Bộ trưởng Dũng cho hay: Thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học dự báo các nguy cơ xảy ra khủng hoảng 10 năm theo chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam như các đợt khủng hoảng đã xảy ra 1997 - 1998, 2007 - 2008 và dự báo có thể xảy ra trong hai năm 2017 - 2018 là có cơ sở.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định: Các đợt khủng hoảng trên diễn ra chủ yếu là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hiện tín dụng của ngân hàng tăng trưởng và kiểm soát tốt; thanh khoản của các ngân hàng thương mại tốt; thị trường chứng khoán ổn định, thị trường nhà đất và tín dụng cho bất động sản đã được kìm nén và giải quyết tốt... Các nguy cơ khách quan để phát sinh khủng hoảng đã được để ý, theo dõi và có thống kê cụ thể.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: Chính sách của Chính phủ đã đúng đắn, kịp thời ứng phó trước các nguy cơ và lường trước những yếu tố phát sinh khủng hoảng. Chính vì vậy, có thể tin tưởng rằng khó có thể xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm như các dự báo.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành KH&ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý các yếu tố có thể phát sinh khủng hoảng để không chủ quan với tình hình và nguy cơ như dự báo.
Người đứng đầu ngành kế hoạch cũng nói rõ nhiều vấn đề của kinh tế Việt Nam thời gian qua như thu hút vốn FDI cao, nhưng tỷ lệ giải ngân còn chậm, nhiều dự án đầu tư công, dự án có vốn nhà nước đang chậm chễ; kinh tế tăng trưởng cao hơn 7,08%, việc làm được giải quyết, tỷ lệ lạm phát được giữ ổn định...
Tuy nhiên, trong tháng 6/2018 có một số vụ biểu tình, bạo động xảy ra khiến ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống kinh tế. Ngoài ra, các hiện tượng, thiên tai, cháy nổ diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đời sống kinh tế xã hội.
Năm 2018, giá USD có biến động tăng, ảnh hưởng đến nhập khẩu của Việt Nam, Bộ KH&ĐT khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu để tận dụng xu hướng tăng giá của đồng USD và bù đắp tỷ lệ thâm hụt cán cân thương mại do tỷ giá hối đoái tăng lên.
Về các nguy cơ của chiến tranh thương mại đang diễn ra trên thế giới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; Nga và các nước phương Tây.... Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: Đây là cơ hội cho kinh tế Việt Nam xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới và nhanh chóng tái cơ cấu thị trường nguyên liệu nhập khẩu để ứng phó với thách thức mới để có chính sách điều hành kinh tế phù hợp.
Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định, Bộ KH&ĐT sẽ thực hiện tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đưa ra chính sách để tập trung thu hút các dự án lớn, có chất lượng và dự án FDI xanh, sạch, trong đó nhấn mạnh vào các dự án hạ tầng, năng lượng.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí