lương Văn Hồng (xã Chiêu Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải. |
Chưa một lần rời bản làng đi xa, anh Hồng phải nhờ người họ hàng đi cùng để đỡ lạc đường. Bán ép con bò cùng vài bì lúa, anh dành dụm được hơn 10 triệu đồng, vay thêm hơn 50 triệu đồng nữa làm lộ phí.
Hơn bốn ngày lần mò, anh Hồng mới tìm tới nơi chị Lâm gặp nạn. Song trắc trở chồng chất khi cả anh và người thân không thông thạo tiếng bản địa, số tiền mang theo không đủ trang trải. 22 ngày ở Trung Quốc, với sự giúp sức của nhiều tổ chức anh Hồng mới đưa được tro cốt vợ về quê.
"Ngày vợ vượt biên, em không hay biết, nếu biết thì đã ngăn", anh thẫn thờ nhớ lại. "Giờ thì mất cả vợ lẫn con, gia đình ngập trong nợ nần. Sáu cha con, ông cháu phải kiếm từng bữa qua ngày. Tài sản giờ chỉ còn chiếc loa thùng và chiếc tivi màn lồi có bán cũng không ai mua. Giá trị nhất là căn nhà gỗ thì phải giữ lại để ba thế hệ có chỗ mà tá túc", anh Hồng mắt đỏ hoe kể.
Anh bảo, nghe người ta nói có một phụ nữ cùng bản đã dụ dỗ vợ mình vượt biên bán con, anh đang đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Dậu (thứ hai từ trái sang) đang chăm sóc bữa trưa cho các em. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Đứng nép sau cánh cửa, Lương Thị Dậu (13 tuổi, con gái đầu của anh Hồng) đã bỏ học vài năm trước dường như là đứa duy nhất cảm nhận được nỗi đau mất mẹ. Trước hôm rời bản, mẹ dặn Dậu ở nhà giúp bố chăm bẵm bé út sắp lên ba, kẻo bé thiếu hơi mẹ lại quấy khóc, mẹ hứa đi một thời gian sẽ mang tiền, quần áo mới về.
"Ngày trước mẹ ở nhà thi thoảng có bữa cơm với thịt lợn, mẹ mất rồi đến bữa chỉ có cơm dằm với cà", Dậu vừa nói vừa rinh giỏ cơm nếp nấu từ hôm trước treo ở gác bếp, đặt xuống nền nhà bón cho hai đứa em. Đứa em gái kế Dậu thì đang lên rừng nhặt củi, tối mới trở về.
Cùng huyện Kỳ Sơn, chị Lương Thị Mùi (48 tuổi, ở xã Hữu Lập) ngồi thất thần ở cầu thang nhà mình. Khi có người hỏi đến, chị bật khóc, lặp đi lặp lại một câu bằng tiếng Khơ Mú, được một công an xã dịch nghĩa: "Tôi bị họ quỵt tiền bán con, họ thất hứa". Chị cũng liên tục gọi tên người phụ nữ mà chị cho là thủ phạm đã đưa chị vượt biên.
Đầu năm 2017, khi đang mang thai đứa con thứ sáu những tháng cuối, chị Mùi được một phụ nữ cùng bản bắt chuyện, bảo qua Trung Quốc bán thì nhận được thù lao 30 triệu đồng.
Lương Thị Mùi - người phụ nữ một năm trước đã qua Trung Quốc bán con. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Lên chuyến xe khách đêm từ Nghệ An ra Móng Cái (Quảng Ninh), Mùi được hai người phụ nữ đưa sang Trung Quốc. Sau hành trình kéo dài bốn ngày, chị dừng lại ở một ngôi nhà vùng nông thôn vắng lặng, được chăm sóc sức khỏe để chờ sinh.
"Tôi được chăm con 21 ngày trước khi có người tới đưa đi, nhưng họ không trả tiền. Ít hôm sau, có người gặp nói đứa bé đã tử vong nên không trả tiền và dọa nếu không về Việt Nam sẽ giết", Mùi nhớ lại. Chị quả quyết đứa bé những ngày sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh, đây chỉ chiêu trò của kẻ xấu nhằm quỵt tiền.
Ngày được đưa trở về Việt Nam, người phụ nữ môi giới đưa cho chị 19 triệu đồng kèm lời đe dọa: "đây là số tiền quá hậu hĩnh rồi, không được đòi thêm". Mùi đã có lần tìm tới nhà người phụ nữ kia để đòi số tiền còn thiếu nhưng bất thành. Gần đây, vợ chồng Mùi đã đâm đơn kiện để đòi khoản tiền song không có kết quả.
"Không mang thai nữa, cũng không qua bên đó bán con nữa. Bán rồi thì nhớ con lắm", người phụ nữ Khơ Mú nước da đen sạm, khuôn mặt khắc khổ khép câu chuyện rồi lại khóc nấc lên từng cơn.
Đường độc đạo dẫn vào bản Chà Lắn, xã Hưu Lập (Kỳ Sơn) nơi có phụ nữ mang thai rời bản qua Trung Quốc bán con. Ảnh: Nguyễn Hải. |
Trên chuyến xe khách mà vợ anh Hồng gặp nạn ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) hôm 20/9 còn có chị Moong Thị Mùi ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Khi vào bệnh viện cấp cứu, chị Mùi đã sinh một em bé.
Dù nhà chức trách Hà Bắc yêu cầu tài xế phải bồi thường viện phí cho những người có mặt trên xe, song chi phí sinh đẻ 2.000 tệ (tương đương 6,5 triệu đồng) thì chị Mùi phải tự chi trả vì không thuộc trách nhiệm của lái xe. Không có tiền trả, chị Mùi vẫn chưa thể về Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay, có ba nguyên nhân dẫn tới tình trạng bán thai nhi. Một phần do trình độ dân trí còn thấp, kinh tế nghèo khó nên họ bán con để kiếm thêm thu nhập. Hai là công tác tuyên truyền pháp luật chưa làm quyết liệt, khiến bà con chưa tiếp cận đủ. Bên cạnh đó, hành vi bán con trong bụng mẹ không thể xử lý vì khó xác định được đứa bé ở đâu, "luật pháp đang đi sau tội phạm".
Ông Cầu cho rằng để ngăn chặn thì chính quyền "phải tăng cường giáo dục giúp người dân nâng cao nhận thức. Bởi hành vi bán con là phạm tội và vi phạm đạo đức. Công an cũng đẩy mạnh việc truy quét các nhóm tội phạm bán người".
Còn bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chỉ ra giải pháp căn cơ và lâu dài là phải tìm các mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào thiểu số. Khó khăn của bà con miền núi là đất canh tác lúa và hoa màu quá ít, chủ yếu dựa vào nương rẫy. Toàn huyện có hơn 16.000 hộ thì phần lớn là dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái và hơn 50% trong đó là hộ nghèo.
Nghệ An đã ghi nhận 25-27 trường hợp phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn vượt biên qua Trung Quốc khi mang bầu những tháng cuối. Họ đã bán những đứa con vừa lọt lòng để nhận 40-50 triệu đồng mỗi bé trai và 70-80 triệu đồng mỗi bé gái. Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường điều tra về các vấn đề mua bán bào thai, môi giới mua bán người.... Ngày 20/9, một vụ tai nạn xe khách xảy ra ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Trên chuyến xe này có một công dân Việt Nam là Moong Thị Lâm (trú xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) đang mang thai tháng thứ tám, cả mẹ và thai nhi đều tử vong. Ba phụ nữ khác ở huyện Kỳ Sơn được xác định đang mang thai ở tháng thứ 7-8 bị thương. |
Tác giả: Nguyễn Hải
Nguồn tin: Báo VnExpress