Đưa tro cốt người dân mất vì COVID-19 về hương khói tại Ban chỉ huy quân sự quận 10 - Ảnh: LÊ PHAN |
Hiện nay, Bộ Tư lệnh TP được lãnh đạo TP giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng phối hợp xử lý thi hài và tro cốt bệnh nhân tử vong do nhiễm COVID-19.
Đơn vị đã lập 7 đội cấp thành phố và chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, các quận, huyện với quân số 140 người để tiếp nhận và xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Đồng thời, tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh trật tự và điều phối hoạt động tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa được trật tự, ổn định. Tổ chức tiếp nhận, vận chuyển và bàn giao tro cốt bệnh nhân tử vong do nhiễm COVID-19 đến từng gia đình người dân bảo đảm trang trọng, đúng phong tục tập quán của địa phương.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh TP cũng tổ chức đấu tranh làm rõ thủ đoạn xuyên tạc, sai sự thật ở những bài viết, video, phát ngôn, livestream trên Internet, mạng xã hội nhằm hạ uy tín của lãnh đạo, chính quyền và lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thời gian vừa qua.
Liên quan đến vụ việc ‘phát hiện xe tải vận chuyển 46 thi thể từ TP.HCM về Bến Tre hỏa táng’, Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết sẽ làm rõ vụ việc và xử nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 16-8, ông Ngô Văn Tán, giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết ngành y tế tỉnh vừa tiếp nhận thông tin liên quan chiếc xe tải chở 46 thi thể từ TP.HCM về hỏa táng, trong đó có 41 người mắc COVID-19.
Theo thông tin ban đầu, từ ngày 15-8 đến ngày 16-8, Lê Phúc Hậu (28 tuổi, ngụ tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã dùng xe tải biển số 64C-077xx vận chuyển 46 thi thể, trong đó có 41 người chết do mắc COVID-19, từ TP.HCM về Bến Tre để hỏa táng tại cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên, ở xã Phú Hưng, TP Bến Tre.
* Trước đó, tối 16-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online - thượng tá Nguyễn Văn Bình, phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM - cho biết hiện nay tại 12 chốt cửa ngõ TP.HCM vẫn thực hiện theo công văn 1015/TTg-CN ngày 25-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch…”.
Vì vậy, theo thượng tá Bình, việc xe tải có giấy “luồng xanh” chở nhiều thi thể từ TP.HCM qua chốt để đến được Bến Tre thì có thể khi xe này đến chốt, lực lượng chức năng tại chốt “không được kiểm tra” và di chuyển qua.
“Nếu xe dịch vụ mai táng hoặc xe chở quan tài là xe ưu tiên nên lực lượng chức năng tại chốt sẽ không kiểm soát các trường hợp này. Nếu xe có luồng xanh thì doanh nghiệp đăng ký ‘luồng xanh’ chịu trách nhiệm nếu vi phạm pháp luật, vì hiện nay Sở Giao thông vận tải cấp giấy ‘luồng xanh’ cho các phương tiện. Lực lượng chức năng tại chốt thực hiện theo chỉ đạo nếu thấy xe có mã QR ‘luồng xanh’ thì tạo điều kiện cho qua, không kiểm tra”, thượng tá Bình nói.
Theo đó, thời gian qua, tại các chốt kiểm soát đối với xe “luồng xanh” đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm như lái xe không có giấy xét nghiệm, giấy xét nghiệm hết hạn, đi không đúng lộ trình, người điều khiển không đúng với danh sách lái xe đã được đăng ký, chở người vượt chốt…
Tác giả: LÊ PHAN - MINH HÒA
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ