Tin trong tỉnh

Bước đột phá trong tín dụng chính sách ở Nghệ An

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội", tỉnh Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự chuyển biến rõ nét. Tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thật sự là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Ðình, xã Châu Ðình, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) phát triển kinh tế trang trại cho thu nhập cao.

Thay đổi diện mạo nhiều vùng quê

Khu gia trại tổng hợp của gia đình anh Lê Minh Thành ở xóm 4, xã Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu) có hai con bò sinh sản, hai con lợn nái, hai con hươu và gần 1.000 con vịt. Cơ ngơi này của anh Thành cùng nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác ở xã Quỳnh Hậu có điều kiện vươn lên thoát nghèo, bắt đầu có kinh tế khá giả đều nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Những năm qua, tại huyện Quỳnh Lưu, từ nguồn tín dụng ưu đãi, nhiều mô hình kinh tế được hình thành, tạo được hướng phát triển đa dạng thoát nghèo và vươn lên làm giàu của địa phương. Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đã góp phần quan trọng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện thời gian qua. Trong giai đoạn 2014 - 2019, NHCSXH Quỳnh Lưu đã giải ngân 748 tỷ đồng với 25.561 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tính đến ngày 30-6-2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt gần 554,8 tỷ đồng, với hơn 21 nghìn khách hàng có dư nợ.

Ðể có nguồn vốn cho đồng bào các dân tộc thiểu số vay phát triển kinh tế, huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tín chấp với NHCSXH ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh,... cho vay 16 chương trình với tổng số tiền hơn 477 tỷ đồng cho hơn 13 nghìn khách hàng; hỗ trợ các chương trình sản xuất khác hơn 30 tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình các dân tộc thiểu số của huyện đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng rừng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Lô Thị Hoa, bản Muộng, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp chia sẻ: "Năm 2014, gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng mua được cặp bò giống, đến năm 2018, bò sinh sản được sáu con. Tôi còn mở rộng ao để cải thiện thức ăn hằng ngày, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo". Bà Vi Thị Xuân, bản Choọng, xã Châu Lý cho biết, cũng nhờ vốn vay NHCSXH, gia đình bà đã phát triển chăn nuôi 30 con bò. Gia đình biết phát huy vùng đặc thù, biến cái khó của địa phương thành lợi thế để đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, thành lập xưởng gỗ bóc keo, mua sắm thêm công nông, máy dập táp lô đem lại thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm và còn tạo việc làm cho người dân trong bản.

Giảm nghèo bền vững

Thôn 3, xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) giáp biên giới, trước đây chủ yếu là đồi núi trọc. Năm 2013, từ 190 triệu đồng vốn vay dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3), gia đình chị Trần Thị Xuyên đã khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng nguyên liệu tại đồi Gia Lửa, sau 5 năm cho thu hoạch, mỗi héc-ta đạt 50 triệu đồng. Trả hết nợ ngân hàng vẫn còn dư nhiều vốn, gia đình tiếp tục đầu tư trồng keo. Từ đây, kinh tế gia đình ổn định, có tiền nuôi các con ăn học. Hay tại xã Châu Ðình, huyện Quỳ Hợp, ông Chu Quốc Trụ sau khi nghỉ việc nhà nước đã về Quỳ Hợp phát triển kinh tế trang trại. Ban đầu với đồng vốn ít ỏi tích lũy được, cộng với hơn một tỷ đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, ông đầu tư trồng 6 ha cam, xây dựng chuồng trại nuôi bò, đào ao thả cá; sắm xe bán tải để đi lại và tiêu thụ sản phẩm. Trang trại kinh tế tổng hợp của ông đã trở thành điển hình tại Quỳ Hợp. Chủ tịch UBND xã Châu Ðình Nguyễn Văn Sửu cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, nguồn vốn chính sách tăng đáng kể, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn của người dân, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt hơn 37 tỷ đồng, nhờ đó, giúp xóa đói, giảm nghèo, kinh tế phát triển.

Thực tế cho thấy, cùng với cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, thời gian qua, NHCSXH Nghệ An đã cho vay chương trình giải quyết việc làm, với hàng nghìn lao động được tạo việc làm, xuất khẩu lao động, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo nhiều bản làng miền núi và các vùng quê đồng bằng ở tỉnh. Giám đốc NHCSXH Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết: Trong 5 năm (2014-2019), NHCSXH Nghệ An đã cho hơn 461 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, đạt hơn 12.700 tỷ đồng. Ðến ngày 30-6-2019, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, tăng sáu chương trình, với tổng nguồn vốn đạt 8.237 tỷ đồng, tăng 1.996 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7,1%.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Xuân Sơn ghi nhận: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét, tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh triển khai thật sự là điểm sáng trong giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Ðể bảo đảm hiệu quả nguồn vốn vay cũng như nâng cao đời sống, kinh tế của người dân, chính quyền cơ sở cần hết sức quan tâm quy trình cho vay từ xác định đối tượng cho vay, hỗ trợ cũng như định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay.

Tác giả: MINH THƯ - THÀNH CHÂU

Nguồn tin: Báo Nhân dân

  Từ khóa: chính sách , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP