Làm việc với Bộ trưởng và đoàn công tác về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Uỷ viên DKTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các trường: Đại học Vinh, Y khoa Vinh, Kinh tế Nghệ An…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại buổi làm việc. |
Giới thiệu một số nét cơ bản của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chia sẻ: NQ 26 của Bộ Chính trị đã định hướng phát triển giáo dục đào tạo Nghệ An trở thành một trong 10 lĩnh vực trung tâm của vùng Bắc Trung bộ. Thời gian qua, giáo dục mũi nhọn Nghệ An tiếp tục đứng tốp đầu cả nước; giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến. Tỉnh đã chú trọng xây dựng các mô hình mới, định hướng xã hội học tập. Tuy vậy, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn…Nghệ An mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Bộ trưởng, giúp cho tỉnh có định hướng, biện pháp, giải pháp, kế hoạch để lĩnh vực giáo dục đào tạo của tỉnh có bước phát triển mới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Thế mạnh lớn nhất của Nghệ An là nguồn lực con người. Buổi làm việc hôm nay là để Bộ và tỉnh cũng như các trường Đại học trên địa bàn phối hợp, thống nhất kế hoạch, chương trình hành động trong thời gian tới. Để vừa giải quyết những vướng mắc, khó khăn lâu nay về mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, tập hợp học sinh ở các huyện miền núi, Bộ trưởng gợi ý: tỉnh nên xây dựng đề án cho 5 năm tới. Trong đó, rà soát, đánh giá chính xác sẽ cần đầu tư bao nhiêu cơ sở bán trú, đội ngũ giáo viên giảng dạy…từ đó kêu gọi xã hội hóa thì sẽ cơ bản giải quyết được gánh nặng cho ngân sách vốn đang gặp nhiều khó khăn. Để làm được điều này cần minh bạch, công khai.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: tiền, cơ chế chính sách không phải là bài toán đầu tiên cần giải mà phải là nguồn nhân lực. Theo đó, phải tính toán: để phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thì 5 năm, 10 năm tới nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương là thế nào? Tỉnh có thể đặt hàng nguồn nhân lực Y tế, nhân lực khoa học kỹ thuật cao, nguồn nhân lực sư phạm…Trường Đại học Vinh sẽ đảm nhận vai trò trung tâm và phối hợp với các trường khác trên địa bàn trở thành tổ hợp đào tạo cho tỉnh theo dự báo và nhu cầu phát triển.
Tác giả: Xuân Hướng – Cảnh Toàn
Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An