Các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn. |
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn khẳng định thời gian qua, công tác xây dựng Đảng trên cả 5 lĩnh vực chính trị, tư tưởng; tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận; công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, đã đạt nhiều kết quả tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương.Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn.
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đang đặt ra nhiều vướng mắc, khó khăn, hạn chế; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu cần phân tích, mổ xẻ, đánh giá toàn diện, đầy đủ, sâu sắc, khách quan, nhất là nêu được những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp, biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết XII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu đề dẫn tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn. |
Tham gia ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và ở từng cấp, ngành, địa phương đều chú trọng chăm lo, đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và vai trò tổ chức đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên nhiều băn khoăn, trăn trở đang đặt ra từ thực tiễn và cần có sự quan tâm hơn nữa từ Trung ương và tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Nam Đàn Bùi Đình Long kiến nghị tỉnh cần quy định tiêu chuẩn “mềm” hơn đối với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện. Ảnh: Đào Tuấn. |
Khẳng định công tác tư tưởng có vai trò cực kỳ quan trọng, vừa có vai trò mở đường, song hành và kết thúc trong quá trình triển khai một chủ trương, chính sách, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Trình Văn Nhã đề xuất Trung ương và tỉnh cần bổ sung, cập nhật kiến thức trong các giáo trình bồi dưỡng chính trị cho các đối tượng, bởi thực tế hiện tại có nhiều giáo trình đã xây dựng nhiều năm.
Gắn với đó cần linh hoạt trong việc quy định về chế độ, chính sách cho giảng viên, tạo điều kiện cho các cơ sở vận dụng và tạo động lực cho đội ngũ này hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời quan tâm tổng hợp dư luận, định hướng dư luận và xử lý các vấn đề dư luận đặt ra một cách kịp thời, tránh tình trạng khi có điểm “nóng” mới vào cuộc quyết liệt, tập trung.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành Nguyễn Viết Hưng nêu kinh nghiệm xây dựng hệ thống chính trị vùng đặc thù. Ảnh: Đào Tuấn. |
Đề cập đến công tác tổ chức cán bộ, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn Bùi Đình Long đề nghị tỉnh cần tăng thêm chỉ tiêu đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho các địa phương. Mặt khác cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ cụ thể, mang tính lượng hóa và thống nhất toàn tỉnh; đồng thời nghiên cứu để có quy định tiêu chuẩn “mềm” hơn đối với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện.
Tham gia ý kiến về lĩnh vực kiểm tra, giám sát của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Vinh Trần Thị Cẩm Tú kiến nghị Trung ương cần có quy định về cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra ở cơ sở.
Đồng chí Trần Thị Cẩm Tú cho rằng để ngăn ngừa vi phạm, giáo dục cán bộ, đảng viên và củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, yêu cầu việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm phải đảm bảo đúng nguyên tắc và quy định; đồng thời việc xử lý cần đảm bảo đồng bộ cả về mặt Đảng, chính quyền, đoàn thể...
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn. |
Nhiều ý kiến tham gia tại hội nghị cũng đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến kinh nghiệm xây dựng hệ thống chính trị vùng đặc thù; công tác dân vận và vận động quần chúng; công tác củng cố tổ chức đảng và phát triển đảng viên; công tác tư tưởng trong đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên…
Kết luận chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, khẳng định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt”, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho cấp ủy các cấp là phải chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng ở cả 5 nội dung về chính trị tư tưởng; tổ chức cán bộ; dân vận; kiểm tra giám sát và nội chính.
Nêu thực tiễn các nghị quyết được ban hành mà không thảo luận, không giải thích cặn kẽ cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, không kiểm tra, giám sát thường xuyên thì rất khó đi vào cuộc sống, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh tầm quan trọng và yêu cầu việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết cần thực chất, trong đó chú trọng các nghị quyết, đề án chuyên đề của từng ngành, lĩnh vực.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn. |
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu cần phải thực chất trong việc nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) trong toàn bộ đảng viên, nhất là cán bộ, người đứng đầu đã thực sự gương mẫu hay chưa; bao gồm gương mẫu về đạo đức lối sống, về thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và gương mẫu trong việc nhận khuyết điểm, hạn chế, sai phạm của mình, từ đó có ý thức gương mẫu sửa chữa.
“Nếu khi cán bộ có lỗi hoặc sai phạm mà không gương mẫu nhận và khắc phục mà che giấu lỗi, cái sai của mình và cán bộ, tổ chức cũng bao che thì khó giải quyết được các vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế đang đặt ra ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương” - đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Duy. |
Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt ra yêu cầu cần đánh giá chính xác, toàn diện về công tác tổ chức cán bộ; từ đó đề xuất, đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn; hướng tới làm sao tỷ lệ chọn cán bộ chính xác cao hơn, phân công nhiệm vụ hợp lý hơn; đánh giá cán bộ thẳng thắn, công tâm, khách quan trên cơ sở đề ra các tiêu chí rõ ràng và bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), đó là đánh giá cả quá trình công tác gắn với kết quả nhiệm vụ và kết quả đơn vị mà mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý.
Về công tác phát triển đảng viên, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, bên cạnh đảm bảo chỉ tiêu thì cũng cần chú trọng chất lượng từ khâu đầu vào của đảng viên.
Đặt ra yêu cầu phải đúc kết được những bài học kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng hệ thống chính trị, công tác nội chính để tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát nếu làm tốt thì sẽ góp phần làm trong sạch bộ máy và cổ vũ cho sự tiến bộ, mô hình tốt.
Vì vậy, yêu cầu các cấp ủy đảng phải làm mạnh mẽ và rõ nét hơn đối với công tác kiểm tra, giám sát, các địa phương cần chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, tránh thụ động chờ chỉ đạo, đốc thúc ở cấp trên.
Tác giả: Mai Hoa
Nguồn tin: Báo Nghệ An