Trong nước

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Từ bỏ quyền lợi, không dễ chịu gì vẫn phải làm”

“Cải cách nghĩa là phải loại bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ của cơ quan, đơn vị, tóm lại là loại bỏ những rào cản. Từ bỏ quyền lợi, không dễ chịu thì cũng phải làm vì đó là nhiệm vụ được giao không thể nói thích hay không” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi.

Theo chương trình dự kiến, hôm nay, 24/6, Chính phủ khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Trong tư tưởng, cán bộ vẫn muốn gặp trực tiếp, làm việc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp mà không loại trừ động cơ liên quand dến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lôi kéo lợi ích…" (ảnh: NB)

Giảm 30% thời lượng họp Chính phủ

- Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) sẽ khai trương trong ngày 24/6 được coi là bước tiến lớn trong kế hoạch thực hiện Chính phủ điện tử. Xin Bộ trưởng cho biết những mục tiêu cụ thể của hệ thống này?

- Với mục tiêu đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, Thủ tướng đã giao cho Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Hệ thống e-Cabinet. Cuối tháng 2/2019, tôi đã ký quyết định số 168/QĐ-VPCP phê duyệt Đề án xây dựng e-Cabinet với thời gian dự kiến khai trương vào tháng 6/2019.

e-Cabinet khi đưa vào hoạt động sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ khi đầy đủ các chức năng như cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết, điện tử thông qua thiết bị di động.

e-Cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ, quản lý việc gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến…

Đây là phần việc rất quan trọng, thể hiện sự đổi mới, là Chính phủ hành động, kiến tạo, đưa ra dịch vụ mang tính phục vụ người dân và doanh nghiệp. E-Cabinet cũng hướng tới mục tiêu là đưa ra lộ trình cụ thể giảm thời gian họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước. E-cabinet cũng giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).

- Thủ tướng và Bộ trưởng từng nhiều lần nhấn mạnh việc cán bộ phải từ bỏ lợi ích cục bộ, đặc quyền đặc lợi, từ bỏ thói quen xử lý hồ sơ trên giấy tờ để chuyển sang môi trường điện tử. Nhưng thực tế, thay đổi tư duy là điều không đơn giản. Chính phủ đã chuẩn bị những giải pháp khắc phục tâm lý này trong đội ngũ cán bộ, công chức khi quyết định triển khai e-Cabinet?

- Việc không thay đổi tư duy hay sự chưa sẵn sàng, còn ngại sử dụng công nghệ là một trong những vấn đề gây ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử vì đây là cải cách đòi hỏi thay đổi hẳn tư tưởng, tư duy, cách nghĩ, cách làm. Thực tế nhiều cán bộ công chức tiếp xúc với CNTT vẫn rất ngần ngại. Ngoài ra, trong tư tưởng, cán bộ vẫn muốn gặp trực tiếp, làm việc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp mà không loại trừ động cơ liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lôi kéo lợi ích…

Để khắc phục vấn đề này, cần có rất nhiều giải pháp đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện. Đó là đẩy mạnh hoàn thiện các quy định liên quan đến ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc của cơ quan nhà nước.

Một cơ sở pháp lý đầy đủ cũng sẽ giúp cho việc triển khai được thống nhất, là căn cứ để theo dõi, đánh giá cán bộ, công chức trong thi hành công vụ.

Vai trò của người đứng đầu cũng được nhấn mạnh, nhất là việc sử dụng hệ thống e-Cabinet của các thành viên Chính phủ bởi người đứng đầu các cơ quan sử dụng thì không có lý do gì các cán bộ, công chức không sử dụng và cơ quan đó không ứng dụng tốt CNTT trong công việc.

Cải cách, chỉ tâm huyết thôi chưa đủ!

- Bộ trưởng từng nói “cải cách mà không tâm huyết, không đau đáu thì không làm được”. Đã dồn nhiều tâm sức với việc tham mưu, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử từ đầu nhiệm kỳ tới giờ, ông “đau đáu” điều gì?

- Làm tốt Chính phủ điện tử là chúng ta đã thực hiện cải cách. Yêu cầu cải cách với việc ứng dụng CNTT vào công việc là 2 vấn đề gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ rất tốt cho nhau. Làm tốt Chính phủ điện tử cũng nghĩa là chủ động minh bạch hóa, công khai hóa mọi thông tin, nguồn lực cho phát triển.

Đầu tháng 3, khi khai trương trục liên thông gửi nhận văn bản quốc gia, Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu, ý nghĩa của việc chuyển văn bản, dữ liệu trên hệ thống điện tử và ứng dụng chữ ký số, mã hóa để xử lý công việc. Và tới nay, chúng ta đã làm được, duy trì được việc này, sẽ tiết kiệm cho Nhà nước một năm rất nhiều tiền. Đặc biệt hơn, văn bản, theo đó, sẽ không còn tạo ra rào cản vô hình cho phát triển vì văn bản ra sớm một giờ, một ngày là đã tạo ra sản phẩm, giúp cho xã hội, cho đất nước rất nhiều.

Còn thực sự là trong quá trình cải cách phải tâm huyết. Nhưng tâm huyết vẫn chưa đủ, vấn đề là những người làm cải cách phải biết loại bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ của cơ quan, đơn vị, tóm lại là loại bỏ những rào cản. Cải cách mà luôn lo nghĩ co kéo quyền, lợi ích về mình thì không bao giờ làm cải cách được.

Cải cách phải luôn va chạm vì xung đột với cái cũ, cái truyền thống, với tiêu cực, tham nhũng… Vậy nên, tham mưu cho việc cải cách thì cũng phải tiên phong, gương mẫu, nếu không thì sao nói ai được

- Bộ trưởng nói nhiều đến việc phải tự từ bỏ quyền lực, lợi ích của mình. Theo logic thông thường thì hẳn là việc ấy không thể mang lại cảm giác dễ chịu?

- Không dễ chịu thì cũng phải làm, xác định vì đất nước mà làm. Người tham mưu cải cách mà không dám làm như vậy thì chẳng ai dám làm. Phải chấp nhận thôi, nhiệm vụ được giao thì phải làm chứ, không thể nói thích hay không.

Vấn đề là mỗi lần làm được gì đó cho đất nước thì mình hiểu đó là việc tốt và chẳng có gì mà sợ. Ngay từ bản thân mình, nếu không vượt qua được những tính toán, so đo thì không làm được gì. Tất nhiên cũng phải làm từng bước vì thay đổi chuyển động cả hệ thống chứ chỉ một vài người không làm được. Người đứng đầu mà không kiên quyết thì không “lay chuyển” được bên dưới.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP