Giáo dục

Bổ nhiệm Hội đồng giáo sư: Cần người liêm chính, khả tín để loại bỏ thói háo danh

Xã hội và cộng đồng khoa học đang mong đợi sự ra đời của Hội đồng giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2019-2023 theo tiêu chuẩn đã được Chính phủ qui định trong Quyết định 37. Vậy, làm thế nào để chọn được các Hội đồng Giáo sư có uy tín khoa học, tự trọng và trách nhiệm?

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Đức Viên, nguyên là Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước ngành nông - lâm nghiệp.

Chấm dứt tình trạng “giáo sư suốt đời”

Thưa giáo sư, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 về qui định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (QĐ37) mà Thủ tướng vừa ban hành, giáo sư tâm đắc nhất về những quy định nào và còn băn khoăn gì nữa không?

Quyết định 37 đã đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của giới “học thuật” nước nhà, của xã hội, không còn lạc lõng với thế giới nữa.

Người ta mừng vì chất lượng GS,PGS của chúng ta - lực lượng rường cột của nền GD&ĐT và KH&CN nước nhà - rồi sẽ được nâng lên một bước, đã được ‘quốc tế hóa’ đáng kể. Ví dụ:

Về tiêu chuẩn, chúng ta đã lấy năng lực nghiên cứu khoa học và năng suất khoa học của đội ngũ các nhà giáo cao cấp trong môi trường đại học (GS,PGS) thông qua các “thước đo” quốc tế (công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín) làm tiêu chí hàng đầu.

Thủ tục cũng qui chuẩn hơn, như nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh là 5 năm, chấm dứt tình trạng “giáo sư suốt đời”; cứ 5 năm các chức danh này lại được rà soát, đánh giá lại một lần, nghĩa là “có vào có ra”; tiêu chuẩn, điều kiện cũng được áp dụng linh hoạt, không còn tỷ mẩn lẫn lộn giữa điều kiện cần và điều kiện đủ như trước (chỉ cần 1 điều kiện, tiêu chuẩn “cứng” nào đó không đủ là ứng viên bị gạt ra khỏi “cuộc chơi”). Nay, các tiêu chuẩn, điều kiện đã có thể hoán chuyển cho nhau (thiếu điều kiện này thì có thể “bù” bằng tiêu chuẩn khác).

Bên cạnh đó, người thẩm định hồ sơ và kết quả thẩm định sẽ được công khai sau khi HDGSNN công bố kết quả đạt chức danh GS, PGS (không còn ai ‘ném đá giấu tay’ hay ‘gắp lửa bỏ tay người’, tất cả đều là người tử tế và đàng hoàng). Đó là những bước tiến đáng kể trong hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quyết định của Thủ tướng không thể cặn kẽ, cụ thể và bao phủ được hết những vấn đề mang tính kĩ thuật của việc xét chọn, bổ nhiệm nên đâu đó vẫn còn những băn khoăn và âu lo. Nhưng người ta tin là “Tài liệu hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS,PGS” (Tài liệu hướng dẫn) của HĐGSNN sắp ban hành sẽ giải tỏa được phần lớn những âu lo và băn khoăn ấy.

Theo tôi, có 3 vấn đề dư luận quan tâm nhiều, đó là: chất lượng Hội đồng, tức là trình độ và phẩm chất của các vị thành viên Hội đồng các cấp; chất lượng/tiêu chuẩn của ứng viên; và tiến trình hội nhập quốc tế của việc xét và bổ nhiệm các chức danh cao quí này.

GS.TS Trần Đức Viên

Thành viên Hội đồng: Phải là những con người tự trọng và trách nhiệm

Trong 3 vấn đề mà GS vừa nên thì vấn đề chất lượng Hội đồng, trình độ và phẩm chất của các vị thành viên Hội đồng các cấp có lẽ sẽ được quan tâm nhiều nhất vì họ là người “cầm cân nảy mực” xét để đưa ra một đội ngũ GS,PGS có chất lượng. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, có ý kiến nói về chất lượng một số thành viên Hội đồng không những yếu về chuyên môn mà còn cả về tư cách. Vậy, trong đợt bầu chọn Hội đồng theo quy định mới này, theo GS, những người đứng trong Hội đồng xét duyệt chức danh GS,PGS phải là người có phẩm chất và năng lực như thế nào?

Hội đồng thế nào thì chất lượng đội ngũ GS, PGS thế ấy, vì “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”; phẩm chất và năng lực của các vị cầm cân nảy mực này thế nào thì phẩm chất và năng lực của đội ngũ các GS, PGS của đất nước trong những năm tới sẽ theo đó mà ‘tròn’ hay ‘dài’ theo.

Tiêu chuẩn và điều kiện thành viên Hội đồng đã không chuẩn mực thì các quy định về tiêu chuẩn ứng viên có nâng cao thêm, hay quy trình xét duyệt có chặt chẽ đến mấy cũng ít có ý nghĩa thực sự trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ GS,PGS của nước nhà.

Vì vậy, cùng với việc nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện của các ứng viên, một việc tất yếu rất hệ trọng, mang tính quyết định là phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín khoa học của các thành viên Hội đồng cũng phải được nâng cao tương ứng, tương tự như cách Bộ GD&ĐT đã làm khi đưa ra chuẩn tiến sỹ mới, chất lượng tiến sĩ nâng lên thì đương nhiên chất lượng của người hướng dẫn, của Hội đồng cũng phải được nâng cao theo.

Xã hội đang kỳ vọng các quy định mới sẽ nâng cao chất lượng Hội đồng các cấp theo hướng tiệm cận dần với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, trong đó công bố quốc tế là tiêu chí hàng đầu; cùng với đó là đạo đức khoa học, đạo đức nhà giáo của các vị thành viên Hội đồng, trước hết đó phải là những con người tự trọng và trách nhiệm; nhờ thế, sẽ có được các Hội đồng liêm chính, khách quan, trung thực và khả tín.

Những năm qua, chúng ta đã có nhiều vị thành viên Hội đồng đáng kính, nhờ thế, chúng ta cũng đã có không ít Hội đồng xứng đáng với lòng tin và sự kính trọng của xã hội.

Nhưng vẫn còn đâu đó, khi âm ỉ lúc râm ran, những lời đàm tiếu, chê bai, những bức xúc không đáng có về trình độ Hội đồng này, về tư cách Hội đồng kia.

Tôi nhớ, đã có thời, khi đội ngũ các nhà khoa học còn rất mỏng, chúng ta đã có Hội đồng chức danh liên ngành khá rộng, như ‘khoa học xã hội’ gồm nhiều bộ môn khoa học khác nhau như sử, ngôn ngữ, triết, văn học, âm nhạc, khảo cổ, hội họa... , các Hội đồng liên ngành khác cũng không hơn gì, thế mà các Hội đồng ngày ấy vẫn làm được nhiều việc lớn cho đất nước, vẫn được xã hội kính trọng và ngưỡng mộ, đã để lại tiếng thơm cho hậu thế.

Suy cho cùng, các Hội đồng bình xét chức danh GS, PGS các cấp cũng chỉ là một tổ chức kiểu “peer review comittees”, nên những người cầm cân nảy mực (thành viên Hội đồng) phải là những người có thành tích chuyên môn và năng suất khoa học thấp nhất cũng phải bằng các ứng viên.

Đồng thời, họ còn phải là những nhà giáo, nhà khoa học có tư cách và phẩm chất được các nhà khoa học cùng chuyên môn ngưỡng mộ và kính trọng, phải thực sự là tấm gương sáng để các ứng viên và cộng đồng khoa học học tập và noi theo.

Tránh các “sư” rởm chui vào Hội đồng

Vậy làm thế nào để kiểm tra được độ uy tín khoa học của các thành viên hội đồng, thưa giáo sư?

Đối với ứng viên thì đưa ra tiêu chuẩn này, điều kiện kia rất cụ thể, còn tiêu chuẩn và điều kiện của các vị thành viên Hội đồng thì lại chung chung, kiểu như “có uy tín chuyên môn khoa học cao”, rất khó định lượng, thế nào là cao, thế nào là không cao, đo đếm thế nào... Rồi thì “có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, hoặc là xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 5 năm liền kề...; vậy thế nào là NXB (trong nước) có uy tín?.

Tôi nghĩ, qui định tù mù thế này là tạo ra “lối thoát hiểm” cho các nhà khoa học “chất lượng thấp”, các “sư” rởm chui vào Hội đồng.

Nên chăng công bố của NXB ấy phải có tên trong amazon.com. Nếu không, từ nay đến khi Thủ tướng Chính phủ thành lập HDCDGSNN và các Hội đồng ngành/liên ngành sẽ có không ít ‘nhà khoa học’ xuất bản sách theo kiểu “chạy lụt”.

Rồi nữa, hồ sơ các ứng viên phải được công khai trên websites của các cấp Hội đồng (Mục 3 Điều 11), còn Lý lịch khoa học của các vị trong Hội đồng các cấp thì không cần công khai trên websites của các cấp Hội đồng sao?

Đây là điểm yếu cốt tử trong minh bạch thông tin và công khai hóa hoạt động khoa học của các nhà khoa học (tất nhiên là không kể các công bố thực sự là bí mật quốc gia, và cả bí mật đời tư nữa).

Còn lý sự kiểu “huấn luyện viên không cần đá bóng giỏi như cầu thủ nhưng vẫn có thể làm huấn luyện viên” để biện minh cho qui định này thì hãy để cho xã hội và các nhà khoa học bình luận.

Nhưng rõ ràng là, ‘Tài liệu hướng dẫn’ cần chấm dứt hiện trạng tù mù, bất công và bất hợp lý này, trả lại sự công bằng, minh bạch cho cả Thày (Hội đồng) và Trò (ứng viên), không nên làm xã hội nghi ngờ và cộng đồng các nhà khoa học ko tâm phục khẩu phục vì những qui định như thế.

Thêm nữa, các vị này không thể chỉ cần có công bố trong 5 năm liền kề, mà còn cần có thành tựu khoa học và năng suất khoa học trong suốt quá trình hoạt động khoa học của họ cho đến khi có tên trong danh sách Hội đồng.

Lý lịch khoa học của các vị trong Hội đồng, cũng như hồ sơ của các ứng viên, nhất thiết phải được công khai trên mạng cùng với các đường links dẫn đến các công trình và công bố khoa học của họ.

Cũng cần qui định tiêu chuẩn và điều kiện tối thiểu để có thể tham gia Hội đồng, ngoài các qui định về sức khỏe và đạo đức, còn các qui định về chuyên môn phải rõ ràng, ví dụ như cần phải có tối thiểu bao nhiêu công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học có chỉ số (10, 20 hay 50 bài?) và chỉ số H của họ cho đến thời điểm được bổ nhiệm vào Hội đồng là bao nhiêu (5, 10, 15 hay 20?).

H-index là một chỉ số hội nhập quốc tế của khoa học Việt Nam, không nên lảng tránh chỉ số này mãi, vì nó chứa đựng được cả hai thông tin: số lượng (số các bài báo được công bố) và chất lượng, tầm ảnh hưởng (số lần được các nhà khoa học khác trích dẫn) của hoạt động khoa học, rất cần được bổ sung vào lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng, nếu chúng ta thực sự muốn hội nhập quốc tế về KH&CN, về GD&DT, nếu chúng ta muốn các Hội đồng của chúng ta được cộng đồng khoa học trong nước và quốc thừa nhận và tôn trọng.

Bổ nhiệm chức danh GS,PGS năm 2017 của trường ĐH Thương Mại

Nên xây dựng cơ sở dữ liệu database để loại bỏ các bài báo ngụy tạo, bài báo fake

Như giáo sư phân tích trên, tôi nghĩ người ta tin là, những Hội đồng đáng kính ấy sẽ góp phần quan trọng vào việc loại bỏ dần thói háo danh và hư danh, thói khoa trương và gian dối của “một bộ phận không nhỏ” các nhà giáo, nhà khoa học trong cộng đồng khoa học nước nhà. Tuy nhiên, để nâng cao tính minh bạch, tính liêm chính và khả tín của Hội đồng chức danh các cấp thì Bộ GD&ĐT cần phải làm thế nào để chọn ra các thành viên Hội đồng GS nhà nước đáng tin cậy?

Một trong các việc “cần làm ngay” của HĐGSNN và của Bộ GD&ĐT là xây dựng càng sớm càng tốt cơ sở dữ liệu (database) về thành tựu và năng suất khoa học của các nhà khoa học VN (tiến sỹ, GS, PGS), để chọn ra các thành viên Hội đồng và các nhà thẩm định hồ sơ ứng viên ‘tiềm năng’, có lẽ số lượng cũng chỉ khoảng vài ba trăm người.

Công việc này không tốn thời gian và tiền bạc, nếu biết kết hợp với Cục Thông tin KH&CN quốc gia của Bộ KH&CN. Đây là "ngân hàng" nhân lực bổ sung cho các Hội đồng.

Vì vậy, cùng với các chức năng và nhiệm vụ mang tính hành chính của HĐCDGSNN được qui định tại Điều 14 (hướng dẫn hoạt động của các hội đồng, thu nhận báo cáo, xét và thông qua danh sách ứng viên, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo....), thì rất cần được bổ sung thêm các nhiệm vụ mang tính chuyên môn, học thuật.

Về khía cạnh này, nên chăng HĐGSNN có các nhiệm vụ và chức năng chủ yếu sau:

Thứ nhất, Biên soạn dự thảo các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bình duyệt, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS tiệm cận dần với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê chuẩn.

Thứ hai, Tư vấn, giám sát, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn các HĐCS và HĐ ngành, liên ngành;

Thứ ba, Thành lập và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (database) về nhân lực KHCN (GS, PGS, TS) trong đó công khai các công bố trong và ngoài nước, lý lịch KH của các GS,PGS, tiến sỹ (đang làm việc và đã nghỉ hưu) kiểu như ResearchGate đang làm; thống kê năng suất khoa học của các hội đồng chức danh, của các cơ sở đào tạo và NCKH, và công bố công khai trên mạng.

Đây là một cách để từng ngành, chuyên ngành, từng cơ sở giáo dục đại học, từng viện nghiên cứu biết họ đang ở đâu trên "bản đồ học thuật thế giới.

Hoạt động này còn nhằm loại bỏ các bài báo ngụy tạo, bài báo fake (không ít); nhờ thế, chúng ta minh bạch hóa được năng suất khoa học, cũng như dữ liệu khoa học của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có các vị thành viên Hội đồng và các ứng viên GS,PGS trong tương lai.

Thứ tư, Cùng các cơ sơ giáo dục đại học, các viện nghiên cứu xây dựng các tạp chí khoa học quốc gia của các chuyên ngành KH để các tạp chí ấy tiệm cận dần và từng bước đứng vào hàng ngũ các tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI và Scopus; bước đầu, mỗi chuyên ngành chỉ nên chọn 1 tạp chí có tiềm năng nhất.

Lấy năng xuất khoa học, uy tín chuyên môn, đạo đức... làm trọng

Có một vấn đề này, giáo sư có thể chia sẻ, đó là về độ tuổi của các thành viên Hội đồng như thế nào? Vì nhiều ý kiến cho rằng, có thành viên Hội đồng, độ tuổi cao không khó có thể nghiên cứu, xét duyệt hồ sơ cho ứng viên.

Hoạt động đào tạo và NCKH là một lĩnh vực riêng, mang tính sáng tạo và học thuật cao, rất cần có “khoảng trời riêng” cho hoạt động chuyên môn, cho công tác tổ chức và nhân sự, tài chính và đầu tư và các vấn đề có liên quan khác.

Sẽ là “đầu ngô mình sở” nếu mang các qui định và chuẩn mực của các cơ quan hành chính, cơ quan quản lý nhà nước lại được mang áp dụng vào tổ chức và hoạt động của một tổ chức tư vấn học thuật, thuần túy về chuyên môn như HĐGS các cấp.

Những chuyện như quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, tuổi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo quản lý (đặc biệt là các vị trong thường trực HĐGSNN như chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký) phải lấy năng suất khoa học, uy tín chuyên môn, tầm ảnh hưởng, sức khỏe về thể chất và tinh thần, phẩm chất đạo đức... làm trọng.

Không nên dùng tuổi lãnh đạo, quản lý được qui định trong Luật Lao động để “cưa đều” mọi người, ai cũng như ai, vừa không biện chứng, vừa không thực tế, vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế, vì đã khiên cưỡng hành chính hóa một tổ chức tư vấn học thuật, mà nên áp dụng qui định tuổi quản lý cho các nhà khoa học theo tinh thần của Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ như đã được áp dụng cho các nhiệm kỳ trước của Hội đồng, và đã được xã hội và cộng đồng các nhà KH đồng thuận và ủng hộ.

Thực hiện điều đó chính là góp phần cho việc hiện thực hóa Khoản 7 Điều 12 về Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học trong Luật GD ĐH (sửa đổi, bổ sung) vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/11 vừa qua và sẽ có hiệu lực pháp lý từ ngày 01/7/2019 sắp tới.

Xã hội và cộng đồng khoa học cũng đang mong đợi sự ra đời của HĐGSNN nhiệm kỳ 2019-2023; vì trên thực tế, Hội đồng nhiệm kỳ 2014-2019 (được thành lập theo tinh thần của QĐ174 của Thủ tướng Chính phủ) đã không còn tồn tại do không còn phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn đã được Chính phủ qui định trong QĐ37.

Tôi cũng đang có tiên đoán rằng, chỉ cần Thủ tướng Chính phủ công bố danh sách Thường trực HĐGSNN là giới khoa học sẽ rào rào mở máy tính (thời đại 4.0 mà) "search" vào google scholar, sciencedirect, ISI, Scopus hay researchgate để biết các vị đức cao vọng trọng này là ai rồi, có muốn "trốn" cũng không thể.

Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP