Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường đề nghị Bộ GD-ĐT và các cơ quan khác xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra - Ảnh: TTCP |
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện trách nhiệm công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT), trong đó chỉ ra nhiều vi phạm liên quan hoạt động cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ.
Gây phiền hà cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ sách nhiễu
Theo kết luận, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính nói chung, kiểm soát giải quyết thủ tục hành chính nói riêng nhằm triển khai các quy định về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.
Bộ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm, thiếu sót trong thực hiện trách nhiệm công vụ, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ GD-ĐT.
Theo kết luận, Bộ GD-ĐT báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chưa phản ánh đúng thực trạng, thiếu chính xác.
Báo cáo định kỳ của bộ gửi Chính phủ kết quả giải quyết năm 2021 - 2022 đúng hạn là 100%, trong khi thanh tra 10 thủ tục hành chính đã có 419 hồ sơ quá hạn, chiếm 2,27% hồ sơ đã giải quyết. Trong đó có 3 thủ tục hành chính có tỉ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trên 50%, kết luận nêu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn tiếp thu kết luận thanh tra và cho biết sẽ tổ chức thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ - Ảnh: TTCP |
Bộ GD-ĐT chưa xây dựng quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính tại phần mềm hệ thống thông tin một cửa điện tử theo quy định. Việc tổ chức bộ phận một cửa và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ này còn bất cập, hạn chế, yếu kém.
Công chức được cử không làm việc và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tại bộ phận một cửa. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính không thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi để xảy ra quá hạn giải quyết thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, theo cơ quan thanh tra, việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ ngoài danh mục thành phần hồ sơ quy định (34 hồ sơ) đã gây bức xúc, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải đi lại, giải trình, bổ sung nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ sách nhiễu.
Thanh tra cũng phát hiện Cục Hợp tác quốc tế ban hành giấy chứng nhận đã tốt nghiệp đối với 3 hồ sơ thủ tục hành chính "tiếp nhận du học sinh học bổng ngân sách nhà nước tốt nghiệp về nước" là sai thẩm quyền; thẩm định đối với 3 hồ sơ của thủ tục hành chính "sửa đổi quyết định, thay đổi địa điểm của văn phòng đại diện" không đúng quy trình theo quy định.
Cục Quản lý chất lượng cũng phát hành giấy công nhận văn bằng không theo trình tự quy định đối với 2 hồ sơ của thủ tục hành chính "công nhận văn bằng...".
Để sai phạm trong cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ diễn ra kéo dài
Thanh tra cũng phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính "phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài" trước thời điểm thông tư số 11 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực.
Nghị định của Chính phủ giao bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cụ thể về liên kết đào tạo trực tuyến, trực tiếp và liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Ngày 10-7-2018, bộ ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính "phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài".
Tuy nhiên đến bốn năm sau (2022) bộ mới ban hành thông tư số 11 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ.
Trong giai đoạn từ tháng 8-2018 đến tháng 9-2022, bộ này báo cáo chưa phê duyệt cho đơn vị nào được liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo quy định và thủ tục hành chính nêu trên. Bộ cũng không có số liệu theo dõi, quản lý việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ.
"Tuy nhiên thực tế có một số đơn vị vẫn thực hiện liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép và mới được Thanh tra bộ thanh tra, kết luận năm 2024", kết luận nêu.
Thanh tra Chính phủ kết luận Bộ GD-ĐT đã "buông lỏng công tác quản lý", để sai phạm trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ diễn ra kéo dài nhưng chưa có biện pháp chấn chỉnh "gây dư luận xã hội bức xúc".
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GD-ĐT tổ chức rà soát, thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả (nếu có) đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ.
"Việc xử lý cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia thi cấp chứng chỉ; đồng thời chấn chỉnh công tác phê duyệt hoạt động liên kết tổ chức thi chứng chỉ, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan, công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực, bức xúc trong xã hội", Thanh tra Chính phủ yêu cầu.
Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm lãnh đạo Bộ GD-ĐT Để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm đã được nêu trong kết luận, theo Thanh tra Chính phủ là do lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa chú trọng, quan tâm thực chất đến việc rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện phương án phân cấp thực hiện thủ tục hành chính. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Bộ GD-ĐT, văn phòng và một số cục, vụ, đơn vị (Cục Quản lý chất lượng, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế), tập thể, cá nhân thuộc bộ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao trong giai đoạn từ ngày 15-6-2021 đến 30-11-2023 và giai đoạn trước đó. Tổng thanh tra đề nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT có biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, nghiêm cấm việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài danh mục thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, nội dung thẩm định. Bộ GD-ĐT phải thực hiện xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi quá hạn giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan thanh tra đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo bộ trực tiếp liên quan đối với những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm. Theo thẩm quyền, Bộ GD-ĐT chỉ đạo, kiểm điểm đối với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị, tập thể, cá nhân thuộc bộ có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm được đề cập trong kết luận thanh tra. |
Tác giả: Thân Hoàng
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ