Tin trong tỉnh

Bức tranh khởi nghiệp ở Nghệ An: Nhiều gam màu sáng

Xuất phát từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng KNĐMST, nhiều dự án khởi nghiệp ở Nghệ An đã thu hút được sự quan tâm từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trong và ngoài tỉnh

Những quyết sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo động lực thúc đẩy các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều dự án

Theo đánh giá của VCCI, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, tỉnh Nghệ An là một trong năm tỉnh, thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp tiêu biểu năm 2022 và là địa phương có phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tốt nhất cả nước.

Tiếp bước những thành tích đáng tự hào đó, thời gian qua, Nghệ An đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, tổ chức các hoạt động KNĐMST; góp phần tạo sức lan tỏa, hiệu ứng tốt trong cộng đồng, thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức mạnh dạn “hiện thực hóa” các ý tưởng, dự án khởi nghiệp và đã mang lại những thành công nhất định.

Từ những quyết sách

Bước vào thời đại 4.0, Nghệ An xác định KNĐMST là một trong những vấn đề then chốt để phát triển nền kinh tế - xã hội ngày càng nhanh, mạnh và bền vững. Do vậy, những năm vừa qua, dựa vào nguồn lực dồi dào, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào đời sống, phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đầy năng động và sáng tạo.

Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hoà - Trưởng phòng phụ trách trung tâm hỗ trợ KNĐMST tỉnh Nghệ An cho biết: “Đóng vai trò là đơn vị chủ công trên lĩnh vực này, những năm qua, Sở KH&CN đã đề xuất, tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, bám sát thực tiễn cùng những chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST của địa phương”.

Cũng theo ông Hòa, bên cạnh việc ban hành những chương trình, kế hoạch, hàng năm Nghệ An còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy tinh thần KNĐMST, qua đó góp phần lan tỏa tư duy khởi nghiệp, tư duy doanh nhân đến mọi vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi cho đến các huyện miền núi, vùng cao xa xôi. Trong đó, hình thành một số tổ chức hỗ trợ KNĐMST và các không gian làm việc chung nhằm giúp kết nối hoạt động KNĐMST cho sinh viên, doanh nghiệp, những startup mới.

Mặt khác, còn đẩy mạnh đào tạo, truyền thông nâng cao kiến thức và thúc đẩy KNĐMST. Sở KH&CN đã tổ chức mời các chuyên gia, diễn giả, các startup có uy tín trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về KNĐMST cho cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trường nghề cùng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho các dự án KNĐMST để giúp các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển hoàn thiện ý tưởng, dự án mô hình kinh doanh, kỹ năng thuyết trình, kêu gọi vốn… từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Đến những thành tựu nhất định

Theo số liệu thống kê của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, giai đoạn từ năm 2018 – 2022, địa phương đã liên tiếp tổ chức những cuộc thi tìm kiếm tài năng KNĐMST với mục đích phát hiện các ý tưởng sáng tạo để hỗ trợ phát triển hoàn thiện dự án khởi nghiệp.

Xuất phát từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng KNĐMST, nhiều dự án khởi nghiệp ở Nghệ An đã thu hút được sự quan tâm từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trong và ngoài tỉnh

Qua đó nhận được sự quan tâm, tham gia đông đảo của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn, với trên 400 dự án dự thi ở đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó có hàng chục dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc dựa vào thế mạnh của địa phương, thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Đơn cử như, Dự án khởi nghiệp sản xuất Nấm thương hiệu ATC được Quỹ Alba Charity hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng; Dự án cam sinh thái và các sản phẩm từ cam của Công ty CP Cam Vinh Kỳ Yến được Quỹ đầu tư VSV đầu tư 40.000 USD… Nổi trội hơn cả, đó là trong năm 2020, Dự án truyền hình 4.0 của Công ty CP Công nghệ Gostream đã đạt giải quán quân Techfest quốc gia năm 2020, kêu gọi vốn thành công từ Quỹ Zone Startups Ventues PTE. LTD Việt Nam đầu tư 200.000 USD và Quỹ Vinacapital số tiền 1 triệu USD; đồng thời đại diện cho startup Việt Nam tham dự Techfest toàn cầu năm 2021.

Bên cạnh những dự án, ý tưởng nổi bật, dựa vào những cơ chế, chính sách của tỉnh nhà cùng sự hỗ trợ tối đa của Sở KH&CN, nhiều startup đã thành hình và khởi nghiệp thành công từ việc khai thác nguồn tài nguyên bản địa.

Bước vào kỷ nguyên 4.0, thời đại công nghệ số, các doanh nhân trẻ đang dần chiếm lĩnh thị trường với nhiều dự án, mô hình sản xuất, kinh doanh nổi bật trên mọi lĩnh vực

Theo đó, qua trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hòa - Trưởng phòng phụ trách trung tâm hỗ trợ KNĐMST tỉnh Nghệ An về những tấm gương, mô hình khởi nghiệp điển hình ở địa phương và được ông nhắc ngay đến mô hình Mami Farm chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng của nữ doanh nhân trẻ Trần Thị Thu Hằng ở xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Theo ông Hòa đánh giá, mô hình Mami Farm là một trong những mô hình điển hình về sản xuất các sản phẩm về nông sản, ngũ cốc. Mặc dù còn rất trẻ, tuy nhiên Hằng đã khẳng định vị thế của mình, dám nghĩ, dám làm và đã tìm ra được cho mình một mô hình riêng biệt, phù hợp với xu thế hiện đại. Cụ thể, mô hình kinh doanh của Mami Farm, đó là phát triển các kênh theo xu hướng 4.0, các kênh cộng tác viên chủ yếu tương tác qua môi trường thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Tạo ra sự khác biệt rõ rệt, nổi trội hơn so với các mô hình kinh doanh khác.

“Là một doanh nghiệp khởi nghiệp, bước đầu trung tâm đã đồng hành, hỗ trợ Hằng một số kết nối với chuyên gia đầu ngành về marketing, phát triển mô hình kinh doanh và chuyên môn. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ về công tác truyền thông; trong đó, có nhiều kênh nhằm giúp các bạn tham gia các hoạt động, sự kiện về khởi nghiệp cũng như quảng bá, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của mình trong và ngoài tỉnh”, ông Hòa cho biết thêm.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, mô hình sản xuất, kinh doanh Mami Farm có hệ thống phân phối trên 500 thành viên, cộng tác viên trải rộng trên khắp các tỉnh, thành phố trong nước. Mỗi tháng, công ty này sản xuất, bán ra thị trường hơn 20.000 sản phẩm ngũ cốc các loại, với giá trị trung bình mỗi sản phẩm 320.000 đồng; thu lợi nhuận hàng tháng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tác giả: HỒNG QUANG

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP