Du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững ở Khuổi Ky. Ảnh: Thanh Thuận |
Ngôi làng truyền thống của người Tày
Làng Khuổi Ky nằm giữa hai điểm du lịch là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao. Từ xa nhìn vào làng, ấn tượng đầu tiên với du khách là những ngôi nhà sàn bằng đá xám, nép mình bên dãy núi, nổi bật giữa không gian xanh mát của núi rừng. Phía trước làng là dòng suối Khuổi Ky chạy qua làm cho ngôi làng trở nên đẹp, ấn tượng. Bước qua cổng làng lợp ngói, ấn tượng về đá càng được tô đậm hơn với những con đường lát đá, kè đá hai bên, bờ rào đá, tường đá, nhà sàn đá, đập nước, cối xay, bếp lò...
Làng Khuổi Ky có 14 căn nhà sàn bằng đá với 100% dân số là người Tày. Bà Triệu Thị Hòa, người dân làng Khuổi Ky cho biết: “Ở đây, nhà sàn của người Tày được làm bằng đá xuất phát từ tục thờ thần đá. Dân làng coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Đá trong tâm thức người Tày thiêng liêng như một vị thần giúp che chở trước những khắc nghiệt của thiên nhiên”.
Cũng theo bà Triệu Thị Hòa, dân làng Khuổi Ky còn có tục tế thần đá, cầu mong điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng của mình trong những ngày mùa màng sắp tới. Tập tục tế thần đá còn thể hiện ý thức trách nhiệm của cộng đồng trước mẹ thiên nhiên. Có lẽ vì thế, người Tày nơi đây đã sáng tạo ra những ngôi nhà sàn bằng đá độc đáo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của thời cuộc, ngày nay, trong tâm thức người Tày, thần đá vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm.
Chị Mạc Thị Khon, quản lý Khuổi Ky Homestay cho biết: “Để đáp ứng được nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, người Tày ở làng Khuổi Ky đã rất nỗ lực học tập thay đổi tư duy qua internet, hoặc học từ chính những du khách lưu lại nơi đây. Mong muốn của tôi là khai thác hiệu quả nhất những tiềm năng vốn có của địa phương”. |
Theo sử sách ghi lại, vào những năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được dựng lên dành riêng cho những bậc quyền quý. Cứ thế, những đời sau đều giữ việc dựng nhà sàn đá của cha ông. Để làm nên một ngôi nhà sàn đá, người dân nơi đây phải mất từ 2 - 3 năm, từ khi chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà.
Quan trọng nhất là khâu chọn đá, những viên đá cứng, đẹp là nguyên liệu được chọn để dựng nhà. Kích thước của ngôi nhà được tính toán dựa trên số lượng thành viên trong gia đình. Nhà nhiều người thì dựng nhà to, cao, nhà ít người thì ngôi nhà sẽ được xây nhỏ. Cùng với nền móng là đá, những chân cột cũng bằng đá, mỗi cột cách cách nhau chừng 3m. Tường nhà được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau, gắn kết bằng một hỗn hợp của vôi và cát. Chiều cao của nhà thường từ 7 - 8m, chia làm 2 tầng, lợp ngói âm dương mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng sơn cước.
Ngày nay, những ngôi nhà sàn cổ có niên đại hơn 100 năm vẫn được gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn, tạo nên nét cổ kính cho Khuổi Ky. Những ngôi nhà sàn đá vẫn vững chãi, chở che cho những người dân chân chất nơi biên cương Cao Bằng.
Điểm đến yêu thích của du khách
Với vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa hai điểm tham quan là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, làng Khuổi Ky thu hút nhiều đoàn khách đến thăm, trải nghiệm. Năm 2008, làng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” nên ngày càng được du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Sau khi tham quan, khám phá
thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách là làng Khuổi Ky cách đó chỉ khoảng 3km. Hầu hết những người khách ghé thăm làng đều thích thú với kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp cổ kính của những nhà sàn bằng đá giữa vùng thiên nhiên tươi đẹp, những người Tày chân thật, mến khách. Nắm bắt được nhu cầu đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình du lịch cộng đồng trên cả nước, chính quyền xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh đã đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú homestay tại Khuổi Ky. Các homestay trong làng đều có đủ các điều kiện vật chất để phục vụ cả khách Việt và khách quốc tế.
Nhà sàn bằng đá được người dân sử dụng làm nơi lưu trú cho khách. Ảnh: Thanh Thuận |
Bên cạnh các homestay tại nhà dân, người làng Khuổi Ky còn sử dụng nhà đá cộng đồng để làm nơi lưu trú cho khách, với sức chứa lên đến 100 khách. Đến đây, du khách được nghỉ tại nhà sàn đá, ăn uống, xem biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi dân gian, tham gia trải nghiệm với người bản địa (bắt cá, làm đồng, thu hoạch cây trái...).
Các dịch vụ du lịch cộng đồng thu hút được sự tham gia tích cực của một số hộ dân. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch đã giúp đời sống của người dân thêm no đủ, khấm khá. Khuổi Ky trở thành hình mẫu điểm du lịch cộng đồng để nhiều nơi đến nghiên cứu, học tập.
Giữa vùng biên cương non nước hữu tình, những ngôi nhà sàn đá cổ vẫn bền bỉ bao bọc, chở che những người dân hiền lành, chất phác. Nếu có dịp ngắm nhìn cuộc sống bên những con đường đá, trong những ngôi nhà sàn bằng đá nơi đây một lần, hẳn sẽ khiến nhiều người nhớ mãi...
Tác giả: Thanh Thuận
Nguồn tin: Báo Biên phòng