Kinh tế

Biến động: Đại gia tháo chạy, vứt bỏ trăm tỷ hoang tàn nơi biên giới

ừ khi chính sách thay đổi, các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế trở nên lao đao vì “bầu sữa” bỗng nhiên bị cắt giảm, những kỳ vọng đưa các khu kinh tế trở thành điểm sáng trở bỗng không như mong muốn.

Xót xa hơn, hàng loạt công trình trụ sở các cơ quan, dự án đã đầu tư hoặc đang đầu tư dang dỡ bị bỏ dở rất lãng phí. Các trung tâm thương mại hàng trăm tỷ đồng được xây dựng nhưng chưa một ngày đưa vào sử dụng.

Dự án bỏ hoang, nhà làm việc thành... sân phơi

Khu công nghiệp Đại Kim (Khu kinh tế Cầu Treo) được quy hoạch năm 2007 trên diện tích gần 33ha. Tại khu công nghiệp này, có 4 dự án lớn đã được phê duyệt, trong đó phải kể đến dự án nhà máy may Five Star Hà Tĩnh với vốn đầu tư 150 tỷ đồng.

Dự án tiền tỷ ở Cầu Treo biến thành điểm chăn thả trâu bò

Thời điểm phê duyệt dự án, chính quyền phải thu hồi đất nông nghiệp của người dân giao cho doanh nghiệp, tạo mọi thuận lợi đễ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hải trú tại xã Sơn Kim 1 (xã Sơn Tây, Hương Sơn), cho biết, cuối năm 2016, trong quá trình triển khai dự án các doanh nghiệp “trống dong cờ mở” về địa phương khảo sát nguồn nhân lực. Thế nhưng, do các cơ sở này không đi vào hoạt động nên người dân đành rời quê vào miền Nam kiếm việc làm.

“Giờ chúng tôi hết đất sản xuất rồi. Sau khi dự án trì trệ, bỏ hoang, người dân mượn đất trong khu công nghiệp để trồng hoa màu tạm bợ” - bà Hải nói.

Kế bên, dự án nhà máy may Five Star Hà Tĩnh, 3 dự án khác cũng đã được đầu tư nhà xưởng bài bản, tuy nhiên do kho khăn về tài chính, chính sách, nên không hoạt động. Hiện nhà xưởng đóng cửa im lìm, nằm chơ vơ giữa vùng đất rộng lớn, nhiều nơi trở thành điểm chăn thả trâu bò.

Khu CN Đại Kim với hàng chục ha hoang hóa trong khi người dân thiếu đất sản xuất

Bà Hải canh tác trồng hoa màu tạm bợ trên nền đất khu CN Đại Kim

Dự án Khu trung tâm thương mại đặt tại cổng B được Công ty cổ phần CK đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Dự án này triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn dang dở, khó có thể đưa vào khai thác.

Tại Lao Bảo, siêu thị hàng miễn thuế Thiên Niên Kỷ nằm trong Khu Kinh tế - thương mại, do Công ty TNHH Thiên Niên Kỷ đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng, nhưng sau hơn 15 năm hoạt động, siêu thị này chỉ còn là những khối bê tông án binh bất động.

Sau khi cổng B (kiểm soát liên ngành) bị giải thể, tòa nhà làm việc của Chi cục Hải Quan Khu Kinh tế - thương mại Lao Bảo từng được đầu tư hàng tỷ đồng cũng rơi vào tình trạng “cửa kín then cài”, nhếch nhác. Người dân địa phương biến khu sân rộng hàng trăm m2 thành nơi phơi keo tràm, bãi tập kết rác,...

Hàng loạt cửa kính, khu làm việc trước đây của các lực lượng kiểm soát hàng hóa bị phá hoại, đập bỏ. Trong một số phòng làm việc, bàn ghế nằm chơ chọi, các mảnh kính văng tung tóe.

Khu thương mại trăm tỷ chưa 1 ngày hoạt động

Tại Cầu Treo, khi Chi cục hải quan Kinh kinh tế Cầu Treo đã giải thể. Toà nhà làm việc 6 tầng hoành tráng nay được Cục Hải quan Hà Tĩnh bố trí cho Đội kiểm soát chống buôn lậu sử dụng.

"Tiến thoái lưỡng nan"

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Khu kinh tế Lao Bảo, cho hay, các khu kinh tế cửa khẩu trở nên hiu quạnh, trầm lắng như hiện nay một phần do cơ chế, các chính sách điều chỉnh.

“Việc thay đổi chính sách là điều tất yếu, chủ trương đúng đắn của Chính phủ để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách và các văn bản hướng dẫn của cấp Bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Lao Bảo sẽ không rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, vẫn có thể hồi sinh nếu sau khi Lao Bảo bị đưa ra khỏi khu phi thuế quan, cấp Bộ, ngành Trung ương kịp thời có văn bản hướng dẫn chuyển tiếp, hoạch định chính sách, định hướng phát triển cho doanh nghiệp.

Nhà làm việc Hải quan Khu kinh tế Lao Bảo trở thành nơi phơi tràm

Toà nhà hoành tráng của Chi cục Hải quan KKT Cầu Treo nay chuyển lại cho nhân sự Đội kiểm soát chống lậu

“Khi không có chủ trương, chính sách hợp lý thì doanh nghiệp như ‘rắn mất đầu’, không còn mặn mà với việc đầu tư” - ông Minh ái ngại.

Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng, đối với khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là khu kinh tế của khẩu tiếp giáp với Lào, cần tiếp tục có những chính sách đặc thù riêng để ưu tiên phát triển địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nếu áp dụng chính sách chung như hiện này thì việc thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trước mắt, tỉnh đang tính biến khu kinh tế thành một trung tâm logistics - một bãi trung chuyển hàng hóa lớn từ nội địa lên và từ Lào về.

Song song đó, tiếp tục đầu tư hạ tầng, tạo ra các chính sách thu hút người dân đến tham gia buôn bán kinh doanh. Việc này khả thi thì khu kinh tế không chỉ là trung tâm phân phối hàng hóa mà còn kéo theo các dịch vụ khác cũng phát triển theo.

“Khi bàn giải pháp chuyển hướng hoạt động của khu kinh tế, Hà Tĩnh đã thăm dò các nhà đầu tư, khảo sát các đơn vị vận tải hàng hóa qua cửa khẩu và nhận thấy việc phát triển logistics tại đây là khả quan. Tuy vậy, tỉnh cũng mong muốn nhà nước, chính phủ ưu tiên tạo cơ chế chính sách hỗ trợ khu vực này phát triển ổn định” - ông Thắng nói.

Tỉnh đã đề ra một số giải pháp để thu hút người dân đầu tư kinh doanh về cả quy mô lẫn chiều sâu, trong đó có việc đưa người dân lên khu vực cửa khẩu để triển khai các dịch vụ buôn bán, lưu trú.

Trước mắt, sẽ nâng cấp tuyến đường huyết mạch Quốc lộ A, nhất là đoạn từ huyện Hương Sơn lên đến cửa khẩu chi chít ổ voi, mặt đường hẹp xe cộ khó di chuyển, cản trở quá trình thông thương.

Với khu công nghiệp Đại Kim, đối với những dự án không hoạt động tỉnh sẽ tiến hành thu đất, chia nhỏ thành nhiều dự án sau đó kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ vào đầu tư.

Tác giả: Quang Thành - Lê Minh

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP