Kinh tế

Bí quyết làm giàu: Sống khỏe nhờ nuôi chim trĩ

Từ 25 con giống trĩ xanh, đỏ năm 2015, đến nay trang trại của ông Phan Thanh Tuấn (Cần Thơ) có trên 100 con chim bố mẹ, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng.

Chim trĩ dễ nuôi, ít bệnh

DUY TÂN


Ông Tuấn (43 tuổi, ngụ P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) kể câu chuyện làm giàu từ nghề nuôi chim trĩ của ông bắt đầu từ năm 2015. Lúc đó, ông lên mạng tìm loài vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thấy chim trĩ đẹp, dễ nuôi, đầu ra ổn định, vừa có thể bán chim thương phẩm vừa bán chim kiểng nên ông quyết định tìm mua 25 con giống trĩ xanh, đỏ về nuôi.

Lấy kinh nghiệm từ nghề chăn nuôi gà trước đó, ông Tuấn áp dụng vào việc nuôi chim trĩ và đạt hiệu quả khá cao. Thấy vậy, ông mua thêm 20 con giống về nuôi, cho sinh sản và đầu tư máy ấp trứng, nhân đàn lên hàng trăm con. Theo ông Tuấn, chim trĩ rất dễ nuôi, ít nhiễm bệnh, gần giống như nuôi gà nhưng lợi nhuận cao hơn 7 - 10 lần. Thức ăn của chim trĩ gồm gạo, lúa, cám, thức ăn chế biến... và có thể cho ăn thêm các loại rau xanh, thân chuối băm.

Đáng lưu ý, ông Tuấn đã áp dụng “tuyệt chiêu” là đeo kiếng cho chim trĩ để che khuất tầm mắt chim, bảo vệ trứng, phòng chim trĩ mổ lông và mổ nhau… Nhờ đó hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt.

Ông Tuấn dùng vợt vớt trứng chim trĩ đem đi ấp máy

“Chuồng chim được rào bằng lưới B40, lợp mái tôn để tránh chim bay ra ngoài, có hệ thống ống cấp nước sạch cho chim uống, máng thức ăn. Quá trình nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý phân chim, mỗi tháng khử trùng chuồng trại 2 lần. Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất của chim trĩ là ghép đôi, bảo quản và ấp trứng. Tỷ lệ ghép đôi phù hợp là 1 trống + 3 mái trong chuồng có diện tích 1,5 m2. Không nên ghép theo tỷ lệ 1 trống 1 mái, cũng không nên ghép nhiều mái sẽ dẫn đến tỷ lệ trứng nở kém”, ông Tuấn chia sẻ.

Khi trứng nở thành chim con, nuôi từ 3 - 4 tháng có thể xuất bán thịt và từ 6 - 7 tháng có thể cho chim sinh sản (tùy theo chim trĩ đỏ, trĩ xanh). Chim sinh sản theo mùa, thường mỗi năm 2 đợt: đợt đầu từ tháng 3 đến tháng 4, đợt hai từ tháng 9 đến tháng 10. Bình quân mỗi năm một chim mái có thể đẻ từ 70 - 80 trứng. Tuy nhiên, thời gian chim đẻ và số lượng trứng còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi, chế độ ăn và chăm sóc.

Theo ông Tuấn, kỹ thuật ấp cũng rất quan trọng. “Để chim trĩ ấp nở đạt tỷ lệ cao, tôi dùng ống nhiệt kế để dưới lườn trứng của gà mái đang ấp trứng, để khoảng 15 phút đem ra xem. Sau đó, cài nhiệt độ lò ấp bằng với nhiệt độ đo được từ ống nhiệt kế”, ông Tuấn “tiết lộ” bí quyết và cho biết thức ăn chủ yếu trong tháng đầu tiên và tháng thứ 2 là cám công nghiệp dành cho gà con. Phải thường xuyên kiểm tra chuồng, nếu thấy chim trĩ ở gần bóng đèn tản ra hai bên thì chim bị nóng, cần phải kéo bóng đèn lên; nếu thời tiết lạnh thì hạ đèn xuống để chim sưởi ấm.

Hiện tại, trang trại của ông Tuấn có trên 100 con chim bố mẹ, chủ yếu trứng chim trĩ được cho ấp nở để bán giống. Giá bán chim trĩ 1 ngày tuổi khoảng từ 35.000 đồng/con, chim 1 tháng tuổi có giá 100.000 đồng/con, chim trĩ xanh bán kiểng có giá 1,2 triệu đồng/cặp, trĩ đỏ có giá 1,5 triệu đồng/cặp. Trừ chi phí, mỗi năm ông Tuấn thu lãi trên 200 triệu đồng.

Ngoài việc làm giàu cho gia đình, ông Tuấn còn giúp bà con địa phương phát triển mô hình nuôi chim trĩ. Ông bán con giống với giá rẻ hơn thị trường, đồng thời hướng dẫn tận tình kỹ thuật nuôi để bà con có điều kiện phát triển kinh tế.

Tác giả: Duy Tân

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP