Giới trẻ

Bình luận bóng đá bằng thơ tiếng Nghệ: “ASIAN giải ni hần ngái quá"

Trong khi dư luận đang nóng với các trận đấu ở vòng chung kết Asian Cup 2019 thì các thành viên trang facebook của Hội đồng hương Thanh Chương, Quê nhà Thanh Chương… lại “nổi sóng” với các bài bình luận trước và sau trận đấu hết sức độc đáo bằng thơ tiếng địa phương của nickname Thế Mạnh (quê xã Thanh Mỹ, Thanh Chương).

Tuyển Việt Nam kỳ vọng giành vé vào vòng 1/8 Asian Cup 2019. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN

Khi bóng vừa lăn trên các sân cỏ thuộc vòng chung kết Asian Cup 2019, Thế Mạnh đã có những bài bình luận trước, trong và sau trận đấu bằng thơ tiếng Nghệ hết sức đặc sắc. Mỗi bài thơ bình luận bóng đá khi chia sẻ trên trang cá nhân đều nhận được hàng nghìn lượt thích, hàng trăm bình luận và lượt chia sẻ.

Đó là những lời tâm tình nhắn nhủ đến các cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ xứ Nghệ trước giải đấu:

“ASIAN giải ni hần ngái quá
Nỏ được theo để tiếp lả cho bay
Ăn cho tợn rồi cứ rứa mà cày
Chơ mà cụng lạ chi Tây Á nựa

…Lá thư ni ông gửi cho mấy đứa
Mong rằng bay phải luôn nhớ một điều
Khán giả nhà luôn dành trọn tình yêu
Cho đội bóng và dọi theo từng bước”

(Trích “Thư gửi những cầu thủ xứ Nghệ)

Đặng Văn Lâm và đồng đội chịu trận thua đáng tiếc trước Iraq ở Asian Cup 2019. Ảnh: Zing.vn

Hay đó là nỗi niềm, lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của một cổ động viên khi các cầu thủ đội nhà thua cuộc trong trận ra quân gặp Iraq (8/1):

“Ở nhà có coi đá bóng không cha?
"Phải coi chơ con răng mà trật được
Con ơi! Việt Nam mình dù thua cuộc
Cụng phải cảm ơn không được chê bai !

Cụng đừng lên mạng mà chửi một ai
Dòng máu chảy chung là ngài Việt cả
Bựa ni họ cụng đạ nhởi lăn xả
Nộ lực hết sức là đạ vui rồi!

Cha nói ra rứa con có hiểu không?
Là người Việt Nam cha mong con nhớ!
Dù bựa ni ta đá hay đá dở
Thì đội tuyển cụng đạ ở trong tim!”

(Trích: “Nỗi niềm cổ động viên”)

Khi trên mạng xã hội nổi lên làn sóng chê bai, công kích các cầu thủ khi để thua ngược dòng trước tuyển Iraq, đặc biệt là Thủ thành Đặng Văn Lâm bị nhiều người chỉ trích thậm tệ khi để thủng lưới tới 3 bàn, trong đó có 1 bàn vào những phút cuối hiệp 2 khi được cho là “đứng sai vị trí”. Trước những thông tin này, Thế Mạnh đã ngay lập tức có bài thơ “phản biện”, khuyên các CĐV bình tĩnh, tiếp tục tiếp lửa cho đội tuyển vững vàng chinh chiến:

“Chưa chi bay nhảy ngược
Mần lục đục niềm tin
Răng mà nỏ ở bên?
Để động viên họ đá?

Mình vươn ra châu Á
Là cụng quá giỏi rồi
Đừng để giọt mồ hôi
Của họ rơi vô ích”

(Trích “Bay đừng mần rứa”)

Xuân Trường tiếp tục thi đấu không thành công và bị thay ra ở phút 53 của trận đấu. Ảnh: AFC

Hay mới đây nhất, sau trận đấu gặp Yemen, Thế Mạnh đã có những lời bình luận hay và thấm thía:

“Dù biết rọ trận ni mình thắng cuộc
Mà dừ vẩn chưa biết được đội ta
Vô vòng trong hay là lại về nhà
Nên trận ni thắng chơ mà nỏ sướng

Bây dừ là cả Việt Nam cùng hướng
Phải dọi theo coi hai bảng cuối cùng
Một thằng hòa là mình sẹ ung dung
Ngẩng cao trốc đi vô vòng kế tiếp…

Trận bựa ni nỏ phải chê ai cả
Cả đội tuyển đạ lăn xả hết mình
Lên trên mạng chộ ai cụng mần thinh
Nỏ có chi để bất bình trách cứ".

(Tường thuật lại trận Việt Nam – Yemen)

CĐV xứ Nghệ ăn mừng chiến thắng của ĐT Việt Nam tại Chung kết AFF Cup 2018. Ảnh: Tư liệu

Mạnh chia sẻ: “Em đam mê bóng đá, em yêu những cầu thủ Việt Nam nên em theo dõi hết các trận đấu. Không chỉ Asian Cup mà hầu hết các giải khác em cũng xem và có thơ cổ vũ nhiệt tình. Đó là những bài thơ, những lời bình luận mang tính giải trí, cho vui nên không nặng về chuyên môn. Mỗi người có một cách cổ vũ đội tuyển, yêu mến đội tuyển của riêng mình. Và em bày tỏ lòng hâm mộ, yêu mến đó bằng thơ”.

Trước đó, Mạnh đã “nổi tiếng” trong cộng đồng mạng bởi những bài thơ mộc mạc, hồn hậu nhưng thấm đượm ân tình với ngôn ngữ thơ bằng tiếng địa phương Thanh Chương “đặc sệt” hay những câu chuyện trạng mang đậm dấu ấn “quê choa”.

Tốt nghiệp THCS, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Thế Mạnh (SN 1992) quyết định không học lên THPT mà chọn con đường học nghề rồi xuất khẩu lao động sang Nga. 20 tuổi, sống xa nhà, một mình bươn chải nơi đất khách, Mạnh càng nhớ nhà, nhớ quê đến quay quắt.

Mạnh chia sẻ: “Làm thơ bằng tiếng địa phương khó là vì tiếng Thanh Chương nặng nên khó thành vần, điệu. Còn dễ là vì đó là những gì mà tuổi thơ em đã trải qua, là lời ăn tiếng nói hàng ngày, là câu chuyện có thật của mẹ, của cha, của những người xung quanh… tất cả có sẵn trong đầu, khi có dịp cứ thế bộc bạch.

Thế Mạnh gây ấn tượng với những người Nghệ xa quê và các trang cộng đồng mạng với những vần thơ mộc mạc, "đặc sệt" tiếng địa phương. Ảnh: NVCC

Thơ Mạnh làm, chủ yếu là để nói ra lòng mình, gửi gắm tâm tư của mình và đăng Facebook cho vui. Sau khi đăng thử vào các trang của hội đồng hương Thanh Chương, được mọi người đón nhận tích cực, được động viên, khích lệ nên em sáng tác thường xuyên hơn.

Mong muốn của Mạnh khi đăng những bài thơ này lên các trang mạng cùng với người quê giữ lấy tiếng quê, tình quê...

Tác giả: Thanh Phúc

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP