Các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hữu Lậm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Ảnh: Mai Hoa |
Hội nghị trực tuyến với sự tham gia của 21 huyện, thành, thị tại các điểm cầu.
Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-TU, trong đó xác định 43 nhiệm vụ cần làm ngay, 6 nhiệm vụ thí điểm và 12 nhiệm vụ theo hướng dẫn của Trung ương.
Tỉnh ủy cũng đã chọn 12 đơn vị làm điểm, bao gồm 8 sở, ban, đoàn thể cấp tỉnh và 4 huyện, thành phố, thị xã. Đến thời điểm này đã có 6/43 nhiệm vụ cần làm ngay được triển khai đảm bảo đúng tiến độ và 5 nhiệm vụ đang chậm tiến độ.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Riêng đối với 12 đơn vị được chọn làm thí điểm đã xây dựng đề án với kế hoạch, lộ trình thực hiện các công việc một cách cụ thể.
Trong đó có một số địa phương như: Thành phố Vinh, huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tương Dương đã triển khai thực hiện Văn phòng dùng chung ở cấp xã. Riêng đối với huyện Anh Sơn cũng đã thực hiện chủ trương bố trí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện...
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Lậm khẳng định một số kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Hoa |
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng nêu một số băn khoăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6. Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đặng Cao Thắng nêu băn khoăn: Hiện tại trường nghề có 2 mô hình, một trực thuộc Sở và một trực thuộc các địa phương. Tuy nhiên hiện nay việc giao trách nhiệm để xây dựng đề án sắp xếp các trường nghề này chưa rõ, do Sở chủ trì, các địa phương phối hợp hoặc ngược lại thì chưa rõ ràng.
Còn Bí thư Thị ủy Cửa Lò Nguyễn Nam Đình cho rằng, khi thực hiện chủ trương Trưởng Ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra thì biên chế này trực thuộc khối Đảng hay Nhà nước?
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Lập cho rằng, khó khăn lớn nhất khi tiến hành sắp xếp và sáp nhập các trạm khuyến nông, trạm chăn nuôi - thú y, trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật thành một đơn vị thuộc cấp huyện thì thừa lãnh đạo và số viên chức, lao động không có chuyên môn như: kế toán, thủ quỹ, hành chính..., vậy nên cần có phương án cụ thể.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Lập cho rằng, khó khăn nhất hiện nay trong việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp là sắp xếp đội ngũ lãnh đạo và kế toán, văn thư... Ảnh: Mai Hoa |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh biểu dương một số đơn vị, địa phương đã quyết liệt triển khai Nghị quyết Trung ương 6 với những kết quả cụ thể.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì nhiều đơn vị, địa phương thiếu tinh thần tiến công và chưa thật sự tự giác, nội dung chưa cụ thể, chưa rà soát, nghiên cứu kỹ để đưa ra các phương án chi tiết triển khai.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế là một chủ trương lớn và quan trọng đã được Trung ương cụ thể hóa bằng Nghị quyết, vì vậy các đơn vị, địa phương cần phải đặt ra ý chí quyết tâm, đồng thời bám sát Kế hoạch số 111/KH-TU, Đề án số 09/ĐA-TU để triển khai. Yêu cầu mỗi đơn vị, địa phương cần phải xây dựng đề án cụ thể, trong đó thiết kế rõ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo cơ sở vật chất, cơ chế tài chính.
Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Tuấn Vinh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương quan tâm bổ sung Phó Bí thư Huyện đoàn ở một số đơn vị còn thiếu. Ảnh: Mai Hoa |
Ngoài đề án chung của từng đơn vị, địa phương, những nơi có yêu cầu sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy thì cũng phải xây dựng một đề án riêng đối với tổ chức bộ máy mới. Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, quá trình sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy, việc tinh giản biên chế, tuyệt đối không thực hiện theo phương pháp cơ học, mang tính chất “thanh lý” cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà cần thực hiện theo nguyên tắc: Người về hưu hoặc chuyển công tác thì không tuyển thêm mới và người nào xung phong nghỉ thì có chính sách khuyến khích tạo điều kiện để từng bước giải quyết dần biên chế.
Liên quan đến cấp trưởng các đơn vị trước khi sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cần thực hiện một cách dân chủ, công khai theo tiêu chuẩn, người nào có tiêu chuẩn cao hơn thì bố trí là cấp trưởng và đối với cấp phó thì sẽ giảm dần cho đến kỳ Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ sắp xếp lại theo đúng quy định.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Tinh giản biên chế tuyệt đối không theo phương pháp cơ học, mang tính chất “thanh lý” cán bộ. Ảnh: Mai Hoa |
Về phương án xử lý lao động hợp đồng trong các đơn vị sáp nhập, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo các đơn vị, địa phương cần nghiêm túc kiểm điểm và có phương án xử lý đảm bảo nguyên tắc theo quy định, trong đó cần lưu tâm những lao động nào có năng lực, chuyên môn giỏi, phẩm chất tốt thì chủ động thiết kế một chính sách công khai, minh bạch để làm quy trình tuyển dụng, sắp xếp hợp lý.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ đạo các địa phương cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá kỹ và tiến hành thận trọng vấn đề sáp nhập cấp xã, xóm, gắn với khoán kinh phí. Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tự kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác cán bộ từ 2012 đến nay.
“Đây là cơ hội cuối cùng để thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương tự giác phát hiện những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm chưa đúng quy định để tự kiểm điểm, khắc phục. Nếu sau thời hạn báo cáo (30/6/2018) cấp trên phát hiện ra những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai thì không chỉ xử lý cán bộ mà còn xử lý trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu ở đó” - đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Tác giả: Mai Hoa
Nguồn tin: Báo Nghệ An