Thế giới

Biến thể Delta làm suy yếu niềm tin của các CEO Mỹ vào nền kinh tế

Chỉ số Niềm tin CEO (CEO Confidence Index) đã giảm mạnh, phản ánh tâm lý của tầng lớp lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vẫn lạc quan về sự phục hồi kinh tế. Nhưng họ không còn tự tin như cách đây vài tháng. Họ đang mất niềm tin vào nền kinh tế và lo lắng về việc tìm kiếm nhân tài trong bối cảnh biến thể Delta của dịch Covid-19 hoành hành và thị trường lao động cực kỳ eo hẹp.

Chỉ số niềm tin sụt giảm 20%

Conference Board, một tổ chức nghiên cứu kinh doanh hàng đầu, cho biết hôm 7/10, Chỉ số Niềm tin CEO (CEO Confidence Index) trong quý III đã trượt dốc.

Sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 82 trong quý II, với hy vọng rằng Mỹ đã tránh được đại dịch, chỉ số này đã giảm xuống 67 - giảm gần 20% - trong quý III.

Tin tốt là chỉ số ở mức trên 50 vẫn là một dấu hiệu của sự lạc quan nói chung.

Tuy nhiên, xu hướng giảm vẫn đang được theo dõi, đặc biệt là khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cũng sụt giảm vào đầu mùa hè này.

Những lo ngại về Covid-19 vẫn “chiếm trọn tâm trí” của những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp Mỹ.

“Chỉ số Niềm tin CEO đã giảm so với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại đạt được vào quý II, khi Covid-19 có vẻ như là sắp được kiểm soát tốt”, Dana Peterson, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Conference Board, cho biết trong một tuyên bố.

"Một đợt bùng phát vào mùa hè với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, cùng với tỉ lệ tiêm chủng giảm mạnh đã khiến những bất định liên quan đến đại dịch quay trở lại".

Dana Peterson, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Conference Board. Ảnh: Bloomberg

Điều đó đã làm suy yếu niềm tin của các CEO. Họ ít lạc quan hơn về nền kinh tế và lo lắng về việc tìm kiếm nhân tài.

Thách thức về mặt nhân sự

Theo các cuộc khảo sát do Conference Board phối hợp với Hội đồng Kinh doanh tiến hành, 88% các CEO tham gia khảo sát trong quý II cho biết, họ kỳ vọng mọi thứ sẽ được cải thiện trong 6 tháng tới. Nhưng chỉ 60% số người được hỏi cảm thấy như vậy trong quý III.

Hơn nữa, trong cuộc khảo sát quý III, chỉ 65% các giám đốc điều hành hàng đầu cho biết, họ dự đoán triển vọng ngắn hạn cho ngành công nghiệp họ đang tham gia sẽ được cải thiện. Con số này giảm so với 81% trong kết quả quý II.

Điều kiện thị trường việc làm cũng là một thách thức lớn khác. 60% CEO cho biết, họ dự kiến ​​sẽ mở rộng số lượng nhân viên, tăng từ 54% trong quý II. Nhưng các vị trí việc làm mở ngày càng khó lấp đầy.

Gần 3/4 số CEO được khảo sát trong quý III cho biết, họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng, tăng từ 57% trong báo cáo trước đó.

“Các doanh nghiệp đang thoát khỏi chế độ được thiết lập nhằm sống sót vượt qua đại dịch, và mong muốn mở rộng vốn đầu tư và nhân sự”, Roger Ferguson, Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh, cho biết.

Ferguson nguyên là Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng thời là cựu CEO của Hiệp hội Bảo hiểm và niên kim dành cho giáo viên Mỹ (TIAA).

"Điều này đã thúc đẩy sự quay trở lại tình trạng thiếu lao động trầm trọng từng thấy trước đại dịch. Nhưng tình trạng này thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn bởi sự tồn tại dai dẳng của dịch bệnh”, Ferguson nhận định. “Nó đã khiến nhiều công nhân không thể hoặc miễn cưỡng tham gia lại lực lượng lao động”.

Các CEO nhận thức được thực tế rằng, họ phải trả nhiều tiền hơn để thu hút nhân tài. Đây là tin tốt cho người lao động, nhưng không tốt cho lợi nhuận doanh nghiệp.

Khoảng 2/3 số CEO được khảo sát trong quý III cho biết, họ dự kiến ​​sẽ tăng lương cho nhân viên ít nhất 3% trong năm tới.

Các CEO còn lại (khoảng 37%) đã có kế hoạch tăng lương tương tự cho nhân viên từ khi tham gia cuộc khảo sát quý II.

Tác giả: Minh Đức

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: biến thể delta , biến thể

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP