Trong nước

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: 'Sức khỏe tôi bình thường'

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng có mặt tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, và khẳng định sức khỏe bình thường, đã đi làm trở lại.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/5

Sáng 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Ban soạn thảo dự án luật là Bộ KH&ĐT và như thường lệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có mặt tại phiên làm việc này.

Tiếp thu giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Sức khỏe của tôi bình thường và hiện đã đi làm trở lại. Không ai trong đoàn công tác của Bộ bị dương tính với Covid-19. Công việc vẫn được điều hành một cách bình thường, đáp ứng được yêu cầu”.

Bộ trưởng Dũng cho biết, hiện đang tập trung trình Chính phủ về các giải pháp ứng phó với phòng chống dịch bệnh Covid-19, duy trì sản xuất, duy trì tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về Luật Đầu tư sửa đổi, Bộ trưởng khẳng định, đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung và hiện chỉ còn 2 vấn đề lớn. Đối với việc kinh doanh đòi nợ, ông Dũng khẳng định, trên thực tế không có đơn vị nào sử dụng hình thức này một cách lành mạnh, chủ yếu xã hội đen lợi dụng cho vay nặng lãi, ép trả lãi cao, gây mất an ninh trật tự. Mặt khác, những đóng góp của lĩnh vực này cho nền kinh tế cũng không đáng bao nhiêu.

Trước đó, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống Tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.

Một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Về vấn đề này có hai loại ý kiến, trong đó ý kiến thứ nhất: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành và đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Loại ý kiến thứ hai: Giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo ông Thanh, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Ngoài ra, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” còn phải xử lý đối với các doanh nghiệp đã được kinh doanh loại hình này, các hợp đồng dịch vụ đã được ký kết sẽ xử lý như thế nào?

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP