Kinh tế

Bốn "ông lớn" cạnh tranh gói thầu mua sắm thạch cao tự nhiên trị giá hàng chục tỷ đồng

Bốn nhà thầu cạnh tranh gói mua sắm thạch cao tự nhiên do Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn mời thầu. Trong số đó, có "ông lớn" Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải, đây là doanh nghiệp tự giới thiệu mang trong mình sứ mệnh là đầu tàu góp phần xây dựng và phát triển Hà Tĩnh bền vững, giàu mạnh.

Theo tìm hiểu của Reatimes, xi măng là một loại chất kết dính thủy lực, được dùng làm vật liệu xây dựng góp phần vào quá trình kiến tạo nên những công trình, dự án bất động sản... tại Việt Nam. Xi măng được tạo thành bằng cách nghiền mịn clinker, thạch cao thiên nhiên và phụ gia. Khi tiếp xúc với nước thì xảy ra các phản ứng thủy hóa và tạo thành một dạng hồ gọi là hồ xi măng.

Có 4 doanh nghiệp nộp hồ sơ tham dự Gói thầu "Mua sắm thạch cao tự nhiên" trị giá 56.570.000.000 đồng. (Ảnh minh họa)

Trong thành phần nguyên liệu để sản xuất xi măng, thạch cao đóng một vai trò quan trọng. Bởi, thạch cao là một khoáng chất và là canxi sunphat ngậm nước ở dạng hóa học... giúp kiểm soát tốc độ đông cứng của xi măng, vì vậy nó thường được gọi là chất làm chậm xi măng.

Để có thạch cao tham gia vào thành phần sản xuất xi măng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, mới đây, Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn vừa hoàn thành mở thầu Gói thầu "Mua sắm thạch cao tự nhiên". Đây là gói thầu (2 lô hàng) có tổng trị giá 56.570.000.000 đồng, được doanh nghiệp này tổ chức mời thầu qua mạng vào ngày 28/12/2023.

Theo kết quả mở thầu công bố lúc 13h39 ngày 19/01/2024 cho thấy, có 4 doanh nghiệp (nhà thầu) đến từ các tỉnh như "Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Ninh Bình và Hà Tĩnh" cùng quan tâm, tham dự nộp hồ sơ dự thầu và được đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật.

Giá dự thầu của các doanh nghiệp tham dự 2 lô hàng mua sắm thạch cao tự nhiên (Ảnh: P.N)

Cụ thể, nhà thầu thứ nhất là Công ty Cổ phần Vicem Thạch cao Xi măng (MST 3300101300), có địa chỉ tại số 24 Hà Nội, phường Phú Nhuận, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Doanh nghiệp này chính thức hoạt động từ ngày 17/4/2010 và có tiền thân là Đoàn K3 trực thuộc Bộ Xây dựng được thành lập ngày 15/05/1978.

Hiện nay, Vicem Thạch cao Xi măng là doanh nghiệp đại chúng, đang niêm yết trên sàn chứng khoán (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội) với mã chứng khoán TXM. Ông Nguyễn Tử Thanh (SN 1961 - Ninh Bình) làm Chủ tịch HĐQT. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc công ty là ông Trương Phú Cường.

TXM là đơn vị duy nhất trong Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cung cấp nguyên liệu thạch cao cho sản xuất xi măng của hầu hết các nhà máy sản xuất thuộc Tổng Công ty. Thị trường chủ lực của TXM là các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Kết quả đấu thầu của Vicem thể hiện, trong những năm qua, họ đã tham gia 17 gói thầu, trong đó trúng 13 gói, trượt 2 gói, 2 chưa có kết quả (bao gồm cả gói thầu nêu trên). Tổng giá trị trúng thầu được xác định vào khoảng hơn 438,438 tỷ đồng (trong đó giá trị chủ yếu từ việc cung ứng nguyên liệu sản xuất xi măng).

Vicem Thạch cao Xi măng và Xi măng Bỉm Sơn có chung "mẹ" là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam. (Ảnh: XMBS)

Nhà thầu thứ 2 là Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Thành hoạt động từ ngày 06/8/2004. Đăng ký địa chỉ trụ sở tại Khu đô thị mới, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng. Bà Đào Thị Đầm (SN 1964 - Hải Dương) là người đại diện pháp luật công ty.

Vận tải Trường Thành đã tham gia 19 gói thầu, trong đó trúng 12 gói, trượt 4 gói, 3 chưa có kết quả. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 605,033 tỷ đồng, được đóng góp chủ yếu từ hoạt động vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu sản xuất xi măng.

Đơn cử như mới đây nhất, ngày 29/12/2023, Liên danh Công ty TNHH Vĩnh Phước (Hải Phòng) và Công ty Trường Thành trúng gói thầu "Vận chuyển clinker bằng đường biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024" trị giá hơn 116,223 tỷ đồng (gói thầu do CTCP Xi măng Cẩm Phả mời thầu).

Nhà thầu thứ 3 là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương, doanh nghiệp này hoạt động từ ngày 01/4/2003, đăng ký trụ sở tại Km số 7, cụm Công nghiệp Mai Sơn, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.

Hiện nay, bà Phạm Thị Linh (SN 1961 - Ninh Bình) là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc công ty. Ngoài Nam Phương, bà Linh được biết đến là "phu nhân" của doanh nhân "kín tiếng" cùng quê Ninh Bình là ông Đỗ Hoàng Phúc (SN 1957). Đồng thời, xoay quanh doanh nghiệp này là một hệ sinh thái sản xuất và kinh doanh đa dạng.

Nhà thầu thứ tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (MST 3000541847) thành lập từ ngày 16/12/2008, có địa chỉ trụ sở tại Km 11+00 THT Quốc lộ 1A (đường tránh TP. Hà Tĩnh) xóm Mỹ Triều, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngoài dịch vụ vận tải, hiện nay doanh nghiệp này đang đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác như: Kinh doanh vật liệu xây dựng; sản xuất bê tông thương phẩm; cấu kiện bê tông đúc sẵn; gạch, ngói không nung công nghệ cao; thi công xây dựng công trình... (Ảnh: V.H)

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng. Hiện, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Trần Văn Viết (SN 1967).

Đây là doanh nghiệp được giới thiệu là mang sứ mệnh đưa công nghệ vật liệu xây dựng tiên tiến áp dụng hiệu quả vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời là đầu tàu trong việc góp phần xây dựng và phát triển Hà Tĩnh bền vững, giàu mạnh.

Tài liệu của Reatimes cho thấy, những năm qua, Công ty Viết Hải đã tham gia tổng cộng 8 gói thầu (các gói thầu được công bố công khai), trúng 7 gói với tổng giá trị hơn 438,017 tỷ đồng. Trong đó phần lớn giá trị là các gói thầu cung cấp xi măng... mang đến cho doanh nghiệp này từ Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh./.

Tác giả: Phúc Nhân

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP