Học sinh khối 9 Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong ở lại ôn thi vào lớp 10. |
Ở khu vực trung tâm, thành phố, áp lực cạnh tranh lớn dẫn đến nhiều thí sinh từ bỏ trường tốp đầu để đăng ký về các trường vùng ven, điểm đầu vào thấp. Trong khi đó, trường vùng cao phải tích cực vận động, có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút và giữ chân thí sinh đến dự thi.
Áp lực trước cuộc đua vào 10
Năm học 2022 - 2023 đã hoàn thành nhưng khối 9 Trường THCS Hồng Sơn (TP Vinh) vẫn duy trì đều đặn các buổi ôn thi tuyển sinh vào lớp 10. Nguyễn Văn Bình (học sinh lớp 9A) cho biết, hai đợt thi thử gần nhất em đạt 20 điểm/3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nhưng vẫn lo lắng trước kỳ thi chính thức.
“Mơ ước của em là vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nhưng điểm đầu vào hằng năm đều cao. Vì vậy trước mắt em nộp hồ sơ vào Trường THPT Lê Viết Thuật, sau khi thi xong, nếu kết quả làm bài tốt em sẽ cân nhắc chuyển nguyện vọng”, nam sinh bộc bạch.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên Ngữ văn và chủ nhiệm lớp 9A, Trường THCS Hồng Sơn cho hay, những năm gần đây, các trường THPT trong thành phố và lân cận đều không tuyển nguyện vọng 2. Vì vậy, các em chỉ có lựa chọn duy nhất để vào trường công lập và nếu chọn sai sẽ mất cơ hội và phải tính đến phương án vào trường ngoài công lập.
Lớp cô Huệ chủ nhiệm được đánh giá có chất lượng học sinh trội hơn trong trường. Trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được đánh giá có tính cạnh tranh cao, nhiều em đã thi chứng chỉ IELTS để thêm cơ hội, tiêu chí ưu tiên trong xét tuyển.
“Qua thống kê trong lớp có hơn 20 học sinh có đăng ký vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Còn lại, các em đăng ký thi vào Trường THPT Lê Viết Thuật hoặc Trường THPT Hà Huy Tập để tăng cơ hội trúng tuyển. Bên cạnh đó, 8 bạn thi chứng chỉ IELTS, cao nhất đạt 6.5 điểm. Hiện tất cả học sinh đều nỗ lực, quyết tâm cao để có thể đạt kết quả như kỳ vọng”, cô Minh Huệ chia sẻ.
Sau khi sở GD&ĐT công bố phương án thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10, nhiều phụ huynh, học sinh TP Vinh vẫn lo lắng và tính đến phương án đổi nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển.
Anh Hoàng Xuân Tùng (phường Lê Lợi, TP Vinh) định hướng cho con vào Trường THPT Hà Huy Tập ở gần nhà. Tuy nhiên, tỷ lệ trúng tuyển vào trường chỉ khoảng 53% nên gia đình vẫn chưa yên tâm. Trong hồ sơ đăng ký, anh cũng hướng dẫn con chọn thêm nguyện vọng xét tuyển vào lớp tiên tiến của trường. Ngoài ra, phương án chuyển nguyện vọng đến một trường vùng ven đô có điểm đầu vào thấp hơn các trường tại TP Vinh cũng được gia đình tính đến trong trường hợp kết quả làm bài thi không như kỳ vọng.
Giờ ôn thi của cô trò Trường THCS Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An. |
Trường vùng ven tăng hồ sơ đột biến
Với áp lực tuyển sinh ở vùng trung tâm, nhiều thí sinh tại TP Vinh đã lựa chọn nộp hồ sơ về trường THPT ở các huyện lân cận, có điểm đầu vào những năm trước khá nhẹ nhàng để giảm áp lực thi cử và cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Năm nay, Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) có 621 hồ sơ đăng ký dự thi trên tổng số 336 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 450 hồ sơ là của học sinh trên địa bàn huyện. Hơn 150 hồ sơ còn lại của học sinh các trường tại thành phố Vinh đăng ký. Cụ thể nhiều nhất là Trường THCS Cửa Nam có 38 em; Trường THCS Đội cung có 18 em; các trường khác ở phường Vinh Tân, Lê Lợi, Hưng Dũng, Lê Mao, Quang Trung có từ 3 - 9 học sinh.
Cô Lưu Thanh Trà, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Học sinh ở TP Vinh đăng ký thi tại Trường THPT Thái Lão diễn ra lâu nay. Tuy nhiên, năm nay số lượng tăng đột biến khiến tỷ lệ chọi vào lớp 10 ở trường rất cao, tương đương 1 chọi 2.
“Về mặt khách quan, học sinh đã tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh được phép đăng ký dự thi vào bất cứ trường THPT công lập nào nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Đối với Trường THPT Thái Lão, vùng tuyển sinh “truyền thống” là thị trấn Hưng Nguyên, các xã lân cận. Trường hợp học sinh từ Vinh nộp hồ sơ có thể đẩy điểm trúng tuyển cao hơn các năm trước. Điều này gây khó khăn, thiệt thòi cho học sinh trên địa bàn vì chất lượng đầu vào các em ở huyện sẽ có hạn chế nhất định so với thành phố”, cô Thanh Trà nhìn nhận.
Tuyển sinh vào lớp 10 ở TP Vinh trong tình trạng “nóng” là điều được dự báo trước do quy mô học sinh lớn, trong khi trên địa bàn chỉ có 3 trường THPT công lập (ngoài 2 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và THPT chuyên Đại học Vinh). Trước thực tế này, năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tăng hơn 300 chỉ tiêu cho các trường công lập ở Vinh và tăng sĩ số ở mỗi lớp lên tối đa từ 42 - 45 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, điểm mới năm nay là các trường được tuyển sinh lớp IELTS và lớp mô hình tiên tiến (theo hình thức xét tuyển).
Năm nay Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) có 1.310 hồ sơ đăng ký dự thi trên chỉ tiêu tuyển sinh là 14 lớp với 630 học sinh. Theo tính toán của thầy Hiệu trưởng Phan Xuân Phàn, tỷ lệ trúng tuyển vào trường là 48%. Tuy nhiên, trường được giao thêm 5 lớp tiên tiến với 200 chỉ tiêu và 1 lớp chứng chỉ năng lực tiếng Anh với 45 em. Bên cạnh đó, trung bình có từ 400 - 500 học sinh đã trúng tuyển vào trường từ kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhưng sau đó chuyển sang học tại 2 trường THPT chuyên trên địa bàn.
“Vì vậy, tôi cho rằng, tỷ lệ trúng tuyển của trường có thể từ 80 - 85%. Tuy nhiên, vì chất lượng thí sinh đăng ký thi vào trường khá tốt nên điểm trúng tuyển sẽ cao hơn các trường khác trong tỉnh”, thầy Phan Xuân Phàn cho hay.
Giáo viên Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong ôn thi cho học sinh đến ngày cuối cùng trước kỳ thi diễn ra. |
Đẩy chất lượng, số lượng đầu vào trường vùng cao
Trái với sức “nóng” cuộc cạnh tranh đầu vào lớp 10 ở thành phố, vùng trung tâm, ở vùng cao, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường THPT lại chiếm tới trên 90%. Ví dụ Trường THPT Tương Dương 1 có 450 chỉ tiêu nhưng số lượng hồ sơ dự thi là 473 em, tỷ lệ trúng tuyển trên 95%. Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông) có 192 hồ sơ/168 chỉ tiêu. Tương tự với Trường THPT Kỳ Sơn, THPT Quế Phong đều có số thí sinh dự thi không chênh lệch nhiều với chỉ tiêu trúng tuyển.
Trường Phổ thông DTBT THCS Keng Đu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) năm học này chỉ có 61 học sinh lớp 9. Theo thầy Phạm Hữu Luận, Hiệu trưởng nhà trường, qua phân luồng, chỉ có 17 em đăng ký thi vào THPT. Trong khi có tới 39 em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trung tâm GDTX huyện, còn lại vào Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh. “Với những em thi vào THPT, chúng tôi đang giữ lại trường để ôn tập, tiếp tục nuôi bán trú. Nếu để các em về nhà, ngoài dễ dẫn tới gián đoạn việc học, còn có nguy cơ bỏ thi hoặc đi làm ăn xa”, thầy Luận trao đổi.
Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn huyện Con Cuông cũng chia sẻ chỉ có 60% học sinh đăng ký thi vào lớp 10. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 9, nhà trường phải giữ chân học sinh ở lại cho đến ngày các em đi thi. Đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm sát sao, đưa trò đi thi, động viên các em không bỏ học… Nhiều lãnh đạo phòng GD&ĐT các huyện vùng cao Nghệ An còn chỉ ra thực tế, không chỉ số lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp mà sau kỳ thi, một số em trúng tuyển vẫn không đi học. Các trường phải vận động để học trò tiếp tục theo học lên THPT.
Để tạo cơ hội cho học sinh cũng như nâng chất lượng, số lượng tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THPT huyện miền núi cao, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho phép các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu được xét tuyển bổ sung bằng kết quả học bạ THCS. Ở một số trường ngoài công lập, cũng có chính sách học bổng, ưu tiên tuyển sinh sớm đối với những học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường theo điểm học bạ. Nhờ những thay đổi này, việc phân luồng thí sinh cũng rõ ràng, đúng mục tiêu, đối tượng.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT tỉnh Nghệ An năm học 2023 - 2024 sẽ diễn ra từ 5 - 6/6 với 3 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Địa bàn tuyển sinh gồm học sinh có hộ khẩu thường trú tại Nghệ An, học sinh chuyển từ địa phương khác phải được sự chấp thuận của sở GD&ĐT. Năm nay, thí sinh Nghệ An được phép đổi nguyện vọng sau khi hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và chưa biết kết quả. |
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn