Pháp luật

Bốn giám đốc trong đường dây làm giả giấy tờ buôn lậu, gây thất thoát hơn 16 tỷ đồng tiền thuế

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn thành kết luận điều tra vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và mua bán trái phép hoá đơn” xảy ra tại TP Hà Nội và các địa phương; chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 6 bị can.

Cụ thể, bị can Đoàn Mạnh Dương (SN 1984), Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và Dịch vụ Tân Đại Dương và bị can Đỗ Hải Phong (SN 1984), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Vân Đồn bị đề nghị truy tố về tội danh “Buôn lậu” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bị can Nguyễn Quốc Dũng (SN 1970), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Minh Khánh và Nguyễn Thu Hằng (SN 1978), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu và Du lịch Hà Nguyên cùng bị đề nghị truy tố về tội “Mua bán trái phép hoá đơn”.

Hai bị can khác nguyên là công chức hải quan bị đề truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết quả điều tra xác định: Ngày 21-4-2009, Dương thành lập và làm giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và Dịch vụ Tân Đại Dương (Công ty Tân Đại Dương) với mục đích nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài về kinh doanh, buôn bán lại trong nước.

Khoảng đầu năm 2010, Dương đề nghị Phong về làm việc tại Công ty Tân Đại Dương, phụ trách công tác tài chính, kế toán. Ngày 10-11-2010, Dương và Phong thành lập Công ty TNHH Đầu tư Vân Đồn (Công ty Vân Đồn) do Phong làm giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Từ tháng 12-2013 đến tháng 7-2017, Công ty Tân Đại Dương đã mở 106 tờ khai nhập khẩu thịt trâu đông lạnh của Công ty Allanasons Limited - Ấn Độ tại các chi cục hải quan gồm Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan TP Hải Phòng, Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh; chịu thuế nhập khẩu 14%, với khối lượng hơn 3.000 tấn, trị giá khai báo hải quan hơn 6,1 triệu USD.

Các bị can Đỗ Hải Phong và Đoàn Mạnh Dương.

Để thực hiện hành vi buôn lậu, khi mở tờ khai hải quan, Dương đã khai sai chủng loại thịt trâu đông lạnh, tên mã hàng từ thịt “nạc, thăn, đùi, bắp” thành loại thịt “vụn, rìa, gân”, nhằm giảm trị giá khai báo hải quan và giảm số thuế phải nộp.

Dương đã sử dụng Công ty Tân Đại Dương để thanh toán tiền thịt trâu đông lạnh cho Công ty Allanasons Limited theo trị giá khai báo hải quan. Số tiền chênh lệch còn thiếu, Dương và Phong thanh toán cho Công ty Allanasons Limited bằng việc sử dụng pháp nhân là Công ty Vân Đồn.

Kết quả điều tra xác định, từ ngày 26-12-2013 đến ngày 10-11-2016, bị can Dương đã buôn lậu 81 lô hàng thịt trâu đông lạnh từ Ấn Độ về Việt Nam với tổng khối lượng hơn 2.300 tấn; tổng số tiền đã thanh toán cho Công ty Allanasons Limited là hơn 10,4 triệu USD.

Đối chiếu với hồ sơ của Công ty Tân Đại Dương đã kê khai hải quan của lô hàng này thì số tiền chênh lệch là hơn 5,4 triệu USD; gây thất thoát về thuế nhập khẩu cho Nhà nước là gần 765.000 USD (tương đương hơn 16 tỷ đồng).

Từ khoảng cuối tháng 12-2013 đến tháng 9-2015, Dương đã chỉ đạo Phong làm giả các tài liệu trong bộ hồ sơ chuyển tiền quốc tế, trong đó có nhiều tờ khai hải quan.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Văn phòng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định Dương còn có vai trò chủ mưu, chỉ đạo Phong làm giả 34 tờ khai hải quan. Về phần bị can Phong, dù biết Dương làm sai nhưng trong 81 lô hàng buôn lậu nêu trên, Phong đã giúp sức cho Dương thực hiện 55 lô hàng buôn lậu thịt trâu với tổng khối lượng hơn 1.600 tấn; tổng số tiền trốn thuế hơn 11 tỷ đồng; trực tiếp làm, hướng dẫn nhân viên làm giả và để con dấu chữ ký, dấu Công ty Vân Đồn cho Đoàn Mạnh Dương sử dụng làm giả 34 tờ khai hải quan.

Về hành vi mua bán hoá đơn của bị can Hằng và Dũng, Văn phòng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định để Công ty Tân Đại Dương có chứng từ giải ngân tại các ngân hàng, từ ngày 3-11-2016 đến ngày 3-11-2017, Dương đã chỉ đạo nhân viên và trực tiếp liên hệ với Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch Hà Nguyên do Hằng làm giám đốc; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Minh Khánh do Dũng làm giám đốc và Công ty CP thiết bị Y tế nông sản do Chu Văn Biên làm giám đốc để xuất, nhập các hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) mà không có việc mua bán hàng hoá thực tế.

Quá trình điều tra, Văn phòng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định Hằng đã có hành vi mua, bán 34 hoá đơn GTGT, thu lời bất chính hơn 200 triệu đồng; Dũng mua bán 26 hoá đơn GTGT, thu lợi bất chính hơn 127 triệu đồng.

Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Văn phòng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an còn làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của hai bị can nguyên là công chức hải quan.

Từ ngày 27-12-2015 đến 1-2-2016, hai bị can là công chức kiểm hoá thuộc Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội được phân công nhiệm vụ cùng tiến hành trực tiếp kiểm tra thực tế hàng hoá 5 lô hàng có mã phân luồng 3D- Luồng đỏ do Công ty Tân Đại Dương mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội.

Theo quy định của pháp luật thì khi kiểm tra thực tế hàng hoá, các công chức kiểm hoá phải tiến hành kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, khối lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ, trị giá hải quan của hàng hoá; kiểm tra đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hoá với hồ sơ hải quan. Vậy nhưng trong quá trình kiểm tra hàng hoá thực tế của Công ty Tân Đại Dương, 2 bị can nguyên là công chức Hải quan đã không tiến hành kiểm tra theo quy định, gây thất thu thuế của Nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

Tác giả: Xuân Thúy

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP