Giáo dục

Biến căng: Thầy giáo Sinh nổi tiếng, từng ra đề thi THPT Quốc gia bị tố thu học phí cao nhưng dạy vô trách nhiệm, 4 tháng gửi được 3 video

Sau loạt lùm xùm, thầy giáo Sinh đã quyết định hoàn trả lại học phí cho các bạn học sinh.

Thời gian qua, trên mạng xã hội xôn xao về sự việc về thầy giáo dạy Sinh nổi tiếng trong làng dạy online bị dính phốt vô trách nhiệm, chất lượng học khác xa quảng cáo.

Nam giáo viên được nhắc đến tạm gọi là T.N (sở hữu trang cá nhân có gần 90.000 lượt follow).

Thầy T.N sở hữu profile dạy khủng, tốt nghiệp khoa Sinh học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Một số thành tích giảng dạy của nam giáo viên:

- Nằm trong ban bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp TP.

- Năm 2009, thầy T.N là thành viên chính thức của Hội đồng xây dựng ngân hàng đề thi quốc gia môn Sinh học.

Ngoài ra thầy cũng là tác giả của cuốn sách "Bí quyết chinh phục lý thuyết môn Sinh".

Cụ thể, khi theo học thầy T.N, học sinh đăng ký khóa học 2.5 triệu bao gồm combo: 6 Khóa học live, 6 khóa học web và được tặng kèm 1 cuốn sách Sinh do thầy biên soạn.

Khóa học live và khóa học web có nội dung học tương tự nhau. Điểm khác biệt lớn nhất là khi học live, học sinh sẽ được tham gia livestream, đặt câu hỏi trực tiếp bên dưới. Còn ở khóa học web, học sinh sẽ học trên website của thầy bằng các video bài giảng, cũng như được thi online.

=> Có thể thấy, khóa học live sẽ có ưu điểm hơn khi được trực tiếp đặt vấn đề với giáo viên.

Quảng cáo trên website của thầy T.N

Song một số học sinh đã "bóc phốt" khóa học của thầy T.N khác xa so với quảng cáo.

Liên hệ với một số học sinh, các bạn tố thầy T.N giảng dạy rất ít (cả năm chỉ được 13 bài giảng). Khóa học live đáng lẽ được tương tác trực tiếp thì lại bị thầy đổi thành khóa học web do... đội ngũ của thầy thiếu nhân sự giảng dạy.

Bên cạnh đó, thầy cùng đội ngũ trợ giảng thường xuyên lơ tin nhắn của học sinh. Đề thi và bài giảng cũng được cho là lấy từ các năm cũ.

Liên hệ với một trong những học sinh theo học thầy, cô bạn N.T (sống tại TP.HCM) cho hay: "Mình đăng ký combo học chỉ mất 2 triệu do đúng lúc giảm giá. Hồi đầu xem live của thầy khá hào hứng vì chất lượng dạy tốt. Song càng học lâu dần thì thấy có vấn đề.

- Ở khóa live trên Facebook: Mình chỉ được add vào 1/6 nhóm chat học tập. Thầy giáo dạy rất ít, tháng 2 dạy được 2 video rồi đến tháng 5 mới tiếp tục dạy được thêm 1 video nữa. Đến mức cuối năm thầy còn chưa live xong chương 1 kiến thức SGK Sinh. Sau khi bị học sinh hối thúc quá nhiều về tiến độ dạy học, chúng mình được add vào nhóm luyện đề thi Đại học chỉ đúng trong 2 tháng cuối. Từng đó thời gian làm sao chúng mình ôn tập kịp cho kỳ thi tốt nghiệp?

- Ở khóa Web: Có rất nhiều đề thi lấy từ các năm trước. Phản ánh với thầy T.N thì được nhắn sẽ bù cho 1 buổi livestream chinh phục điểm 10 trên Facebook, nhưng chỉ 2 tháng cuối cùng mới có. Dạy học cũng chỉ gửi đáp án chứ không có lời giải thích chi tiết. Đến khi thi xong, mình mới nhận ra kiến thức thầy dạy không được bao nhiêu.

Và sau đó, thầy giáo đã rời nhóm chat và không có một lời xin lỗi nào. Mình có nhắn tin thì thầy không trả lời. Bọn mình không học được kiến thức nào mà còn mất một đống tiền.".

Tháng 2 thầy T.N gửi được 2 bài giảng, sau đó đến tháng 5 mới tiếp tục gửi thêm.

Học sinh phải hối thúc liên tục nam giáo viên gửi video giảng bài và đề thi.

Theo file tài liệu bài giảng của T.N, nam giáo viên chỉ dạy được 13 bài giảng - 2 chuyên đề trong suốt 1 năm học.

Học sinh nhắn tin thắc mắc về chất lượng dạy học thì không được phản hồi.

Thầy T.N giải thích là do đội ngũ thiếu nhân lực nên mới dẫn đến tình trạng thiếu bài, add thiếu học sinh vào nhóm lớp.

Lý giải về lý do tại sao khi thi xong xuôi hết rồi mới bóc phốt câu chuyện này, bạn T.N (sống tại TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: "Bọn mình phải hối thúc thầy gửi bài tập rất nhiều. Thầy à ừ vài câu cho xong rồi lại lấy lý do bận bịu, gửi video cũng toàn là của năm trước. Đợt đó đang ôn thi đại học nên không đứa nào theo sát được, bọn mình phải học sang giáo viên Sinh khác gấp để bù kiến thức".

Nam giáo viên T.N giải thích thế nào?

Liên quan đến vụ việc trên, chúng tôi đã liên hệ với thầy giáo T.N để biết thêm thông tin sự việc. Một số lời giải thích của nam giáo viên như sau:

1. Dạy khóa live ít, tự động chuyển HS khóa live sang khóa web?

Thầy T.N cho hay: "2 khóa live và web có chất lượng học như nhau. Tôi đã tạo riêng 1 website đăng tải bài giảng và bài tập lên. Trên hệ thống còn có ưu điểm xem được lời giải chi tiết, thi trực tuyến, được báo lại thông tin câu đáp án đúng hay sai... ".

Thầy T.N phải chuyển hết HS từ khóa live sang web (dù ban đầu các bạn đăng ký học cả live + web) là bởi nhân lực yếu, chỉ có sinh viên trợ giảng nên không đủ người làm live quanh năm.

"Do nhân lực thiếu, không đủ người dạy live nên mới phải chuyển các em HS qua khóa học web. Bởi phần lớn trợ giảng của tôi là sinh viên, đến mùa thi thì các bạn ấy rất bận nên không thể trả lời sớm được các em HS, cũng như không thể kịp add các em vào nhóm lớp học được".

Bên cạnh đó, những lúc thầy T.N bận dạy live, đã giao cho 1 trợ giảng khác thực hiện. Song người trợ giảng này đã không dạy học, thầy T.N cũng không kiểm tra lại. Vậy nên thầy T.N quyết định sẽ hoàn lại số tiền học phí như ý kiến của một số bạn học sinh.

Thầy T.N xin lỗi học sinh trong nhóm chat, đồng thời hứa sẽ hoàn lại tiền

2. Tại sao chỉ tạo nhóm luyện đề cho HS vào 2 tháng cuối?

Thầy T.N cho hay 2 tháng trước kỳ thi mới là giai đoạn chính và quan trọng cho việc ôn thi đại học. Bên cạnh đó, do HS theo học thầy khá muộn (vào tháng 8 - 9/2020, trong khi kì thi tốt nghiệp THPT diễn ra tháng 7/2021) nên mới tạo lớp tổng ôn muộn như vậy.

3. Lấy lại đề thi và bài giảng năm cũ cho HS coi?

Về việc này, thầy T.N cho hay chỉ có lấy lại một số phần. Song nam giáo viên cho biết việc lấy lại hoàn toàn dễ hiểu bởi từ năm 2016 đến nay, kiến thức thi Sinh học trong kỳ thi đại học vẫn na ná nhau.

"Quan điểm của tôi là không dạy quá nhiều, mà chỉ dạy kiến thức cô đọng nhất. Tôi đầu tư hơn 20 năm soạn đề, bao năm xu hướng ra đề thi như nào đều nắm vững được" - thầy T.N khẳng định.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tác giả: VÂN TRANG - DESIGN: THÀNH ĐẠT

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP