“Ca bệnh của bác Hiệu thật sự rất nặng và nan giải. Bệnh nhân bị phồng nóc động mạch chủ type 3, phải mổ cấp cứu, đặt stent tốn mấy trăm triệu. Mổ xong, bệnh nhân bị biến chứng thần kinh nên yếu nửa người và liệt cơ hoành dẫn đến vấn đề cai máy thở rất khó khăn. Tiếp nữa bệnh nhân bị viêm xương ức nên phải tiếp tục thở máy. Sau đợt mổ tim, vì những biến chứng mà bệnh nhân tiếp tục mổ thêm 2 lần nữa khiến thể trạng càng yếu hơn.
Bị phồng nóc động mạch chủ type 3, bác Hiệu đến viện trong tình trạng phải mổ cấp cứu. |
Điều mà chúng tôi rất trăn trở là khi bắt đầu mổ, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và tha thiết được cứu sống. Với tình trạng hiện tại bệnh nhân sẽ còn phải kéo dài nằm hồi sức cả tháng nữa mà gia đình cố được đến giờ cũng là quá sức lắm rồi, nếu cho bệnh nhân về lúc này thì một điều chắc chắn là bác ấy sẽ chết”.
Sự sống của bác đang rất nguy kịch, phụ thuộc vào thuốc kháng sinh và chất dinh dưỡng trong khi gia đình đã kiệt quệ lắm rồi. |
Những lời tâm sự của Ths. BS Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng khoa Hồi sức Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E Hà Nội về ca bệnh của bác Phạm Xuân Hiệu (khu 6, thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Trở vào thăm bác, dù đang phải nhờ sự trợ giúp của các loại máy móc nhưng bác tỉnh và biết. Khẽ động viên bác phải cố gắng lên, dòng nước mắt của bác trào ra khiến chúng tôi cũng nghèn nghẹn. Bác không nói được bởi ở miệng cũng đang phải cắm ống thở nhưng cái khao khát được sống luôn thường trực như những ngày khó khăn vừa qua bác đã kiên cường chiến đấu.
Bác đã trải qua 3 ca mổ trong thời gian ngắn tại Trung tâm tim mạch, bệnh viện E. |
“Ở nhà bố anh bị ho đơn giản thôi em ơi, anh vẫn nghĩ chắc thời tiết lạnh thì ông ho hắng thế thôi chứ có biết là ông bị bệnh tim đâu. Mà lúc ông ho ông còn giấu vì ông sợ tốn tiền đi bệnh viện. Khi mà ông không chịu được nữa rồi thì mới nói với con cháu, khi đó anh đưa bố đến viện thì bác sĩ bảo phải mổ ngay nếu không bố anh chết mất. Trước khi lên bàn mổ, bố anh còn tỉnh lắm, ông nắm chặt tay anh và có hứa với con cháu rằng bố sẽ khỏe mạnh để trở về”.
Vừa cúi gằm mặt, anh Chương vừa tâm sự về bố khi cũng đã kiên trì cố gắng suốt thời gian qua. Số tiền điều trị cho bố tốn kém, anh bảo bản thân mình cũng chẳng lo được gì bởi công việc đồng áng không có thu nhập. Ông may mắn có được người con rể tốt nên mọi việc một tay em rể cáng đáng nhưng đến thời điểm này thì cũng đã kiệt quệ, không thể vay mượn thêm được nữa mà việc điều trị của ông thì kéo dài. Bỏ cuộc lúc này là mọi việc sẽ đổ sông, đổ bể hết mà cố bước tiếp lại là một điều không thể.
Để cứu tính mạng của bố, các con bác đã cùng đường rồi. |
“Bố không thể chết được, mà cứu bố thì anh không biết bấu víu vào ai cả”- Đến lúc này thì anh Chương bật khóc thật sự bởi mọi cảm xúc đều vỡ òa. Cả cuộc đời sống vất vả, tằn tiện vì con vì cháu, đến thời điểm này bố lại đang phải vật lộn trong phòng cấp cứu để giành giật lấy sự sống trong sự bất lực của chính những đứa con. Là vì các anh nghèo quá, chẳng thể nào cố được tiếp chứ chữ “Hiếu” vẫn nặng trịch trên đầu. Nhìn bố, đứng ở bên ngoài, anh Chương chỉ biết ngậm ngùi khóc và tủi, anh giận bản thân mình kém cỏi chẳng thể cố thêm được nữa.
Ánh mắt khao khát sự sống của bác Hiệu nhìn chúng tôi như một điều ám ảnh. |
Đứng lặng thăm bác một chút, chúng tôi cũng xin phép ra ngoài nhưng có 1 điều ám ảnh mãi không thôi đó chính là ánh mắt bác nhìn trong hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài xuống má. Bác chưa thể nói, cũng không thể bật thành tiếng cầu xin sự giúp đỡ nhưng cái khao khát sống ấy mạnh liệt lắm. Bác đã đi một đoạn đường đầy khó khăn và thử thách, xin hãy đồng hành để bác được trở về nhà khỏe mạnh, kịp đón cái Tết đoàn viên sum vầy với con cháu.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bác Phạm Xuân Hiệu (Khu 6, thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) Số ĐT: 0973.266.109 (Số ĐT của anh Chương là con trai bác Hiệu) Hiện bác Hiệu đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Trung tâm tim mạch, bệnh viện E. |
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn tin: Báo Dân trí