Cuộc sống

"Bí mật" đằng sau sự cam chịu của mẹ chồng

Rồi cuối cùng tôi cũng hiểu sâu thẳm sự cam chịu của mẹ chồng.

Mẹ chồng tôi từng là một cô gái đẹp. Nét đẹp thời thanh xuân sau chừng ấy năm vẫn hiển hiện trên gương mặt và vóc dáng thành thị của mẹ. Nhưng trái với cái vóc dáng thanh mảnh, sang trọng và "sung sướng" ấy, mẹ chồng tôi là một người đàn bà cam chịu nhất mà tôi từng biết.

Một lời của bố chồng tôi có sức nặng ngàn cân. Bà một mực nghe theo. Mọi công việc trong gia đình, bà một mình lo toan, thậm chí bà vẫn hàng ngày cần mẫn chăm sóc mẹ chồng già yếu đã 90 tuổi và chỉ nằm một chỗ. Có những tháng ngày con cháu đẻ muốn nhờ bà trông cháu mà bà ngại ông, sợ không có ai chăm sóc mẹ chồng, bà lại nói khó mong con thông cảm. Con dâu nào hiểu được lòng bà thì tha thứ, ai không hiểu được thì hậm hực bà mãi. Chỉ cần bố chồng bảo "bà đi thì ai chăm mẹ!", là tự khắc mẹ chồng lại ở nhà mà không hề có một giải pháp khác là ông trông mẹ thay bà đi chăm cháu.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, bố chồng tôi vẫn còn khỏe. Ông vẫn đi dự các hội nghị. Ông không vắng mặt trong các việc làng, việc phố. Nhưng nhất định việc nhà, ông không động tay để mình bà xoay sở như bao năm vẫn vậy.

Ông gia trưởng, đến giờ cơm là phải chuẩn, lệch dù chỉ 10 phút ông cũng sẵn sàng to tiếng. Mẹ chồng tôi lại răm rắp nghe lời. Có nhiều lúc, là con dâu tôi từng góp ý với mẹ chồng những mong mẹ chồng có một cuộc sống thoải mái hơn. Nhưng bà chỉ bảo "nếp nhà bao năm nay vậy rồi mà con!".

Có lần bà nội chồng tôi ho, đúng lúc đó mẹ chồng tôi lại đi sang hàng xóm. Ông về nhà, thấy mẹ mình ho mà không có vợ kề bên chăm sóc. Cả buổi tối đó mặc cho bà giải thích, ông ra lệnh "giới nghiêm": "Bà không có quyền đi đâu hết khi mẹ chồng ốm. Bà đi ra ngoài, lỡ có việc gì thì ân hận cả đời!". Về thăm bố mẹ chồng hôm ấy, mà tôi thấy vừa thấy thương vừa thấy bức xúc thay cho mẹ chồng.

Lần căng thẳng nhất mà tôi chứng kiến là dịp Tết, mẹ chồng tôi muốn về giỗ bên nhà ngoại, bố chồng tôi không đồng ý cũng với lý do "bà đi thì ai chăm mẹ!", khiến lần đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy bà chảy nước mắt. Tôi hiểu trong sâu thẳm, mẹ chồng tôi buồn biết nhường nào. Nhưng chỉ giây phút ấy, ngày hôm sau mọi chuyện lại như bình thường trong sự nhún nhường, cam chịu vốn có của mẹ chồng tôi.

Rồi lần đó bố chồng tôi đổ bệnh, mẹ chồng lại một mình chăm sóc cả mẹ chồng mình và chồng mình. Bà nhanh nhẹn nhưng không giấu được sự tất bật. Rồi bà bảo: "Cuộc sống gia đình nhiều lúc nghĩ cũng thật lạ. Bắt đầu bằng tình yêu rồi sống với nhau ở nghĩa tình là chính. Nhiều khi ký ức là cái gì đó vững vàng giúp ta bấu víu trong hiện tại. Bố con ngày xưa là người cưu mang mẹ, từng giúp mẹ và gia đình nhà ngoại qua cơn hoạn nạn. Sau này tính cách bố con thay đổi do có phần bất mãn với mọi thứ xung quanh, những thất bại trong sự nghiệp nên sinh tính cách như vậy. Nhưng những lúc giận nhất, mẹ chỉ nghĩ về những điều tốt của ông ấy đã từng làm cho mẹ mà thấy mọi thứ nhẹ nhàng đi qua. Cuộc sống gia đình là thế, nhẫn nhịn và hiểu nhau, thấu cảm mới là yêu thương!".

Và tôi thêm hiểu, trong sự cam chịu hy sinh của mẹ chồng là cả một trái tim bao dung và những điều hướng thiện ấm áp.

Tác giả: Phương Nghi

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

  Từ khóa: sự cam chịu , mẹ chồng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP