Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters. |
Cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 23/7 được bầu làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc ông sẽ trở thành tân Thủ tướng Anh thay thế bà Theresa May, người đánh mất sự tín nhiệm trong đảng vì không đạt được một thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu (EU).
Tân thủ tướng Anh nổi tiếng với mái tóc vàng không chải chuốt, dường như đã trở thành thương hiệu của ông, cùng phong cách nói chuyện mạnh bạo, không e dè. Johnson không quá để ý tới cách ăn mặc, đôi khi xuất hiện trong những bộ đồ luộm thuộm và thường xuyên không đúng giờ. Sự thiếu chỉnh tề khiến ông trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của giới bình luận suốt nhiều năm.
Ông từng gây chú ý với hình ảnh treo mình trên dây kéo, trên tay cầm quốc kỳ Anh để cổ vũ cho Olympics London năm 2012. Johnson cũng thường xuyên lên báo với các câu chuyện tình trường lắt léo. Tuy nhiên, trên sân khấu chính trị, ông thực sự là một đối thủ đáng gờm và bà May có lẽ là người hiểu rõ nhất điều này.
Johnson tốt nghiệp Đại học Oxford và có thể nói cả tiếng Pháp lẫn tiếng Italy. Suốt hàng thập kỷ, tuổi thơ của ông được mô tả là yên ả và bình dị, cho tới năm ngoái, em gái ông, bà Rachel, một nhà báo kỳ cựu, tiết lộ với tờ Sunday Times rằng mẹ họ, nghệ sĩ Charlotte Johnson, bị trầm cảm nặng và mắc hội chứng "rối loạn ám ảnh cưỡng chế nghiêm trọng", khiến bà phải nằm viện trong thời gian dài. Boris và các anh chị em chủ yếu được một người trông trẻ nuôi dưỡng bởi cha ông quá bận bịu với công việc tại Hội đồng châu Âu.
Johnson từng là một phóng viên trước khi dành sự quan tâm cho chính trị, song sự nghiệp trong ngành truyền thông của ông cũng gây tranh cãi. Ông từng cộng tác với tờ Times nhưng bị cho thôi việc sau khi bịa ra một câu trích dẫn về Vua Edward II.
Vài năm sau, Johnson được bổ nhiệm làm phóng viên thường trú ở Brussels, Bỉ, cho tờ Daily Telegraph, nơi ông làm nên tên tuổi từ các bài viết chống lại EU.
Trong một bài viết trên tạp chí New Statesman hồi năm 2017, cựu biên tập viên cho tờ Times Martin Fletcher đã mô tả rằng nhiệm vụ của Johnson là "truyền bá sự hoài nghi về châu Âu và tận dụng mọi cơ hội để đả kích EU".
Johnson kết hôn lần đầu năm 1987 với Allegra Mostyn-Owen, nhưng hai người ly dị năm 1993. Chỉ 12 ngày sau khi ly hôn, ông làm đám cưới với nữ luật sư Marina Wheeler và có với bà này 4 người con.
Trở về London từ Bỉ, Johnson được bầu làm trưởng ban bình luận chính trị của tờ Telegraph, trưởng ban biên tập tạp chí Spectator, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình và trở thành thành viên nghị viện đảng Bảo thủ.
Song mối quan hệ ngoài luồng với nữ phóng viên Petronella Wyatt từ tạp chí Spectator đã khiến ông bị khai trừ khỏi nội các đảng Bảo thủ. Một số nguồn tin cho hay trong thời gian yêu đương với Petronella, ông còn qua lại với nữ nhà báo Anna Fazackerley.
Khi cựu thủ tướng David Cameron được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ vào năm 2005, ông đã tìm cách đưa Johnson trở lại vào ban nội các nhưng không thành công vì vấp phải sự phản đối từ các thành viên khác trong đảng. Năm 2008, Johnson trở thành thị trưởng London và giữ chức trong 8 năm. Ông dẫn dắt thành phố tổ chức thành công Olympic 2012 và thắng lợi này càng củng cố hình ảnh của ông trong công chúng.
Boris Johnson treo mình trên dây kéo để cổ vũ Olympic London năm 2012. Ảnh: Barcroft Media. |
Cái tôi và tham vọng chính trị của Johnson lớn dần lên sau khi ông tái đắc cử thị trưởng London vào năm 2012. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất đối với sự nghiệp của ông lại bắt nguồn từ phong trào Brexit (Anh rời khỏi EU). Trên chiếc xe buýt màu đỏ, Johnson đi khắp đất nước để trấn an cử tri về những lợi ích mà Brexit mang lại.
Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh năm 2016 với kết quả nghiêng về phương án rời Liên minh châu Âu đã tạo ra một cú hích trên con đường chính trị của ông. Thủ tướng Cameron, người chủ trương giữ Anh ở lại EU từ chức, Thủ tướng Theresa May lên thay. Bà May bổ nhiệm Johnson làm ngoại trưởng Anh nhưng ông sau đó từ chức vào tháng 7/2018.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Johnson từng không ít lần "vạ miệng", thậm chí xúc phạm cả một quốc gia.
Năm 2006, ông phải xin lỗi Papua New Guinea sau khi viết trên tờ Daily Telegraph rằng: "10 năm qua, chúng tôi, các thành viên đảng Bảo thủ đã trở nên quen thuộc với những kẻ cực đoan ăn thịt người và giết người theo phong cách Papua New Guinea, vì thế, chúng tôi chứng kiến sự điên rồ nhấn chìm Công đảng Anh với niềm hân hoan đáng kinh ngạc".
Cao ủy Papua New Guinea tại London Jean L Kekedo chỉ trích phát ngôn của Johnson là "sự xúc phạm đối với phẩm giá và trí tuệ" của toàn bộ người dân nước này.
Tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, ông khiến chủ nhà Trung Quốc tức giận khi nói rằng môn bóng bàn không phải do người Trung Quốc sáng tạo ra mà thực tế được phát triển từ một trò chơi mang tên "whiff-whaff" của Anh.
Năm 2018, Johnson tham gia một cuộc thi viết thơ bôi nhọ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông còn so sánh EU với trùm phát xít Adolf Hitler, nói rằng EU đang lên kế hoạch thiết lập một quốc gia thống trị, như tham vọng của Hitler năm xưa.
Dù vậy, việc Johnson được bầu làm Thủ tướng Anh không phải là kết quả bất ngờ, bởi ông nhận được nhiều ủng hộ kể từ khi bà May tuyên bố từ chức sau thất bại trong việc thống nhất một thỏa thuận Brexit với EU.
Johnson tiếp quản vị trí từ người tiền nhiệm giữa lúc thỏa thuận Brexit vẫn bế tắc. Johnson có quan điểm cứng rắn về Brexit, từng tuyên bố Anh sẵn sàng rời EU mà không cần đạt thỏa thuận nào vào hạn chót 31/10, thay vì hoãn quá trình này một lần nữa.
Tác giả: Vũ Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress