Kinh tế tri thức tụt hậu khá xa
Hội thảo này do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức, có sự tham dự của đại diện 25 trường đại học trên cả nước cùng các nhà quản lý, nghiên cứu giáo dục.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội thảo "Vai trò của trường ĐH với việc học tập suốt đời của người lớn" |
Phát biểu tại đây, bà Nguyễn Thị Doan khẳng định nhân dân ta có truyền thống hiếu học, lại thông minh, sáng tạo và cần cù. Những tố chất quý báu đó không ngừng được nuôi dưỡng, phát huy và đã giúp đất nước phát triển không ngừng nhờ truyền thống tốt đẹp đó.
Nhưng nhìn vào sự phát triển của nước ta và của nhiều nước trong khu vực và quốc tế, chúng ta thấy hiện có khoảng cách lớn về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội đang phát triển, thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ (KHCN) hiện nay, và điều đó đang đe dọa phá vỡ nhiều kế hoạch trong chiến lược phát triển, trong đó có thị trường lao động. Nếu chúng ta không có giải pháp khắc phục thì điều này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn chúng ta nghĩ.
Bà Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD-ĐT phải xóa bỏ bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục đào tạo, đi học chỉ để có bằng mà không coi trọng năng lực |
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết hiện nay trong khi các nước tiên tiến phát triển đất nước dựa vào vốn tri thức do học tập, sáng tạo, nghiên cứu mà có. Phần lớn các thành tựu họ đạt được đều dựa trên sự hiểu biết và do nắm bắt nhanh chóng các thành tựu của KHCN hiện đại thì Việt Nam chúng ta, mặc dù đã có nhiều chủ trương phát triển đất nước phải dựa vào kinh tế tri thức, coi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, Chính phủ có nhiều giải pháp triển khai chủ trương trên nhưng kinh tế tri thức vẫn chưa phát triển, sự hiểu biết đủ để vận dụng thành tựu KHCN hiện đại vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước, thậm chí có nước cách đây vài chục năm họ còn thua kém ta. Chúng ta vẫn phát triển kinh tế dựa vào lao động giản đơn và khai thác tài nguyên đến cạn kiệt trong một thời gian dài như vậy. Việt Nam đã tụt hậu nhiều so với nhiều nước, tuy kinh tế Việt Nam vẫn phát triển nhưng còn thiếu bền vững. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và các nước phát triển.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng thực tế đã chứng minh một quốc gia muốn phát triển về KHCN và tăng trưởng kinh tế bền vững thì nhất thiết phải có 2 yếu tố: Một hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh, đẳng cấp quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt, mà lực lượng lao động này phần lớn do chính các trường đại học cung cấp. Nhiệm vụ thật nặng nề nhưng thật vinh quang vì như vậy sự phát triển bền vững của đất nước lại do hệ thống giáo dục đại học quyết định.
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thì cho rằng trường ĐH cần mở rộng cơ hội tiếp cận cho người học. Theo ông Độ, cần tính tới việc không hạn chế đầu vào và không định hướng văn bằng. Mục đích chính khi đi học của người lớn là phục vụ chất lượng công việc tốt hơn chứ không phải văn bằng đơn thuần.
Giải pháp vĩ mô là xóa bệnh thành tích trong giáo dục
Kết luận hội thảo, GS. TS Nguyễn Thị Doan cũng nêu lên các giải pháp mà các đại biểu đóng góp, trong đó phải thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập của người lớn ở tất cả các cấp, ngành mà trước tiên là người đứng đầu. Phải thay đổi nhận thức để tăng cường đầu tư việc học tập cho người lớn nhiều hơn. Đặc biệt, tạo cơ chế và luật hoá thông qua việc sửa đổi luật Giáo dục. Theo bà Doan, tuy luật từ lâu đã đưa vào vấn đề giáo dục thường xuyên nhưng chưa đậm nét, đặc biệt là giáo dục người lớn. Chưa quy định trách nhiệm của người lớn đối với việc học tập là chưa được. Trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc giáo dục cho người lớn là như thế nào? Quyền lợi người học sẽ phải ra sao?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thì cho rằng trường ĐH cần mở rộng cơ hội tiếp cận cho người học |
Bà Doan cũng cho rằng cần phải xem lại nội dung “trách nhiệm UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các trường ĐH trên địa bàn”. “Họ chỉ có thể giao nhiệm vụ cho những trường mà họ thành lập, còn những trường do Bộ thành lập thì không giao được. Trong khi đây mới chính là nơi đào tạo nhân lực cho cả đất nước”.
Đồng thời, theo bà Doan, “cần phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về việc học tập của người lớn cho toàn xã hội thấy tầm quan trọng. Người lớn ở đây chính là những người lãnh đạo đất nước hiện nay, là những người đề ra chủ trương, chính sách và xây dựng luật pháp hiện nay, là những người triển khai luật pháp hiện nay. Nếu người lớn không học, không có trình độ thì đất nước đi xuống là tất yếu”.
Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học cho rằng "cần có giải pháp huy động đội ngũ tri thức, các chuyên gia, các nghệ nhân, những người về hưu đầy kinh nghiệm trong các lĩnh vực, các người tài phục vụ cho việc học tập của người lớn. Đặc biệt, trong các giải pháp cần phải tuyển chọn cho bộ máy lãnh đạo các cấp những người thực tài, có tri thức và tạo động lực cho người học chứ không chỉ dựa trên bằng cấp. Hiện nay chúng ta đang nặng về bằng cấp trong tuyển chọn, không khéo thì lại kích thích người lớn đi học vì bằng cấp, muốn đầy ắp bằng cấp, chứng chỉ để được quy hoạch vào các vị trí. Đây là vấn đề rất khó trong thay đổi tư duy, phải kết hợp giữa thực tế và những đòi hỏi của xã hội để dần dần thay đổi tư duy về việc này. Học vẫn cần có bằng nhưng chỉ trọng bằng cấp mà không chú trọng năng lực thì sẽ làm méo mó người cán bộ”.
Tiếp ý này, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT phải xóa bỏ bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục đào tạo, đi học chỉ để có bằng mà không coi trọng năng lực. Vừa rồi tôi có đi một số trường ở Hà Nội và lắng nghe được chuyện sắp đến kỳ thi thì cô giáo đưa cho học sinh 10 đề văn, 10 đề toán về học thuộc. Sau đó, khi ra đề thì sẽ trúng một trong những đề toán, văn đó. Vậy thì nếu em nào không đi học thêm sẽ bị điểm kém. Tôi đã phản ánh ngay cho lãnh đạo Sở GD-ĐT về thực trạng này ở một số trường cũng tương đối ở Hà Nội. Bệnh thành tích trong giáo dục bao giờ khắc phục được thì trách nhiệm phải do các thầy cô trong lĩnh vực giáo dục. Khắc phục bệnh thành tích chính là giải pháp vĩ mô”.
Tác giả: Lê Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí