Tin trong tỉnh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến ngành Tài chính

Thực hiện quy định pháp luật về hoạt động giám sát, Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, ngày 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 về 2 lĩnh vực tài chính và ngoại giao.

Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng và kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Tham dự phiên chất vấn về phía Quốc hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm ở Trung ương, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, các đồng chí Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà quốc hội, về phía khách mời có đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên chất vấn. Tham dự phiên chất vấn có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Nghệ An

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung chủ trì điểm cầu

Thẳng thắn làm rõ các vấn đề

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần này được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin và đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rà soát phạm vi chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 và các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn tạo điều kiện cho tất cả các Bộ trưởng đều được tham gia trả lời chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rõ ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm mang tính xây dựng cao theo quy định, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn không quá một phút; thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Đồng thời, đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất căn cơ lâu dài đối với từng nội dung được chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, lĩnh vực quản lý đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Theo đó, trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; Việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với thực tiễn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời các nội dung chất vấn (ảnh Cổng TTĐT Quốc hội)

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 3 năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ thực hiện chính sách tài chính hiệu quả, trong đó thu ngân sách mặc dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức cao, nợ công giảm, chỉ số CPI đạt được mục tiêu đề ra, cân đối tài chính được giữ vững, kiểm soát hiệu quả xuất nhập khẩu để phát hiện kịp thời hàng cấm vào nội địa... Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, trong quá trình phát triển, luật pháp từng bước hoàn thiện, quy trình quản lý còn một số kẽ hở, Bộ trưởng mong đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để hoàn thiện quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính.

Đặt câu hỏi chất, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay tình trạng người mua bảo hiểm được chào mời với chiết khấu cao, có tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức… điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm. Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi về việc chèo kéo trong bán hợp đồng bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm. Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Đồng thời cũng có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm này?

Về bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay có 19 công ty bảo hiểm và chỉ có 2 công ty bảo hiểm trong nước và 17 công ty bảo hiểm liên doanh và nước ngoài. Việc hoạt động chủ yếu do đại lý và nhân viên ở trong nước thực hiện, khi liên kết bán qua ngân hàng có thể do hành vi của nhân viên ngân hàng, cũng chưa xác định rõ vai trò của các Chủ tịch, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, cũng có thể do bảo hiểm liên kết để hưởng chi phí dịch vụ. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, vai trò thanh tra, kiểm tra còn thiếu về định hướng, quản lý dẫn tới tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ xây dựng quy trình thanh tra kiểm tra để đảm bảo đúng quy định...

Siết chặt quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, thẩm định giá

Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo báo cáo, cả nước hiện nay có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp có sai sót, tiêu cực… Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ giải pháp giải quyết tình trạng trên? Bên cạnh đó, đại biểu Hòa cũng đề nghị Bộ Trưởng đưa ra những giải pháp chấn chỉnh tình trạng hàng hóa cấm trót lọt qua cửa hải quan?

Trả lời câu hỏi về vấn đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự. Theo Bộ trưởng, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: Năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai. Về công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Đảng, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên, đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt quản lý của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua cho thấy, các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế mà trong các vụ án sai phạm vừa qua, vai trò của công ty thẩm định giá cũng rất quan trọng, có trách nhiệm, hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc dìm giá hoặc nâng giá. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua, gia tăng quá nóng các doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm dẫn đến việc không dám làm nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đến đâu trong vấn đề này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá, hơn nữa Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên; những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai. Bộ trưởng lấy ví dụ về giá đất, áp dụng theo phương pháp thặng dư nếu điều tra thì việc thẩm định giá đều sai, bởi tài sản hình thành trong tương lai phải trải qua nhiều bước như lập, phê duyệt thiết kế, lập dự toán nhưng đến khi cơ quan kiểm toán, kiểm tra thì đều chưa đúng quy định. Do vậy, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ cán bộ cố tình làm sai; nếu làm sai thì cần xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự…

Tại phiên chất vấn, nhiều nội dung đã được các đại biểu quốc hội đặt vấn đề: Giải pháp để đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua đường hàng không?. Đánh giá tác động của việc gia tăng doanh thu xổ số kiến thiết đối với tình hình kinh tế - xã hội?. Giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm?. Lộ trình và giải pháp điều chỉnh giá dịch vụ công ích, thủy lợi?. Giải pháp và lộ trình tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục hải quan theo Nghị định 08/2025/NĐ-CP của Chính phủ?. Giải pháp khắc phục việc doanh nghiệp bị đình chỉ và thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tăng nhanh? Giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ?. Phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh khi xác định thuế thu nhập cá nhân…

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tất cả các đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận đã phát biểu, trong đó có 43 đại biểu chất vấn, 4 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và mang tính xây dựng, các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám sát các nội dung chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn tồn tại, hạn chế; ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập trong phạm vi phụ trách.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP