Tham dự buổi tiếp công dân có các đồng chí Ủy viên Ban vụ Tỉnh ủy: Hồ Lê Ngọc - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ngọc Kim Nam – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Quang cảnh buổi tiếp công dân |
Bà Nguyễn Thị Chín trình bày nội dung kiến nghị |
Bà Nguyễn Thị Chín trú tại thôn Trà Lân, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn phản ánh việc bà nộp hồ sơ đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho cha của bà là ông Nguyễn Hữu Tích từ năm 2000 tại Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bà kiến nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết chế độ người có công trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho ông Nguyễn Hữu Tích.
Đồng chí Nguyễn Bá Từ - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn báo cáo quá trình giải quyết xem xét hồ sơ công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945 cho ông Nguyễn Hữu Tích (bố đẻ bà Nguyễn Thị Chín) |
Báo cáo quá trình giải quyết xem xét đơn của bà Nguyễn Thị Chín, đồng chí Nguyễn Bá Từ - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn cho biết: Thường trực Huyện ủy Anh Sơn đã 2 lần nhận đơn trực tiếp của bà Nguyễn Thị Chín và 8 lần nhận công văn chuyển đơn của các cơ quan, tổ chức cấp trên đề nghị xem xét, giải quyết đơn của bà Chín.
Tại thời điểm gia đình lập và nộp hồ sơ đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945 cho ông Nguyễn Hữu Tích (năm 2000), việc xét đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng được thực hiện theo Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ. Theo báo cáo giải trình của đồng chí Nguyễn Sỹ Phú, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy (giai đoạn 1996-2005) và kết quả khảo sát hồ sơ của ông Nguyễn Hữu Tích cho thấy: Đơn xin xét công nhận quá trình giúp đỡ cách mạng của ông Nguyễn Hữu Tích đề ngày 1/7/2000 chỉ có một cán bộ lão thành cách mạng xác nhận. Theo quy định, trường hợp của ông Tích phải tổ chức hội nghị cán bộ lão thành địa phương để xét công nhận cán bộ hoạt động cách mạng cho ông Nguyễn Hữu Tích nhưng tại thời điểm đó cán bộ lão thành mất gần hết, số còn lại thì sức khỏe không đảm bảo nên không tổ chức được hội nghị.
Tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/NĐ-CP có quy định “Đối với cán bộ không thoát ly, chỉ hoạt động ở cơ sở thì phải được chứng nhận của hai người cùng hoạt động đã được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và phải được hội nghị cán bộ lão thành địa phương thừa nhận”. Xét theo căn cứ trên thì hồ sơ của ông Nguyễn Hữu Tích chưa đủ điều kiện để thực hiện theo Nghị định 28 của Chính phủ quy định vì chỉ có 01 cán bộ lão thành cách mạng chứng nhận.
Sau khi trả hồ sơ cho gia đình và qua các lần tiếp nhận, xử lý đơn thư của bà Nguyễn Thị Chín, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn đã nhiều lần hướng dẫn bà Nguyễn Thị Chín và gia đình bà bổ sung hồ sơ để thực hiện theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với hồ sơ của ông Nguyễn Hữu Tích chưa có một trong những căn cứ để xác nhận theo Điều 6 Nghị định 31/2013/NĐ-CP; chưa được Hội đồng xác nhận người có công của xã xem xét đề nghị lên huyện. Vì vậy, chưa đủ điều kiện để xem xét công nhận người có công với cách mạng theo Nghị định 31.
Việc xem xét đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng giai đoạn hiện nay được thực hiện theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ (từ tháng 2/2022 đến nay). Tại Khoản 1 Điều 4, điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, đã tham gia một tổ chức cách mạng hoặc đã thực sự hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trước ngày 1/1/1945. Căn cứ bản sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Sơn (bản viết tay), ông Nguyễn Hữu Tích là 1 trong 10 đoàn viên thanh niên tham gia hoạt động cách mạng năm 1939. Tuy nhiên, Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Sơn nay chưa xuất bản nên không có cơ sở pháp lý để công nhận.
Theo Nghị định 131, người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần sau ngày 30/6/1999 (Ông Nguyễn Hữu Tích từ trần năm 2008) thì căn cứ vào bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau: Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý. Lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 1/3/1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa III). Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20/4/1947 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa III) đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 hoặc người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tích không phải là đảng viên nên không có Lý lịch của đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước và không có Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 lưu tại các cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Về quá trình thủ tục, thực hiện theo Hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy tại Công văn 2425-CV/BTCTU ngày 2/10/2013 về hướng dẫn xét người hoạt động Cách mạng trước 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945: Việc xem xét công nhận người có công với cách mạng, quy trình xem xét phải thực hiện từ cơ sở đến tỉnh. Căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn quy định trên, việc xem xét đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng phải có đầy đủ các căn cứ, hồ sơ, thủ tục; được Hội đồng xác nhận người có công của xã xem xét đề nghị lên huyện. Tuy nhiên, đến nay, gia đình chưa có đầy đủ các hồ sơ thủ tục theo yêu cầu. Vì vậy, không có cơ sở để xem xét đề nghị công nhận người hoạt động cách mạng cho ông Nguyễn Hữu Tích.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hồ Lê Ngọc đề nghị Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn xem xét lại quá trình giải quyết đơn của công dân, cần trả lời thỏa đáng, dứt điểm nội dung kiến nghị để gia đình ông được biết |
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu huyện Anh Sơn rà soát lại cách thức, quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân |
Kết luận phiên tiếp dân, đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy rà soát lại tổng thể quá trình gia đình ông Nguyễn Hữu Tích nộp hồ sơ đề nghị công nhận hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng Tám năm 1945, trong đó, đặc biệt lưu ý đến quy trình xem xét giải quyết hồ sơ. Đồng thời, có báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền bằng văn bản về trách nhiệm của tổ chức trong quá trình xem xét giải quyết hồ sơ, có hay không việc nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến sai sót trong giải quyết hồ sơ cho người dân; xem xét cơ sở nào để địa phương tham mưu đề xuất tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho ông Nguyễn Hữu Tích năm 2013 vì đã có thành tích tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi gửi cơ quan thẩm quyền có ý kiến trả lời, Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn phải trả lời đầy đủ, dứt điểm để gia đình ông Nguyễn Hữu Tích được biết.
Tác giả: Kim Oanh
Nguồn tin: nghean.gov.vn