Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ kháng cáo theo quy định để các quy định của pháp luật được thực thi, bảo vệ kỷ cương trong giáo dục, bảo vệ chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục và đạo đức Nhà giáo.
Đó là thông tin mà Bộ GD&ĐT phát tới báo chí vào chiều tối ngày 14/12, sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ông Hoàng Xuân Quế kiện quyết định hủy bằng tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Sáng 14/12, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã chính thức tuyên hủy quyết định 4674/QĐ-BGĐT ngày 11/10/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Sau khi nghị án, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội – ông Hoàng Chí Nguyện tuyên án: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định 4674 ngày 11/10/2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là trái quy định của pháp luật.
Tuyên hủy Quyết định 4674 ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thu hồi bằng tiến sĩ ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế.
Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.
Phiên tòa xét xử vụ Tiến sĩ Hoàng Xuân Quế kiện Bộ GD&ĐT |
Trong thông cáo gửi tới báo chí chiều tối ngày 14/12, Bộ GD&ĐT giải thích, ngày 11/4/2013 Bộ đã ký quyết định 4674/QĐ-BGDDT thu hồi bằng TS ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế. Ngày 28/10/2013, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (khi đó là Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) ra tòa hành chính Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.
Từ 2013 tới nay, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã nhiều lần dừng, hoãn phiên toà, tạm đình chỉ vụ án; trong đó, một số lần không đúng quy định tổ tụng, để vụ án kéo dài 5 năm, trái quy định về tố tụng hành chính.
Mức độ sao chép rất nghiêm trọng?
Nói về hành vi sao chép luận án của ông Hoàng Xuân Quế với luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, Bộ GD&ĐT cho rằng, qua đối chiếu cuốn luận án tiến sĩ: “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” của ông Hoàng Xuân Quế (bảo vệ năm 2003), với cuốn luận án tiến sĩ: “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” của ông Mai Thanh Quế (bảo vệ năm 2002 - cả hai cuốn cùng được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia).
Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT xác định: Mức độ sao chép (hoàn toàn giống nhau về nội dung) giữa cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế với cuốn luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế là 52,5 trang/159 trang; cụ thể: Chương I sao chép 17 trang/ 54 trang; chương II sao chép 6,5 trang/ 61 trang; chương III sao chép 29 trang/ 44 trang.
Trong phần “Tài liệu tham khảo” cuối cuốn luận án, ông Hoàng Xuân Quế hoàn toàn không nhắc tới cuốn luận án tiến sĩ “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường” của ông Mai Thanh Quế.
Như vậy hành vi sao chép của ông Hoàng Xuân Quế là rất rõ ràng, mức độ sao chép rất nghiêm trọng.
Bộ GD&ĐT thông tin, cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế tại Thư viện Quốc gia mà Bộ GD&ĐT đang thu giữ, chính là cuốn luận án đã được ông Hoàng Xuân Quế sử dụng để bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước ngày 26/10/2003.
Cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia được cơ quan này tiếp nhận, lưu giữ theo đúng quy định của pháp luật. Thư viện Quốc gia đã đóng dấu tại trang bìa phụ và trang 17 cuốn luận án; đã cấp “Giấy biên nhận” cho ông Hoàng Xuân Quế để ông Quế nộp cho Bộ GD&ĐT. Không có căn cứ để cho rằng cuốn luận án tiến sĩ này đã bị ai đó “đánh tráo” như ông Quế đã từng nói.
Kết quả xác minh của Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT cho thấy, nội dung cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia hoàn toàn trùng khớp, phù hợp với các tài liệu khác của ông Hoàng Xuân Quế:
Thứ nhất, Trùng khớp với cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ tại Thư viện Đại học Kinh tế quốc dân; thứ hai,Trùng khớp với cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh; thứ ba, trung khớp với nội dung trong cuốn sách “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Hoàng Xuân Quế, (Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội xuất bản năm 2004).
Với những sự trùng khớp như vậy, không có căn cứ để cho rằng cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia là do ông Hoàng Xuân Quế “nộp nhầm”, không phải là cuốn luận án tiến sĩ đã được ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ năm 2003.
Bộ thu thập được 3 cuốn luận án gốc
Về ba cuốn luận án được Bộ GDĐT sử dụng làm căn cứ đối chiếu, so sánh nội dung sao chép là 03 cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế được lưu giữ chính thức theo đúng tiến trình đào tạo, cấp bằng tại các địa chỉ: Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD (cơ sở đào tạo) và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Bộ GD&ĐT cho rằng, cuốn Luận án nộp tại Thư viện Quốc gia là cuốn Luận án theo quy định phải lưu giữ bắt buộc sau khi NCS bảo vệ xong Luận án tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước để được cấp bằng tiến sỹ.
Các cuốn luận án gốc nêu trên đã được Bộ GDĐT thu thập và lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ vụ việc, khi thu nhận các quyển luận án để làm căn cứ đối chiếu nội dung sao chép đều có đầy đủ biên bản và xác nhận của các Thư viện.
Về chữ ký tại Lời cam đoan trên các quyển luận án, Bộ GD&ĐT cho rằng, tại thời điểm 2003 khi ông Quế bảo vệ luận án, không có quy định nào bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký vào Lời cam đoan.
Phần hướng dẫn về cách trình bày đối với một luận án tiến sĩ theo Công văn số 8217/SĐH ngày 01/9/2000 có nội dung mô tả mẫu bố cục của Luận án qua trang Mục lục trong đó phần Lời cam đoan được bố trí sau trang bìa phụ của luận án, không quy định về việc nghiên cứu sinh phải ký vào Lời cam đoan (Quy chế đào tạo sau đại học ban hành theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/6/2000 và Quy chế tiến sỹ hiện hành đều không quy định bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký tên vào phần lời cam đoan của luận án).
Vì không có quy định bắt buộc nên thực tế có rất nhiều trường hợp không ký tên vào Lời cam đoan khi nộp luận án cho Thư viện.
Bộ GD&ĐT cho biết, tại biên bản làm việc với Lãnh đạo Thư viện Quốc gia vào ngày 30/9/2013, Thư viện quốc gia khẳng định: Quy trình thu nhận luận án tiến sĩ tại Thư viện quốc gia vào thời điểm 2002-2003 không có quy định bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký vào lời cam đoan của cuốn luận án khi nộp cho Thư viện. Do đó Thư viện không kiểm soát chữ ký của nghiên cứu sinh vào lời cam đoan của luận án khi tiến hành thu nhận.
Khi kiểm tra xác suất 12 cuốn luận án tiến sĩ lưu tại kho của Thư viện Quốc gia, tại thời điểm năm 2002, 2003, 2004 cho thấy có đến 05/12 cuốn luận án nghiên cứu sinh không ký vào phần Lời cam đoan (trong đó có cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế và cả luận án của ông Mai Thanh Quế). Kiểm tra xác suất 10 cuốn lưu tại Thư viện Trường KTQD vào thời điểm 2002-2004 có 5/10 cuốn không có chữ ký của nghiên cứu sinh vào Lời cam đoan.
Như vậy, Bộ GD&ĐT khẳng định: Việc không có chữ ký của nghiên cứu sinh vào phần Lời cam đoan của luận án không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của cuốn luận án. Ba cuốn luận án nêu trên có tính pháp lý đầy đủ vì đều được tiếp nhận, lưu giữ trên cơ sở quy định của pháp luật và do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý.
Các cuốn luận án mà Bộ dùng làm căn cứ đối chiếu, kết luận sao chép nêu trên còn trùng với nội dung cuốn sách “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” do một mình ông Hoàng Xuân Quế đứng tên tác giả, xuất bản năm 2004. Những nội dung bị tố cáo sao chép trong luận án cũng được sử dụng trong cuốn sách này.
Vì vậy, không thể phủ nhận 3 cuốn luận án đang được lưu giữ chính thức tại các thư viện nêu trên là của ông Hoàng Xuân Quế.
Cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế nộp lại không có cơ sở pháp lý
Về 03 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế nộp lại và khẳng định là bản chính thức được dùng để bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước ngày 26/10/2003, Bộ GDĐT cho rằng, đã xem xét nhận thấy nhiều điểm không đúng quy định: Hai cuốn bìa mềm, một cuốn bìa cứng trong khi quy định bắt buộc phải đóng bìa cứng; 03 cuốn LATS này không bảo đảm tính pháp lý (việc lưu giữ tại nhà các thành viên hội đồng chấm luận án là không bắt buộc theo quy định pháp luật) và phương pháp thu thập không bảo đảm tính khách quan.
Hội đồng chấm luận án đã giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ và không ai quy định Hội đồng phải lưu giữ luận án. Vì vậy, những cuốn luận án “được xin lại” từ thành viên hội đồng một cách không khách quan, với hình thức không đồng nhất, không đúng quy định. Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã khẳng định, những chỗ bị tố cáo sao chép là font chữ Times new Roman không phải là căn cứ để giải quyết tố cáo.
Thu hồi bằng tiến sĩ đúng thẩm quyền?
Bộ GD&ĐT khẳng định: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thụ lý giải quyết Đơn tố cáo của công dân đối với ông Hoàng Xuân Quế, và ký ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, là hoàn toàn đúng thẩm quyền, theo quy định tại Luật Tố cáo; khoản 7 Điều 6 và khoản 1 Điều 12 Quy định Quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ/BGDĐT ngày 26/12/2002 (viết tắt là Quy định Văn bằng, chứng chỉ); điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 22 Quy chế Văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (viết tắt là Quy chế Văn bằng, chứng chỉ).
Bộ GD&ĐT cho rằng, đây là công việc phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, hoàn toàn vì sự nghiệp giáo dục đào tạo chung của đất nước.
Bên cạnh đó, việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế còn cảnh báo, nhằm ngăn chặn những hành vi gian lận, tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch trong đánh giá chất lượng giáo dục.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí